- Chia sẻ với PV VietNamNet về một cái Tết chi tiêu dè sẻn, TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện NCKH thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, muốn kích thích tiêu dùng thì làm sao người dân phải có tiền, tiền nhiều hơn mức họ định tiêu, bởi tâm lý người Việt Nam là hay tích luỹ, đề phòng kinh tế còn suy thoái kéo dài.
Có hai đồng, chỉ dám tiêu một!
- Tết Nguyên đán năm nay, người tiêu dùng đã chắt bóp chi tiêu, thể hiện rõ qua không khí mua sắm khá buồn tẻ. Điều này là do túi tiền giảm đi nên tâm lý tiêu dùng cũng... suy thoái, thưa ông?
TS. Vũ Đình Ánh. (Ảnh: H.L.Y)
- Chắc chắn, cái này không chỉ Việt Nam và thế giới. Người dân vẫn có tiền nhưng không dám tiêu vì trạng thái của năm nay khác hẳn các năm trước.
Mặc dù cho vay tiêu dùng các năm 2006-2007 tăng rất mạnh, nhưng sang đến cuối năm 2008 và Tết Nguyên đán năm nay, người dân có hai đồng chỉ dám tiêu một đồng, và một đồng đề phòng đến hết năm 2009 - một năm mà ai cũng kêu là rất khó khăn.
Còn tại sao ở Việt Nam có tâm lý tiêu Tết? Đó là truyền thống. Kiểu gì thì kiểu, sức mua chỉ giảm nếu so với Tết năm trước chứ so với bình thường sức mua vẫn tăng mạnh. Tâm lý tiểu nông vẫn ăn sâu lắm, đói quanh năm nhưng no 3 ngày Tết.
Với những người lao động bình thường, họ chỉ trông vào khoản thưởng Tết cuối năm. Tuy nhiên, năm nay không những không được thưởng mà còn mất việc, cái đó cũng làm cho sức mua giảm ở những phân đoạn thị trường hàng hoá bình dân.
- Một số nước đã phát không tiền để người dân mua sắm với kỳ vọng bán được lượng hàng hoá lớn, qua đó kích thích sản xuất. Việt Nam có thể học tập điều gì?
- Việt Nam không theo các nước được. Cách đây khoảng một tháng tôi qua Australia, đúng dịp Noel. Chính phủ nước này tuyên bố cho mỗi đứa trẻ 1.000 đôla Australia và cho mỗi người già 1.300 đôla để kích thích tiêu dùng.
Nhưng tiêu dùng của Australia giai đoạn đó không tăng chút nào, vì lý do đơn giản: họ cũng tiếc tiền. Tranh luận căng thẳng trong Quốc hội nước này, cuối cùng đi đến kết luận: lẽ ra không nên làm thế mà nên phát cho người dân một coupon (phiếu) mua hàng.
Việt Nam không làm được điều này vì nguồn lực tài chính không cho phép. Tiền mà phát cho dân là tiền tươi thóc thật, chúng ta lấy đâu ra? Hơn nữa, nếu làm không khéo người dân lại dùng tiền làm việc khác, vì rất nhiều lý do. Hơn nữa, Việt Nam cũng không có cơ chế để thực hiện.
- Nhiều ý kiến cho rằng kích cầu đầu tư và tiêu dùng nên dồn vào các DN sản xuất nông, lâm ngư nghiệp và người dân khu vực nông thôn - nơi tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn. Nhận định của ông về ý kiến này?
TIN LIÊN QUAN
- Hiện nay người sống ở nông thôn chiếm khoảng 70% dân số. Có lần có người hỏi tôi làm thế nào để nông dân không nghèo, tôi nói rằng để nông dân không nghèo chỉ còn cách không nên làm nông dân nữa.
Tại sao? Vì đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thế nào? Quỹ đất thì hạn hẹp - không thể tạo thêm việc làm thông qua đất. Đầu tư vốn, theo tôi, nếu trong trồng trọt thì năng suất đã tối đa, trừ đầu tư vào giống, phân bón, thuốc trừ sâu (giảm giá để bớt chi phí đầu vào).
Song, vấn đề của người nông dân mà tôi cảm nhận được không phải là chi phí đầu vào mà là đầu ra cho sản phẩm, bao gồm cả thị trường và giá.
Thực ra, có một khoảng cách rất lớn giữa giá mà người nông dân bán ra và giá bán mặt hàng đó trên thị trường, đến tay người tiêu dùng. Tầng lớp trung gian thu được khá nhiều, và trọng tâm là Chính phủ phải giải quyết được khâu này.
Nếu xử lý được sẽ tăng thu nhập thực cho nông dân, vốn chiếm tới 70% dân số như thế rõ ràng sẽ tạo ra một thị trường nội địa lớn. Nếu thị trường thành thị tăng 10% thì thị trường nông thôn chỉ cần tăng 5% cũng đã tạo ra quy mô thị trường khổng lồ.
