- Giá sữa nguyên liệu thế giới giảm mạnh, đến 50-60% hơn một năm qua. Việc Bộ NN-PTNT đề nghị nâng thuế suất nhập khẩu, chính Tổng Giám đốc một doanh nghiệp khẳng định, không phải là cái "cớ" để nhà sản xuất vin vào nhằm tăng giá sữa.
Nhà chế biến lãi lớn
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk), nhấn mạnh, không có lý do gì để các DN sữa tăng giá vào thời điểm này.
Trên thực tế, hơn một năm qua, các DN liên tục đẩy giá sữa thành phẩm trong nước lên cao từ 7-25%, thậm chí là 100%, trong khi nguyên liệu sữa bột nguyên kem và sữa bột gầy tại châu Âu đã giảm mạnh, tới 50-60%. Theo dairyvietnam.org.vn, từ cuối năm 2008, giá sữa nguyên liệu nhập khẩu chỉ còn 2.000 USD/tấn, trong tháng 1/2009 tiếp tục giảm xuống 1.900 USD/tấn (sữa bột gầy là 1.750 USD/tấn).
Các DN sợ tăng giá sữa sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, nhưng việc họ tăng giá và lãi lớn thời gian qua thì họ có nghĩ cho người tiêu dùng? (ảnh VNN)
Theo ông Tuấn, trong cơ cấu giá sữa thành phẩm, về nguyên liệu thì sữa bột chiếm tới 70% giá thành, sữa tươi là 30%, còn các loại khác như kem, bánh ngọt... thì không ảnh hưởng đáng kể. Như vậy, với việc giá sữa nguyên liệu giảm mạnh như thời gian qua, các DN sữa đã thu được khoản lợi nhuận rất lớn.
Một chuyên gia ngành NN-PTNT tính toán, với mức thuế và giá nhập khẩu trên, cộng với chi phí, khi về đến Việt Nam, giá sữa chỉ vào khoảng 7.000 đồng/lít. Sau khi bổ sung một số khoáng chất, cùng lắm giá sữa là 15.000-16.000 đồng/lít.
Nhưng trên thực tế, các DN sữa đang bán trên thị trường giá 150.000 đồng/hộp sữa bột 400 gram, nếu quy ra sữa nước theo công thức chuẩn 120 gam = một lít, thì được 3,4 lít. Như vậy, giá một lít sữa lên tới trên 40.000 đồng. Nhà sản xuất lãi trên 100%.
Chính vì vậy mà năm 2008, các DN trong nước đã chi tới 535 triệu USD để nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa, tăng gần 16% so với năm trước đó. Dutch Lady dẫn đầu với 37%, tiếp đến là Vinamilk 32%, các DN còn lại như Hanoimilk, CP Sữa Quốc tế... chiếm 31%.
Lấy ví dụ từ Vinamilk, theo báo cáo tài chính công bố công khai ngày 15/1, năm 2008, trong bối cảnh kinh tế khó khăn DN vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 1.230 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm ngoái.
Lẽ ra phải cương quyết hơn
"Trong trường hợp này, chỉ người tiêu dùng là thiệt thòi", ông Tuấn nói. Hơn nữa, Nhà nước cũng thất thu một khoản rất lớn, tới hơn 50 triệu USD từ thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu trong năm qua (mà mức thuế mới lẽ ra đã được áp dụng từ giai đoạn 2006-2007).
Số tiền này, Nhà nước có thể đầu tư trở lại cho người chăn nuôi bò sữa trong nước hoặc đẩy mạnh triển khai chương trình Sữa học đường, giúp trẻ nông thôn và trẻ em nghèo mỗi ngày được uống một hộp sữa.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh, việc tăng thuế lẽ ra phải sớm hơn, song cơ quan này còn lấn bấn vì lo ngại đến khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho xã hội, bởi sản xuất sữa trong nước chỉ đáp ứng được hơn 20%.
Song, đến nay, chăn nuôi bò sữa đã hồi phục và tăng trưởng trở lại, cùng với sữa nguyên liệu trên thế giới rẻ, cần điều chỉnh thuế ngay. Việc điều chỉnh này, theo ông Dương, chắc chắn không ảnh hưởng đáng kể đến giá sữa thành phẩm, đe dọa "túi tiền" người tiêu dùng và sức mua như các nhà chế biến vin vào.
Nếu điều phối nhịp nhàng, cả người chăn nuôi, nhà chế biến và người tiêu dùng sẽ cùng được lợi. Ngoài ra, cần sớm có quota về sữa nhập khẩu theo hướng DN phải thu mua một lượng sữa tươi nhất định mới được nhập khẩu sữa bột.
Chưa kể, Tổng Giám đốc một DN ngành sữa cũng cho rằng, việc các DN còn nhập nhèm tỷ lệ đạm trong sữa so với ghi trên bao bì hiện nay chứng tỏ cung cách làm ăn gian dối, để lại hậu họa khôn lường về sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, thị trường sữa Việt Nam vẫn bát nháo với 26 DN chế biến, hàng trăm nhà nhập khẩu, tung ra thị trường các loại sữa có hàm lượng đạm không thể khẳng định được là đảm bảo đạt yêu cầu. Kéo theo đó là hàng trăm loại giá trên trời.
Chưa kể, một số DN nước ngoài sử dụng chiêu sản xuất sữa ở nước thứ ba, như Trung Quốc, Malaysia, Singapore... chất lượng khác xa với sữa sản xuất ở chính quốc. Trong bối cảnh này, sự cương quyết của cơ quan quản lý Nhà nước, sự thông thái của người tiêu dùng là vô cùng cần thiết.
-
Hà Yên