- Ngày 22/2/2009, từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dòng sản phẩm xăng dầu thương mại đầu tiên của Việt Nam chính thức được đưa ra thị trường. Đây là dấu mốc lịch sử của ngành công nghiệp lọc dầu Việt Nam cũng như chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, đến nay, các sản phẩm xăng dầu đã ra lò và chuyển về các bề chứa sản phẩm. Các loại sản phẩm xăng dầu Việt Nam khi ra lò đều đã được kiểm định rất kỹ và đảm bảo mọi tiêu chuẩn kỹ thuật.
| ||
Vào 20g tối 22/2/2009, một nghi lễ xuất kho sản phẩm xăng dầu thương mại Việt Nam sẽ được tiến hành. Từ kho chứa sản phẩm của nhà máy, chuyến hàng đầu tiên được xuất tại Trạm xuất sản phẩm bằng xe bồn, trong mặt bằng khu Bể chứa sản phẩm của NMLD Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, xăng dầu sẽ được rót vào xe bồn và chuyển thẳng tới các đơn vị phân phối cho người tiều dùng.
Đến nay, nhà máy lọc dầu đã vận hành gần như toàn bộ, xăng dầu thành phẩm đã chảy đều ra kho chứa. Mọi sự chuẩn bị cho thời khắc xăng dầu Việt Nam chính thức ra thị trường đã xong và tất cả đang chờ chứng kiến sự kiện được mong đợi này.
Thực tế, từ 2 tuần trước, nhà máy đã bắt đầu thực hiện chứng cất dầu thô, hơn một tuần trước đã cho những sản phẩm đầu tiên và đến ngày 22/2 xăng dầu do Việt Nam sản xuất sẽ đi ra thị trường.
Ông Đinh Văn Ngọc - Phó giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị trược tiếp quản lý và vận hành NMLD Dung Quất cho biết, theo kế hoạch trong năm 2009, Nhà máy sẽ được vận hành nâng dần công suất để đến tháng 8/2009, đạt 100% công suất thiết kế và sẽ được bàn giao trong tháng 10/2009.
Với 100% công suất thiết kế, trong một tháng, Nhà máy sẽ sản xuất gần 150.000 tấn xăng, 240.000 tấn dầu Diesel, khoảng 23.000 tấn LPG và các sản phẩm khác như Propylene (trên 8.000 tấn), xăng máy bay Jet-A1(khoảng 30.000 tấn) và dầu F.O. (khoảng 25.000 tấn).
Dự kiến, trong năm 2009, NMLD Dung Quất sẽ sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại. Việt Nam đã có thể tự túc được một phần trong hơn 12,6 triệu tấn xăng dầu tiêu thụ phải nhập khẩu 100% hiện nay.
Lịch sử nhà máy bắt đầu từ cách đây hơn 10 năm. Từ 7/1997 đến 12/1998, dự án được triển khai theo hình thức Việt Nam tự đầu tư. Giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2003, dự án chuyển sang hình thức liên doanh với đối tác Nga để xây dựng và vận hành nhà máy theo tỷ lệ góp vốn 50/50. Đến tháng 2/2003, dự án trở lại hình thức Việt Nam tự đầu tư.
Đến tháng tháng 5/2005, Hợp đồng chính xây dựng NMLD đã được ký kết giữa chủ đầu tư PetroVietNam với Tổ hợp nhà thầu Technip với tiến độ đến 25/2/2009 Nhà máy có sản phẩm. Và đến nay đã hoàn thành đúng tiến độ, có sản phẩm ra thị trường sớm hơn 3 ngày.
Thông số thú vị về nhà máy Nhà máy đứng trên diện tích 338 ha mặt đất và 471 ha mặt biển. Toàn bộ nhà máy có 14 phân xưởng công nghệ, trên 30 hạng mục/hệ thống/phân xưởng phụ trợ và các hạng mục công trình biển. Để xây dựng nhà máy, tổng thầu đã phải huy động trên 100 nhà thầu và cung cấp thiết bị, dịch vụ của Việt Nam. Giai đoạn cao điểm, có hơn 12.000 người lao động trong nước và đến từ 30 quốc gia Một so sánh cho thấy, tổng số tài liệu thiết kế và sổ tay vận hành chất đầy khoảng 100 xe tải; diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600 hecta, tương đương với 1.200 sân bóng đá; hơn 150.000 tấn vật tư, thiết bị, tương đương với một triệu xe máy; trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để căng 2 lần từ Hà Nội đến TP.HCM; gần 17.000 tấn thép các loại, đủ để xây dựng 2 tháp Eiffel – Paris; và một nhà máy điện công suất trên 100 Megawatt đủ dùng cho cả thành phố Quảng Ngãi…. |
-
Phước Hà