- Những tín hiệu không khả quan từ nền kinh tế thế giới, các thị trường chứng khoán quốc tế cũng như sự bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại và nhiều khó khăn đang đặt ra đối với các doanh nghiệp...sẽ khiến thị trường nhiều khả năng tiếp tục đi xuống.
Tuần qua, chỉ số VN - Index trên sàn HOSE có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm (trong đó có phiên giảm nhẹ cuối tuần), kết thúc tuần dừng lại ở 245,70 điểm, giảm 0,04 điểm (0,02%) so với phiên cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch cả tuần đạt 40,6 triệu đơn vị, giảm 23,36% so với tuần trước, tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 755,00 tỷ đồng, giảm 29,11%.
Các nhà đầu tư vẫn ngần ngại rót tiền vào thị trường. Ảnh: Phạm Hải. |
Chỉ số HASTC-Index đã có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm trong tuần, chốt tuần ở mức 84,59 điểm, tăng 0,63 điểm (0,75%) so với phiên cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch cả tuần đạt 20,8 triệu đơn vị, giảm 22,81% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 381,76 tỷ đồng, giảm 23,01%.
Nguyên nhân của sự không bật lên được là do tuần qua có những tin xấu như thị trường chứng khoán thế giới lao dốc, các nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng, nhiều nhà đầu tư cũng chốt lời tuần vừa rồi nên đẩy mạnh bán ra.
Các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu nhưng lại chưa mua ngay mà chờ thị trường xuống thấp trở lại. Vì vậy cũng làm giảm lượng cầu và lượng tiền tham gia thị trường. Diễn biến thị trường cũng cho thấy mức 250 điểm giờ đây đã trở thành ngưỡng kháng cự khá mạnh. Khi chỉ số VN - Index đến sát mức đó thì nhiều nhà đầu tư sẽ bán ra vì cho rằng chỉ số này hiện tại khó lòng vượt qua ngưỡng trên.
Ngày 4/3/2008, Ngân hàng HSBC công bố báo cáo Vietnam Monitor tháng 3/2009, trong đó đưa ra những dự báo bi quan về TTCK Việt Nam. TTCK Việt Nam là thị trường giảm điểm tệ nhất Châu Á kể từ đầu năm mới 2009, với tỷ lệ giảm 22%, trong khi chỉ số MSCI của Châu Á (không tính Nhật bản) chỉ giảm có 12%. Thị trường đã giảm 81% kể từ đỉnh vào tháng 3/2007.
Lập luận đáng chú ý nhất của HSBC là thị trường Việt Nam không phải là rẻ so với các thị trường khác trên thế giới. Dù gần đây, các báo cáo của HSBC không phải là luôn đúng, nhưng lập luận này cũng đáng để nhà đầu tư cân nhắc.
Nền kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm. Dự báo về triển vọng kinh tế của Mỹ cũng hết sức u ám. Theo Chủ tịch FED, kinh tế của Mỹ năm 2009 tiếp tục suy giảm và chưa thể phục hồi vào năm 2010. Các nền kinh tế khác cũng liêu xiêu như cây trước gió mạnh. Dự đoán chắc chắn đúng nhất là nền kinh tế thế giới trong mấy tháng tới sẽ tiếp tục lao dốc và sẽ có hiệu ứng suy thoái domino lan rộng.
Nhiều nhà đầu tư bán ra chốt lãi nhưng chưa mua vào ngay cũng là nguyên nhân khiến thị trường đi xuống. Ảnh: P.H |
Nền kinh tế Việt Nam do thiếu nhiều các đánh giá đo lường nên chưa rõ được tác động của khủng hoảng thế giới. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn “khoẻ mạnh”, nên sẽ không đi theo con đường của nhiều nước, đó là khủng hoảng tài chính dẫn tới khủng hoảng kinh tế.
