- Hai phương án tăng giá điện đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, quyết định. Điểm mới là mức tăng giá của cả hai phương án này đều thấp hơn mức tăng mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra trước đây.
Trao đổi với báo giới về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết, trong hai phương án được đề xuất, phương án thấp tăng 8,3% và phương án cao tăng trên 9%. "Các phương án đề xuất đã được tính toán trên nhiều yếu tố của tình hình kinh tế hiện nay. Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng và theo đúng lộ trình thì quý 1/2009 sẽ tăng giá điện nhưng nếu tình hình khó khăn Thủ tướng có thể điều hành theo một giải pháp khác"-ông Khu cho biết.
- Thưa ông, phương án của Bộ Công Thương trình Chính phủ có điểm gì khác so với phương án EVN đề xuất trước đây?
- Cả hai phương án đều tuân theo tiêu chí theo lộ trình đã được phê duyệt. Tuy nhiên, EVN muốn tăng sớm hơn và mức tăng cũng cao hơn mức mà Bộ Công Thương trình. Phương án của Bộ phải căn cứ mặt bằng giá trong nước, sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp. Một điểm đáng chú ý là dầu thô đang tụt giá sẽ ảnh hưởng đến giá các năng lượng khác. Nhà máy điện chạy dầu, nếu giá dầu xuống thì cũng dễ tính toán, tất nhiên giá dầu không thể xuống mãi.
Thứ trưởng Bùi Xuân Khu. (Ảnh: VNN) |
- Tăng giá điện hiện nay là theo lộ trình, nhưng nhu cầu đang giảm, theo ông việc tăng giá có nên được tính toán lại?
-Hiện tại, ngành điện có nhiều nhà máy thủy điện giá rẻ lại đã hết khấu hao, nếu chỉ sử dụng nguyên thủy điện không thì lời rất nhiều. Nhưng các nhà máy nhiệt điện mới vào vận hành như Cà Mau lại bán điện với giá 8 cent mà thị trường mình đang bán lẻ tiêu thụ hơn 5 cent thì bị lỗ 3 cent.
Điều này bắt buộc phải lấy thủy điện bù cho nhiệt điện nhất là nhiệt điện mới. Nhưng bù cũng có mức độ, nếu bù nhiều mà ngành điện bị âm thì không khuyến khích các nhà đầu tư, về lâu dài sẽ thiếu điện triền miên. Cho nên phải tăng giá điện chứ không thể chỉ nhìn trước mắt.
- Ông có thể cho biết những tác động của việc tăng giá điện đối với đời sống và việc sản xuất kinh doanh mà Bộ Công Thương đã tính toán?
- Khi tính để tăng giá điện Bộ cũng đã cân nhắc rất kỹ. Hiện nay, giá điện trên thế giới bình quân vào khoảng 7 cent, nếu chúng ta tăng ngay lên 7 cent thì doanh nghiệp và người tiêu dùng không chịu được. Vì vậy phải nâng dần lên. Thực tế, cách đây gần 10 năm, chúng ta bán điện 5,6 cent nhưng do USD trượt giá, bây giờ giá thực tính theo USD chỉ còn 5 cent. Nếu giá điện tăng khoảng trên dưới 7% thì cũng chỉ vào 5 cent.
- Khả năng hoãn tăng giá điện trong năm 2009 trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã được tính đến, hiện nay Bộ Công Thương có quan điểm thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Năm 2009 được dự báo có rất nhiều khó khăn nên đề án tăng giá điện càng cần được tính toán thận trọng.
- Chính phủ yêu cầu Bộ xây dựng đề án, chúng tôi đã hoàn tất và đang chờ ý kiến của Thường trực Chính phủ và Thủ tướng. Theo tôi nghĩ, năm 2009 sẽ là năm rất khó khăn nên càng phải tính toán thận trọng hơn vì nếu không sẽ càng khó khăn để đạt được các mục tiêu đề ra.
Hiện đang triển khai gói kích cầu tiêu dùng, sản xuất. Nếu Chính phủ mạnh tay, nới rộng kích cầu đầu tư thì giá điện có thể tăng như lộ trình, còn nếu nguồn lực hạn chế thì có thể lui thêm một thời gian nữa. Lộ trình chúng ta dự kiến là quý 1/2009.
- Trong khi chúng ta đang kêu gọi kích thích tiêu dùng, việc tăng giá điện có thể khiến các mặt hàng khác tăng giá... Đây quả thực là mâu thuẫn đã đặt ra?
- Nếu nhìn trực diện thì có vẻ như mâu thuẫn vì đang yêu cầu kích thích tiêu dùng nghĩa là phải giảm giá nhưng bây giờ lại tăng giá. Tuy nhiên, điều đó cũng không hoàn toàn đúng vì nếu tăng giá điện 8% thì giá bán chỉ tăng rất. Giá điện cũng chỉ chiếm mấy phần trăm giá thành sản xuất mà thôi.
- Xin cảm ơn ông!
-
Phước Hà