- Trong một loạt các chương trình ngăn ngừa suy giảm kinh tế, Bộ Công Thương đang khởi động gói chương trình khai thác thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng. Ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Sẽ marketing hàng Việt cho người Việt
Thưa ông, xuất khẩu mang về 70% GDP. Phải chăng vì điều đó mà xuất khẩu từng được coi trọng hơn thị trường nội địa?
Ông Võ Văn Quyền. Ảnh: D.A |
Ba động lực đóng góp vào tăng trưởng GDP là đầu tư, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Nói cái nào quan trọng hơn cái nào quả là khó. Bất cứ chân nào phát triển lệch cũng đều làm tăng trưởng kinh tế không bền vững.
Vì xuất khẩu chiếm 60- 70% GDP và bảo nó quan trọng hơn thị trường nội địa thì cũng không phải. Trong 10 năm trở lại đây, giữa xuất khẩu và thị trường nội địa là một khoảng cách rất xa về qui mô nhưng càng về sau, khoảng cách đó càng dịch gần nhau. Năm vừa qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt gần 62 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hoá trên thị trường nội địa tăng tới 31% so với năm 2007 và qui mô đạt hơn 980.000 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 60 tỷ USD. Như vậy, qui mô hai thị trường này cũng không phải là lệch nhau lắm.
Nhìn về dài hạn, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, thu nhập tăng lên thì qui mô thị trường nội địa cũng sẽ tăng lên. Nếu xuất khẩu cứ suy giảm như hiện nay thì rất có thể, sức tiêu thụ nội địa còn tăng mạnh hơn cả xuất khẩu.
Các chương trình khai thác thị trường nội địa sẽ được triển khai như thế nào?
Thực chất, phạm vi của chương trình này là kích cầu tiêu dùng cá nhân và một phần liên quan đến tư liệu sản xuất phục vụ cho các hộ nông dân là như trâu bò, cày cuốc, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Tất nhiên, điều trước tiên là chúng ta vẫn tôn trọng cơ chế thị trường. Đó là sự thuận mua vừa bán. Nhà nước sẽ không thể kích thích bằng những các biện pháp hành chính mà chỉ tác động tới các chủ thể thị trường ở một mức độ nhất định. Bộ Công Thương sẽ đưa ra một loạt các đề xuất và kêu gọi sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng (NTD).
Trong đó, các loại hình xúc tiến thương mại, thúc đẩy bán hàng có gì mới, thưa ông?
Chúng tôi sẽ có loại hình hội chợ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong chuỗi đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ một số hội chợ cấp miền, cấp vùng cho những nhóm ngành hàng của DN sản xuất trong nước cần tiêu thụ và NTD có thể mua được.
Về hoạt động thúc đẩy bán hàng, thực ra, không cần Nhà nước kêu gọi thì bản thân các DN cũng muốn thúc đẩy bán hàng. Chúng tôi sẽ kết nối hệ thống phân phối trên toàn quốc để tổ chức Tuần bán hàng Việt Nam, Tháng bán hàng Việt Nam có thưởng, có khuyến mãi... tạo thành một sự kiện chung có qui mô toàn quốc thay vì từng DN phải quảng cáo khuyến mại. Chúng tôi hi vọng đó sẽ là một sự kiện văn hoá tiêu dùng hấp dẫn. Tôi được biết, nhiều DN sẵn sàng chi phí cho việc này và họ chỉ cần Bộ Công Thương làm đơn vị bảo trợ.
Tổng giá trị tiêu thụ trên thị trường nôi địa không quá chênh lệch so với kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: Diệp Anh. |
Thưa ông, thời gian qua nhiều ý kiến đưa ra cho rằng, cần quan tâm trực tiếp tới thị trường ở khu vực nông thôn?
Đúng thế. Chúng tôi cũng đã dự kiến sẽ có chương trình bán hàng về nông thôn. Thị trường trong nước với 83% dân số sống ở nông thôn, qui mô thị trường 60% là ở nông thôn. Trong khi đó, các DN sản xuất ở Việt Nam thì hoặc là xuất khẩu, hoặc chủ yếu bán ở thành thị. Các nhà phân phối lớn cũng chủ yếu tập trung ở thành thị . Khu vực nông thôn bị bỏ quên. Tất nhiên, hàng hoá đưa về đó sẽ cần có mẫu mã, giá cả phù hợp.
