- Nhiều nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên do khó khăn về kinh tế đành dằn lòng bán non cho tiểu thương với giá rẻ. Còn tiểu thương vì cái lợi trước mắt, hái cả khi trái còn xanh. Đó là những lý do khiến cà phê Tây Nguyên ngày kém chất lượng.
Do thiếu vốn sản xuất, chị Võ Thị Thanh, xã K’Dang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) phải bấm bụng bán non cả rẫy cà phê rộng hơn 3ha khi vừa tưới xong đợt 2. “Đành phải bán cà phê non thôi khi cả gia đình vừa lâm vào cảnh túng thiếu lại vừa lo giá cả sẽ lên xuống thất thường”, chị tiếc rẻ.
Hái cả quả xanh. Ảnh: Thanh Ngân |
Mua-bán khi cà phê còn nằm trên rẫy
Theo chị Thanh, gia đình chị đã gắn bó với cà phê hơn 10 năm qua nên rất chú trọng đến các khâu chăm sóc vườn cây. Vì vậy, năng suất khá cao, thường đạt từ 15-16 tấn tươi/ha. Mỗi vụ thu hoạch, rẫy cà phê của chị thường đem về 45-48 tấn tươi, tương đương với 10-11 tấn nhân/năm.
Nhưng do phải bán non, người mua cho rằng năng suất rẫy của chị chỉ đạt 13-14 tấn/ha, ra giá 4.400 đồng/kg tươi, sau khi khấu trừ chi phí, họ trả chị 580 triệu đồng, ứng trước 400 triệu đồng. Với tâm lý bất an, thà “xanh nhà hơn già đồng”, chị Thanh đã bán non cả rẫy để đỡ lo lắng về giá cả vào cuối vụ.
Không như những vụ trước, mặc dù vẫn chưa đến mùa thu hoạch khi cây cà phê vừa dứt đợt ra hoa, mới bắt đầu đơm hạt nhưng hiện nhiều tiểu thương tại Tây Nguyên đã tận dụng tâm lý bất an của nông dân về giá cả mặt hàng nông sản này mà ra sức lùng mua cà phê non.
Tại Gia Lai, nhiều hộ nông dân tại các huyện Chư Păh, Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Sê… đã chấp nhận bán cà phê non cho tiểu thương. Vẫn chỉ với những “chiêu thức” khá quen thuộc như: tham quan vườn cây, dự đoán năng suất trung bình, ra giá mua non từ 4.200-4.500 đồng/kg tươi và cho nông dân tạm ứng trước 70-80% số tiền, nhiều tiểu thương như đang thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm tiếp tục “gom hàng chờ giá”.
Việc thu hái và bảo quản kém khiến thiệt hại nặng về kinh tế. Ảnh: Thanh Ngân |
Lợi bất cập hại
Ông Ngô Thành Hưng, xã Hoà Đông, huyện Krông Pắc (Đăk Lăk) trồng được gần 2ha cà phê nhưng trong khi rẫy cà phê vẫn đang đơm hạt, ông Hưng đã bán đổ bán tháo cho tiểu thương. Dù tiếc thành quả và công sức lao động của mình, nhưng theo ông, “bán non cà phê cho chắc”:
“Năm ngoái tôi dự định trữ lại chờ giá nhưng cuối vụ thu hoạch trước, giá cà phê xuống quá thấp nên lỗ nặng. Vụ này tôi phải bán non do lo ngại giá cả sẽ xuống thấp hơn nữa”, ông Hưng nói.
Có thể nói, trong khi nhiều nông dân Tây Nguyên đang gặp khó khăn về vốn, mang tâm lý lo ngại về giá cả… đã khiến thủ thuật “gom hàng” của tiểu thương có đất dụng võ. Việc người nông dân dằn lòng chấp nhận tổn thất về kinh tế, thành quả lao động bán cà phê non cho tiểu thương được dự báo sẽ khiến việc thu hoạch, bảo quản mặt hàng nông sản này thêm khó khăn.
Theo ông Lê Văn Lịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai: “Nông dân bán cà phê non cho tiểu thương không chỉ gây ảnh hưởng đến thị trường chung mà còn khiến họ gặp tổn thất về kinh tế, thành quả lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng cà phê tiếp tục sụt giảm khi phát sinh tâm lý “tuốt sạch cả xanh lẫn đỏ” trong thu hoạch, bảo quản nông sản của người trồng cà phê”.
Tại huyện Đăk Hà (Kon Tum), tiểu thương không thể mua non cà phê của nông dân. Ngày 06/11/2008, UBND huyện Đăk Hà đã chỉ thị: cá nhân, DN chỉ được vận chuyển cà phê nhân (đã qua sơ chế) ra khỏi địa bàn huyện. Bằng nguồn vốn ngân sách, UBND huyện Đăk Hà đầu tư 130 máy xay cà phê nhằm hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng cà phê. |
-
Thanh Ngân