- Tình hình kinh doanh xăng dầu thua lỗ của các doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu đã được báo cáo lên Thủ tướng. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương xử lý các vướng mắc của các DN.
Thủ tướng cũng yêu cầu hai Bộ có giải pháp chỉ đạo, điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới, bảo đảm điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Công văn số Công văn 877/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng nêu rõ, hiện nay, giá dầu thô trên thế giới liên tục giảm nhưng giá dầu thành phẩm lại tăng cao khiến nhiều DN kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn. Thông tin giá dầu thô tiếp tục giảm (khoảng 34 USD/thùng) khiến người tiêu dùng mong muốn giảm giá xăng.
Khả năng tăng giá xăng trong thời gian rất ngắn tới đây là khá rõ ràng. (Ảnh: VNN)
Tuy nhiên, giá dầu thành phẩm lại đang tăng lên (khoảng 60 USD/thùng). Chi phí đầu vào của một lít xăng tại thời điểm này gồm 25% thuế nhập khẩu; 10% thuế tiêu thụ đặc biệt; 10% VAT; phí xăng dầu 1.000 đồng một lít; trả nợ ngân sách tạm bù lỗ 1.000 đồng/lít; quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít. Ngoài ra, còn có các chi phí khác tính theo một lít xăng gồm 500 đồng chi phí kinh doanh; 150 đồng lợi nhuận định mức; 500 đồng chi hoa hồng cho đại lý phân phối. Với giá bán hiện nay, sau khi cộng các khoản thuế, chi phí bến bãi, hoa hồng cho đại lý... mỗi lít xăng, DN lỗ trên 500 đồng.
Việt Nam hiện là nước nhập khẩu thành phẩm 100% xăng dầu. Giá xăng dầu bán lẻ phải tính theo giá thành phẩm, không phải theo giá dầu thô.
Trong khi đó, các DN kinh doanh xăng dầu cho biết, họ đang tính toán về phương án tăng giá xăng trong thời điểm hiện nay để đảm bảo kinh doanh không thua lỗ. Quan điểm tiếp tục thực hiện điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, cộng với thực tế thua lỗ được ghi nhận được xem là một tín hiệu để các DN thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian tới.
-
Phước Hà