Vấn đề có lẽ sẽ nằm ở chỗ giảm sút mạnh của xuất khẩu, đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, ngưng trệ của sản xuất và kinh doanh . Các doanh nghiệp cả niêm yết và không niêm yết sẽ chịu tác động mạnh về doanh số và lợi nhuận. Những doanh nghiệp nào có hệ số đòn bẩy (vay nợ) ngắn hạn quá cao có thể chịu rủi ro lớn, có thể phá sản. Tuy nhiên, do sự cẩn trọng của hệ thống ngân hàng, hy vọng, nếu có hiện tượng phá sản, thì chỉ diễn ra trong nội bộ nhóm doanh nghiệp, không gây hiệu ứng domino lên các ngân hàng.
Tuần qua dư luận xôn xao về việc thực hiện Quyết định 126/2008/QĐ-BTC. Theo đó, các công ty chứng khoán (CTCK) phải đóng cửa đại lý nhận lệnh. Có nhiều ý kiến phản đối, nhất là từ các CTCK hiện đang có nhiều đại lý nhận lệnh đang hoạt động tốt. Các ý kiến tán thành chủ yếu từ các công ty chứng khoán mới hay CTCK đang rút bớt các đại lý nhận lệnh.
UBCKNN vừa đề xuất 6 giải pháp phát triển TTCK năm 2009. Chưa có sự đột phá trong các giải pháp, trong đó có các giải pháp như tăng room của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu ngân hàng thương maị hay thành lập quỹ bình ổn chứng khoán, đã được bàn đi bàn lại khá nhiều và chưa ngã ngũ. Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh lộ trình thực hiện các giải pháp này, cũng như tính khả thi và tác động thật sự của các giải pháp.
Có những ý kiến cho rằng UBCKNN, cơ quan trực tiếp quản lý, nên hoàn chỉnh môi trường vĩ mô cho thị trường, tạo tính minh bạch cũng như hiện đại hoá quy trình giao dịch, hơn là trực tiếp can thiệp vào thị trường, vì như vậy hoá ra là bóp méo quy luật cung cầu và có thể khiến giá cổ phiếu không thực sử phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp.
Sự giảm xuống của thị trường trong thời gian qua một phần là do sự thiếu minh bạch, dẫn tới rủi ro quá cao nên nhà đầu tư nghi ngại không dám tham gia. Thêm vào đó, sự thoái vốn của khối đầu tư ngoại cũng nằm ngoài khả năng kiểm soát của UBCKNN.
Nhiều khả năng đi xuống
Sự sụt giảm trong giao dịch trong khi thị trường đi ngang có thể là tín hiệu xấu. Nếu tuần tới, tính thanh khoản tiếp tục mất thì thị trường lại rơi vào tình trạng ảm đảm và suy thoái như thời gian vừa qua.
Đợt sóng nhỏ vừa rồi cũng có thể cho phép một số nhà đầu tư lướt sóng thu được lợi nhuận 5-10%, một tỷ lệ khá tốt trong thời điểm khó khăn hiện nay. Đặc biệt là có những mã cổ phiếu tăng trần nhiều phiên (như BMC, HAP) thì tỉ lệ lãi còn cao hơn nữa. Vì vậy, trong thời gian tới, nếu thị trường không chắc chắn đi lên, thì họ sẽ tạm “nằm phục” chờ thị trường đi xuống để mua lại với giá rẻ hơn các cổ phiếu đã bán, hy vọng đón một đợt sóng mới.
Nhà đầu tư cần thận trọng và cân nhắc rủi ro khi tham gia thị trường vào thời điểm này, khi mà xu thế thị trường chưa thực sự được cải thiện. Theo các chuyên gia tư vấn, đối với những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu trong thời gian vừa rồi, cần xác định rõ nguyên tắc đầu tư của mình, và khoảng giá giao động của giá cổ phiếu. Nếu giá cổ phiếu xuống thấp hơn hơn giới hạn lỗ cho phép, trong khi xu hướng là vẫn tiếp tục xuống, thì nhà đầu tư nên tính tới việc cắt lỗ để hạn chế rủi ro.
- Trần Long