- Bộ NN-PTNT vừa yêu cầu các DN muốn xuất khẩu thuỷ sản sang Nga phải có khả năng tự cung cấp ít nhất 1/3 khối lượng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Số nguyên liệu còn lại, cơ sở chế biến phải có hợp đồng ký với cơ sở nuôi đạt điều kiện vệ sinh.
Nga ngày càng siết chặt kiểm soát chất lượng thuỷ sản nhập khẩu (ảnh PV).
Quy định này nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng, VSATTP thủy sản xuất khẩu sang Nga, được thực hiện từ ngày 18/12.
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện đảm bảo VSATTP trong sản xuất thủy sản theo quy định của Bộ NN-PTNT, các cơ sở chế biến thủy sản thỏa mãn yêu cầu của cơ quan thẩm quyền Nga mới được xem xét đề nghị đưa vào danh sách xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Cụ thể, đối với các cơ sở chế biến thủy sản nuôi đông lạnh, phải có khả năng tự cung cấp ít nhất 1/3 khối lượng nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất thực tế. Số nguyên liệu còn lại, DN phải có hợp đồng với cơ sở nuôi đạt điều kiện, định kỳ giám sát trực tiếp tại đây.
Đối với các cơ sở khác, phải đảm bảo VSATTP trong cả chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Nếu thu mua nguyên liệu thông qua các cơ sở thu mua/sơ chế, các cơ sở này phải được công nhận đủ điều kiện.
Ngoài ra, DN cần phải có kho lạnh bảo quản phù hợp. Bộ NN-PTNT sẽ ưu tiên đưa vào danh sách các cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh có hợp đồng với nhà nhập khẩu Nga, trong đó nêu rõ tỷ lệ mạ băng sản phẩm không vượt quá 10%.
TIN LIÊN QUAN
Như vậy, hàng thủy sản Việt Nam chỉ được phép xuất sang Nga khi được sản xuất tại cơ sở chế biến thủy sản đã đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên và được Cục Kiểm dịch động, thực vật Liên bang Nga (VPSS) kiểm tra, công nhận, đưa vào danh sách.
Trên bao bì, nhãn hiệu sản phẩm phải thể hiện đầy đủ các thông tin sau: đó là sản phẩm của Việt Nam; mã số cơ sở sản xuất; mã số lô hàng; thành phần chính của sản phẩm (nêu rõ thành phần phụ gia, hóa chất tăng trọng) và khối lượng tịnh, tỷ lệ mạ băng của sản phẩm.
-
H.L.Y