– Xăng dầu, các mặt hàng liên quan như gas, nhựa, các nguyên liệu đầu vào như bột mỳ, sữa, dầu ăn… nhiều tháng nay liên tục xuống giá. Vậy mà không ít sản phẩm, dịch vụ ăn uống vẫn ở mức cao ngất.
Sự bất hợp lý của giá sữa bột trong nước, nhất là các sản phẩm nhập ngoại một phần từ tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng - Ảnh: N.N |
Tính từ tháng 8/2008 đến nay, giá xăng dầu, giá gas – các chi phí đầu vào quan trọng của sản xuất - trong nước đã liên tục giảm tới trên 40% so với mức đỉnh điểm trước đó.
Giá các nguyên liệu cơ bản cho ngành thực phẩm như dầu ăn, sữa, bột mỳ… cũng đều hạ nhiệt từ 30 – 50% so với hồi đầu và giữa năm.
Cụ thể, nguyên liệu chính để làm bánh ngọt, bánh mỳ, mỳ ăn liền là bột mỳ hiện giá đã giảm trên 30%.
Lãnh đạo Công ty Bột mỳ Bình Đông tại TP.HCM cho biết, xu hướng giảm này bắt đầu từ khoảng tháng 8, tháng 9/2008. So với mức giá xuất xưởng tại nhà máy, chưa tính thuế là 12.500 đồng/kg trước kia, hiện tại chỉ còn 7.500–8.500 đồng/kg, tùy loại bột.
Loại cám mỳ vốn dùng để chế biến thức ăn gia súc cũng giảm trung bình từ 1.800–2.000 đồng/kg. Giá cám trước dao động từ 4.500-4.800 thì nay còn 2.600–2.800 đồng/kg, tùy loại.
Thông tin từ Công ty CP Dầu thực vật Việt Nam cũng cho thấy, nguyên liệu chính để sản xuất dầu thực vật là dầu cọ nhập khẩu từ Malaysia, một tháng nay cũng đứng ở mức 700 USD/tấn, giảm đáng kể từ 1.200 USD/tấn đợt đầu năm.
Mặt hàng sữa nguyên liệu trên thế giới cũng xuống mạnh. Kể từ tháng 10/2008, khi thị trường này bắt đầu có dấu hiệu giảm giá, tính đến nay giá sữa nguyên liệu đã giảm được từ 30-50%, hiện chỉ còn trên 2.000 USD/tấn.
Giá sản phẩm, dịch vụ ăn uống vẫn cao ngất
Thực phẩm, chất đốt đã liên tục hạ, giá cơm văn phòng vẫn trên đỉnh - Ảnh: N.N |
Tuy nhiên, các siêu thị và đại lý kinh doanh hàng thực phẩm tại Hà Nội vẫn đồng loạt phản ánh, ngoại trừ nhóm hàng điện máy, điện gia dụng và mặt hàng bia đang có mức giảm từ 5–10%; gạo, thực phẩm tươi sống như rau, thịt đã về mức ngang bằng trước mưa lụt, các mặt hàng còn lại, đặc biệt là thực phẩm chế biến như mỳ ăn liền, bánh kẹo, sữa… vẫn chưa thấy hãng nào giảm, cũng như hứa hẹn giảm giá.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tại Hà Nội phần lớn vẫn giữ mức giá cao từ trước đó. Đơn cử, hàng cơm, bún, phở bình dân, giá phổ biến vẫn là 15.000 đồng; cơm trưa với giới công chức, văn phòng vẫn dao động từ 20.000–30.000 đồng/suất.
Sản phẩm nước uống đóng bình 19 lít của Lavie cũng tương tự. Ngay khi xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng từ cuối tháng 7/2008, giá bán lẻ loại bình 19 lít trên toàn quốc của hãng này cũng tăng từ 36.000 lên 40.000 đồng. Người tiêu dùng lúc đó dễ dàng chấp nhận, cho đó là do chi phí vận chuyển tăng, nhưng hiện tại khi giá xăng dầu đã giảm mạnh, mong đợi giảm giá vẫn không nhận được một tín hiệu nào từ nhà cung cấp.
