221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1166608
Xuất khẩu những ngày đầu tháng 2/2009: phục hồi
1
Article
null
Xuất khẩu những ngày đầu tháng 2/2009: phục hồi
,

 - Mặc dù giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn giảm nhưng hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tần suất giao dịch những ngày đầu tháng 2/2009 đang sôi động trở lại. Những tín hiệu tích cực dù còn mong manh nhưng cho thấy nền kinh tế đang chuyển biến theo chiều hướng “ấm” dần lên.

Giá tăng, giao dịch sôi động

Theo tính toán từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu trong 10 ngày đầu tháng 2/2009 đã nhích lên so với tháng 1, ước đạt trên 1,6 tỷ USD.

Dệt may vẫn chiếm ưu thế tại thị trường Mỹ - Ảnh VNN

 

Ấn tượng nhất là mặt hàng gạo với tiến độ xuất khẩu rất tốt. Mới 10 ngày đầu tháng 2/2009 mà lượng gạo xuất khẩu đã gần bằng cả tháng 1, đạt trên 280 ngàn tấn với kim ngạch 124 triệu USD.

Tính chung từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu đã đạt gần 600 ngàn tấn, kim ngạch đạt trên 220 triệu USD, tăng hơn gấp 3 lần về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2008.

Dự báo xuất khẩu gạo trong tháng 2 sẽ tiếp tục sôi động, lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo tiếp tục tăng cao do các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng và đẩy mạnh tiến độ giao hàng. Hiện gạo đang được xuất khẩu mạnh tới Philippin, Irắc, các nước châu Phi (Bờ Biển Ngà, Ghana, Cameroom, Senegal...) và Cuba.

Nhờ xuất khẩu gạo tăng mà giá thu mua thóc gạo trong nước đã tăng 15 – 20%. Lúa chất lượng cao được thu mua với giá 4.200 đồng – 4.400 đồng/kg còn các loại lúa thơm giá 5.500 – 5.700 đồng/kg. Với mức giá hiện tại nông dân có thể thu được lãi ròng 20-22 triệu đồng/ha.

Giá xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản khác cũng đang tăng kéo theo giá thu mua nhiều mặt hàng tăng khá mạnh. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, so với trước tết Nguyên đán, giá thu mua nhân hạt điều đã tăng 10%; nguyên liệu chế biến thuỷ sản tăng 10 – 20%...

Giao dịch xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Móng Cái cũng đã nhộn nhịp hơn. Giá cao su tăng thêm 400 NDT/tấn so với cuối tuần trước, lên 11.300 NDT/tấn. Khối lượng giao dịch tuần qua đạt trung bình 400 tấn/ngày, dự báo sẽ tăng lên 500 tấn/ngày vào tuần này.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng theo số liệu thống kê sơ bộ của Hải quan Mỹ, trong tháng 1/2009, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất chiếm ưu thế. Nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Việt Nam tăng đều cả ở mặt hàng chất liệu bông lẫn chất liệu nhân tạo.

 Xuất siêu gần 400 triệu USD

Trái với dự báo tháng 1 nhập siêu 300 triệu USD của Bộ Công Thương, những con số thực tế từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam đã xuất siêu gần 400 triệu USD.

Nguyên nhân là nhập khẩu giảm tốc quá mạnh, tới 43,55% so với cùng kỳ, chỉ đạt 3,329 tỷ USD, trong khi xuất khẩu đạt 3,724 tỉ USD.

Đặc biệt những mặt hàng nhập khẩu duy trì ở mức thấp là linh kiện phụ tùng ô tô, gỗ nguyên liệu, hóa chất, kim loại thường, thức ăn gia súc...

Kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giữ được tiến độ xuất khẩu tốt hơn so với cuối năm 2008.

Nên tranh thủ… nhập khẩu

Tuy nhiên, không chỉ một số mặt hàng xuất khẩu tăng giá. Giá một số loại hàng hóa Việt Nam phải nhập khẩu cũng đang tăng trở lại. Cụ thể, giá nhập khẩu phôi thép dao động quanh mức 400 USD/tấn; xăng tăng 4,7%, giấy tăng 14%...

Kết quả, kim ngạch nhập khẩu 10 ngày đầu tháng 2/2009 ước đạt 2,1 tỷ, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu lũy kế từ đầu năm tới hết ngày 10/2/2009 ước đạt 6,435 tỷ USD.
Nhập siêu đang có nguy cơ quay trở lại.

Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn vào cơ cấu nhập khẩu trong 10 ngày đầu tháng 2 năm 2009 thì nên tranh thủ đẩy mạnh… nhập khẩu tiếp.

Lý do là các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tập trung vào máy móc, nguyên, vật liệu phục vụ cho sản xuất như thiết bị phụ tùng, sắt thép, phân bón, xăng dầu, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may...

Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng rất mạnh, ước đạt 220 triệu USD trong 10 ngày đầu tháng 2, cao hơn cả kim ngạch nhập khẩu trong cả tháng 1/2008. Tính chung kim ngạch nhập khẩu từ đầu năm đến nay đạt 363 triệu USD, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2008.

Đây là tín hiệu tích cực, hứa hẹn kim ngạch xuất khẩu dệt may, da giầy sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

  •  Phan Hùng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,