- Trong khi Bộ Tài chính kiến nghị chỉ tăng thuế nhập khẩu sữa tươi, thay vì là sữa bột như kiến nghị của Bộ NN-PTNT, ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, không đồng tình và cho rằng, như vậy là không hợp lý.
"Quên" tăng thuế trở lại
Ông Hoàng Kim Giao lý giải, từ trước đến nay, các doanh nghiệp chế biến sữa chủ yếu nhập sữa bột nguyên liệu về chế biến. Việc giữ nguyên thuế suất đối với sữa bột vẫn không bảo hộ được người chăn nuôi trong nước.
3 năm qua, số lượng bò sữa tăng rất chậm một phần do sữa nguyên liệu nhập về ồ ạt (ảnh dairyvietnam).
“Nếu giá sữa thế giới cứ giảm như hiện nay mà chúng ta không kịp thời tăng thuế suất lên thì các DN sẽ thi nhau nhập sữa bột vào Việt Nam, người chăn nuôi bò sữa đã và đang phải chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi rồi, họ sẽ không thể sống nổi. Trong khi đó, chúng ta đang lo sợ những vấn đề như melamine và nguồn sữa bột nhập ngoại là có nhiều rủi ro về chất lượng nhất” - ông Giao nói.
Hơn nữa, ông Đỗ Kim Tuyên, Trưởng Phòng gia súc lớn (Cục Chăn nuôi), lập luận, việc đề xuất tăng thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu trở lại là theo đúng lộ trình gia nhập WTO. Trên thực tế, năm 2007 có điều chỉnh giảm là để hạ nhiệt thị trường sữa, hạn chế lạm phát và người tiêu dùng được uống sữa với giá hợp lý.
Cũng giống như với việc giảm thuế nhập khẩu thịt, sau hơn 1 năm các Bộ liên quan “quên” không kiến nghị điều chỉnh tăng trở lại, nông dân đã phải “lãnh đủ”.
Song, khác với chuyện sản phẩm thịt gia súc, gia cầm trong nước rớt giá thê thảm (người tiêu dùng phần nào được lợi) thì trong trường hợp này, họ lại phải uống sữa giá cao, mặc cho thuế nhập khẩu nguyên liệu giảm.
Cùng với đó, giá sữa nguyên liệu hiện giảm tới hơn 50% so với hồi tháng 6/2007. Giá sữa thế giới giảm, thuế giảm thì không có lý do gì giá sữa tăng, kể cả khi tăng thuế.
TIN LIÊN QUAN
Như vậy, cả hai đối tượng chính lẽ ra phải được hưởng lợi từ việc giảm thuế lại không được hưởng. Điều này buộc Bộ NN-PTNT đề xuất tăng thuế nguyên liệu.
Sữa tươi không thể về đến Việt Nam
Trước công văn đề xuất của Bộ Tài chính, ông Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Hà Nội, cũng tỏ ra thất vọng vì việc tăng thuế đối với sữa tươi không có nhiều tác dụng, bởi loại sữa này nhập khẩu rất ít.
Trên thực tế, một chuyên gia lâu năm trong ngành sữa cho rằng, sữa nước nhập về không hẳn đã là sữa tươi. Có hai loại sữa ở đây: đó là sữa thanh trùng và sữa tiệt trùng.
Sữa thanh trùng được bảo quản ở 2-4oC, sau khi xử lý ở 75oC và vẫn giữ được những thành phần cơ bản của sữa như axit amin, vi lượng, khoáng và vitamine, nếu bị cứng hoá thì không còn gọi là sữa tươi nữa.
Tuy nhiên, lượng sữa này khó có thể nhập vào Việt Nam vì không thể vận chuyển được, nhất là bằng đường biển qua hàng nghìn cây số. Còn vận chuyển qua đường hàng không, giá 5 USD/kg cộng với giá sữa, chi phí quá đắt đỏ. Do vậy, không thể có sữa tươi từ nước ngoài nhập vào Việt Nam chế biến và uống được bởi thời gian bảo quản được chỉ trong 5 ngày.
Sữa tiệt trùng đã được xử lý ở nhiệt độ 135oC, trong một thời gian nhất định. Đối với loại sữa này, việc sản xuất trong nước càng thuận lợi bởi DN chế biến không phải cạnh tranh. Vì thế, kể cả khi có tăng thuế lên 15%, nhà sản xuất tăng giá sữa, người tiêu dùng lại phải “gánh”.
PGS.TS Nguyễn Đăng Vang
(ảnh H.Y)
Quan trọng nhất là đối với sữa gầy, chiếm tới 30% tổng lượng sữa nhập về Việt Nam. Nếu không tăng thuế, lợi nhuận sẽ tiếp tục chảy vào túi DN. Đợi đến khi DN giảm giá, e rằng hơi khó.
Cần chia lợi nhuận cho nông dân
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và Môi trường của Quốc Hội, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, cho rằng “đừng để vài chục triệu người tiêu dùng và 20.000 hộ nông dân nuôi bò bị thiệt thòi, chỉ để cho vài DN có lãi”. Trong trường hợp này, không thể bắt các DN hy sinh quyền lợi của mình song cần nhắc nhở họ bớt lãi để người nông dân, người tiêu dùng đỡ thiệt thòi.
“Họ đang móc túi người tiêu dùng, chủ yếu là trẻ em, người già Việt Nam - những đối tượng cần và uống nhiều sữa nhất. Cần phải trả lại công bằng cho người tiêu dùng!”.
Nếu như năm 2001, cả nước chỉ có hơn 41.000 còn bò sữa, thì đến năm 2005 đàn bò sữa đã tăng lên 104.000 con. Trung bình 5 năm (2001-2005), mỗi năm đàn bò sữa cả nước tăng 25%. Vậy mà từ năm 2005 đến nay, con số này chỉ tăng vỏn vẹn 0,4%. Đến cuối năm 2008, chúng ta có 105.980 con bò sữa, như vậy 3 năm tăng thêm được 1.860 con.
Điều này phần lớn bắt nguồn từ nguyên nhân: các DN lao vào sản xuất từ sữa bột nhập ngoại mà bỏ quên nông dân trong nước. Tại sao giá tại Việt Nam chỉ 6.000-7.000 đồng/kg, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc trả tới 11.000 đồng/kg?
-
Hà Yên