Ngay cả khi giá cả đều tăng trong năm qua và hiện ở mức rất cao, một số mặt hàng, một số hãng vẫn tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng tiếp.
Từ tháng 12/2008, với lý do giá thu mua nguyên liệu cao, một số dòng sữa nước của Vinamilk lại tăng giá thêm từ 5-10%. Cũng giải thích là giá nguyên liệu như bột mỳ, kem, bơ sữa tăng giá (?), mặt hàng bánh kem, bánh gato của hãng Hải Hà – Kotobuki gần đây cũng nâng giá một loạt lên từ 10% đến trên 20% so với trước.
Bất công với người tiêu dùng
Trong lần trao đổi với VietNamNet cách đây không lâu, dù thừa nhận chi phí, giá nguyên liệu đầu vào đã hạ nhưng các nhà sản xuất vẫn chưa thể tính chuyện giảm giá cho người tiêu dùng vì lo ngại sức tiêu thụ chưa thể tăng lên ngay. Nếu giảm giá, nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm về doanh thu.
Hơn nữa, dựa trên nhận xét: “Bây giờ không còn thời lương thực giá rẻ nữa”, một đơn vị sản xuất mỳ ăn liền hàng đầu trong nước còn dự đoán, mức giảm của giá nguyên liệu là có nhưng sẽ không nhiều. Do đó, giảm giá trực tiếp cho người tiêu dùng lúc này là “chưa cần thiết”.
Bình Lavie 19 lít chưa trở về mức giá cũ vì “xăng dầu không phải nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc điều chỉnh giá của Lavie” cuối tháng 7/2008 vừa qua – GĐ Kinh doanh của Lavie cho biết - Ảnh: N.N |
Với các mặt hàng khác, lý do thường là nguyên liệu mua từ lúc giá cao còn tồn đọng; chi phí nhân công, bán hàng cao; nhiều năm nay chưa tăng giá… nên chưa thể cân đối giảm giá cho người tiêu dùng.
Dù đưa ra lý giải nào, cũng không thể phủ nhận mức giảm từ nhiều tháng nay của giá nguyên vật liệu đầu vào so với mức giá bán hiện tại đã khiến doanh thu của không ít nhà sản xuất, kinh doanh được bù đắp, nếu không nói là đã lãi lớn. Việc nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cho đến nay vẫn làm ngơ hoặc không một lời hứa hẹn sẽ giảm giá bán cho người tiêu dùng là không thỏa đáng.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, sức mua sụt giảm mạnh đang là mối lo lớn nhất của các nước trên thế giới, Chính phủ VN cũng xác định giai đoạn hiện nay, ưu tiên lớn nhất là việc kích cầu. Hàng loạt động thái hỗ trợ sản xuất, kích thích mua sắm, tiêu dùng đang được cân nhắc, chọn lựa, nhưng để mục tiêu trên thực sự hiệu quả, chính các doanh nghiệp phải là đối tượng tham gia tích cực nhất thông qua việc điều chỉnh giá bán sản phẩm, dịch vụ hợp lý và ở mức tốt nhất.
Theo các nhà phân phối lớn và giới kinh doanh nhỏ lẻ tại các chợ, khác với sự sôi động của thị trường mùa cuối năm, mua sắm, biếu xén của người dân hiện tại vẫn chưa thấy tín hiệu gì. “Người dân ngày càng ít tiền. Đại đa số chỉ chi dùng những cái thiết yếu nhất” là nhận xét chung của giới kinh doanh.
Ở một góc độ nào đó, khi giá cả vượt quá thu nhập và cố gắng của người tiêu dùng, sự thờ ơ, rời bỏ của họ chính là cách phán xử nghiêm khắc, công minh nhất đối với những nhà sản xuất, kinh doanh không biết đâu là sự tới hạn.
-
Nguyễn Nga