Chúng tôi sẽ có tổ chức các đợt bán hàng chung về nông thôn ở một số tỉnh trọng điểm. Sau đó, Nhà nước có thể hỗ trợ về địa điểm, chi phí quảng bá, các DN sẽ tự tổ chức thêm. Tương tự như vậy, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh bán hàng về các khu công nghiệp. Nhu cầu ở đây là khá lớn với hàng triệu lao động trẻ đang sống tập trung. Với chiến dịch này, tôi hi vọng sẽ làm thay đổi nhận thức của cộng đồng DN về nhu cầu tiêu dùng ở khu vực này.
Nhận diện lại thị trường trong nước
Khi thu nhập của người dân kém đi, ông có cảm nhận thế nào khả năng kích thích tiêu dùng trong nước?
Suy giảm kinh tế sẽ làm GDP tăng chậm lại, bình quân GDP trên đầu người sẽ giảm hoặc tăng chậm. Tuy nhiên, qui mô thị trường thì vẫn giữ hoặc tăng. Sau việc đầu tư và tiết kiệm, nền kinh tế vẫn phải có tiêu dùng. Người dân vẫn phải đi chợ, vẫn phải có cái ăn, cái mặc nên những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ vẫn tiêu thụ được, còn những mặt hàng xa xỉ, hoặc có tính sử dụng lâu dài thì sẽ chững lại, NTD sẽ phải cân nhắc.
Thị trường nội địa chắc chắn vẫn tăng lên. Trước đây, vì tập trung cho xuất khẩu, thị trường nội địa bị bỏ quên cho các hàng hoá ngoại giá rẻ tràn vào. Nay, DN Việt Nam quay trở lại, làm phình ra thị phần của mình, cạnh tranh với các hàng khác. NTD sẽ mua hàng phù hợp với túi tiền của họ. Giá cả hợp lý những cũng phải đi đôi với thị hiếu. Để giành lại miếng bánh thị phần này, các DN Việt Nam sẽ phải cấu trúc lại mẫu mã, chất lượng hàng hoá của mình.
Nhiều loại hàng hoá có sức cạnh tranh lớn trên thị trường nội địa. Ảnh: D.A |
Trên thị trường nội địa, theo ông, có những mặt hàng nào có lợi thế cạnh tranh?
Tôi cho rằng, hàng nông sản, thực phẩm, dệt may, da giày Việt Nam là hoàn toàn có lợi thế, không kém chất lượng, mẫu mã so với hàng ngoại. Nhựa, đồ gia dụng, điện lạnh, điện máy của ta cũng không kém, có thể cạnh tranh được. Vấn đề là chúng ta phải tổ chức lại thị trường ra sao.
Tâm lý sính ngoại liệu có phải là một trở ngại để thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa, thưa ông?
Tôi cho là, điều này không quá đáng ngại. Tỷ lệ người có nhiều tiền để mua hàng hoá ngoại, xa xỉ ở Việt Nam không phải là số đông. Tâm lý chạy theo mốt không phải là xu hướng chính ở thị trường Việt Nam. Khi làm thị trường thì trước tiên cần phải tập trung số đông đã. Sau đó, có điều kiện thì ta mới tập trung vào các phân khúc nhỏ còn lại như những người giàu có...
Thậm chí, có thể hi vọng qua chương trình này, chúng ta sẽ giúp họ nhận dạng trở lại rằng, hàng Việt Nam cũng là rất tốt. Bao nhiêu năm nay, cá nhân tôi vẫn dùng áo sơ mi Việt Tiến bởi vì thật sự là hàng may mặc của hãng này tốt. Đáng tiếc là, có một số người đánh đồng rằng, cứ hàng ngoại, càng đắt tiền thì là hàng tốt, nhưng sự thật chưa chắc đã đúng là thế.
Ông nghĩ sao về khẩu hiệu người Việt Nam dùng hàng Việt Nam để thể hiện lòng yêu nước?
Bộ Công Thương không tuyên truyền chuyện người tiêu dùng Việt Nam chỉ nên dùng hàng Việt Nam. Bản chất chương trình là đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt Nam do trong nước sản xuất. Các DN Việt Nam muốn chiếm lĩnh được thị trường thì phải đổi mẫu mã, thiết kế và giá cả hợp lý. Thông qua đó, chúng tôi kêu gọi và tác động có sự hưởng ứng của người tiêu dùng Việt Nam. Sự thành công nằm ở chỗ, các DN sẽ phải làm tốt hàng hoá của mình trước đã, họ phải đáp ứng đúng nhu cầu của NTD. Các nhà DN hãy vì người tiêu dùng Việt Nam mà tạo ra hàng hoá tốt.
-
Diệp Anh (thực hiện)