Người lao động đi làm cả năm chỉ trông chờ vào thưởng Tết.
(Ảnh May 10)
Hai mặt của đồng xu
- Chính phủ vừa thông qua phương án sử dụng 17.000 tỷ đồng kích cầu đầu tư, chủ yếu bằng hình thức bù lãi suất khi DN vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh và bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, theo ông đây có phải cách kích cầu đúng chỗ?
- Tôi không biết chính xác DN có thiếu vốn thực sự hay không, bởi hiện nay, khó khăn nhất của họ là đầu ra.
Nếu Chính phủ hỗ trợ bằng cách bù lãi suất để DN giảm chi phí đầu vào sản xuất, giảm giá thành sản phẩm (tức là hỗ trợ đầu ra) thì được. Còn nếu Nhà nước hỗ trợ lãi suất chỉ để DN có thêm vốn sản xuất thì nhiều khi không trúng. Quan trọng hơn cả là cách thức triển khai hỗ trợ bù lãi suất như thế nào.
- Giữa kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng, theo ông, giải pháp nào nên được coi trọng?
- Thực ra đây là hai mặt của một đồng xu. Thứ nhất, kích thích đầu tư để duy trì sản xuất, để tăng cung của nền kinh tế thực. Nếu sản xuất sẽ giải quyết cơ bản được vấn đề thất nghiệp. Không có chính sách nào để người không có việc làm vẫn sống tốt bằng cách cho họ việc làm. Mọi chính sách an sinh xã hội cũng vô vọng nếu so với chuyện họ có việc làm.
Nhưng sản xuất ra mà không xuất khẩu được sẽ phải bán ở thị trường trong nước. Khi đó, lại phải kích cầu tiêu dùng. Bản thân người lao động của DN tiêu thụ hàng hoá và một bộ phận lớn khác là khu vực nông nghiệp - nông thôn. Như vậy, chúng ta buộc phải phát triển sức mua thì mới tiêu thụ hết hàng.
Đấy là việc tạo ra nền kinh tế cân đối được cung - cầu. Nếu cung quá lớn, nền kinh tế có sản xuất cũng không đưa vào lưu thông và tiền tệ hoá được thì vẫn tính là suy thoái kinh tế. Ngược lại, "ném" quá nhiều tiền cho tiêu dùng thì lại đẩy giá lên cao, mất ổn định vĩ mô. Chính phủ phải giải được bài toán này, tức là vừa kích cầu đầu tư, vừa kích cầu tiêu dùng.
Bây giờ, để kích thích tiêu dùng người dân phải có tiền, tiền nhiều hơn mức họ định tiêu vì tâm lý người Việt Nam là tích luỹ, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Muốn có tiền phải có việc làm. Hiện có rất nhiều người thất nghiệp mà Chính phủ cần phải lo cho họ.
Như vậy, rõ ràng kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng là hai mặt của một vấn đề, nhất là trong nền kinh tế thị trường, kích cầu đầu tư để tạo ra hàng hoá, phục vụ thị trường nội địa, đồng thời tạo ra nhiều việc làm. Giống như trước đây gọi là nền kinh tế khép kín, nhưng là cố ý khép kín, còn bây giờ không bán được hàng hoá cho ai thì phải khép kín - đó là hai tình thế khác nhau khi đối phó với khủng hoảng.
- Xin cảm ơn ông.
Đẩy mạnh chi tiêu hay thực hành tiết kiệm? Dịp Tết Nguyên đán này và cả năm 2009 nhiều khó khăn được dự báo sẽ đến với nền kinh tế nước ta. Trong bối cảnh đó, không ít ý kiến cho rằng chúng ta càng cần thực hành tiết kiệm, bởi ít thấy một đất nước nào kinh tế còn ở mức nghèo như nước ta mà nhiều người chi tiêu rất phóng túng. Thu nhập bình quân đầu người mới ở mức trên 1.000 đô la mà rượu ngoại đắt tiền uống tràn lan, những loại ô tô xa xỉ giá lên đến cả triệu đô la mà thế giới có mẫu mới nào, Việt Nam cũng gần như có đủ… Chi tiêu như vậy thì làm sao mà giàu có được? Ngược lại, cũng có không ít ý kiến nói rằng tiêu dùng chính là tạo động lực để phát triển. Người dân không đẩy mạnh chi tiêu, doanh nghiệp khó có động lực để mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ mới..thúc đẩy tiến bộ xã hội. Theo bạn, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước hiện nay, nên đẩy mạnh tiêu dùng hay thực hành tiết kiệm? Nếu đẩy mạnh tiêu dùng thì nên thực hiện thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất? Tiết kiệm trong bối cảnh hiện nay nên được hiểu và làm thế nào để ích nước, lợi dân ?...VietNamNet trân trọng đón nhận mọi ý kiến của bạn đọc tham gia diễn đàn này. |
-
Hà Yên (thực hiện)