- Đến gần giữa tháng 12, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mới tổ chức Hôị nghị cấp bách để tìm giải pháp "kéo" khách quốc tế đến Việt Nam. Khả năng xử lý tình huống chậm, bị động của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch có thể khiến Việt Nam để tuột khỏi tay một dòng khách lớn.
Giải pháp nặng về lý thuyết
"Du lịch Việt Nam không thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi năm nay, khách quốc tế đến chỉ bằng năm ngoái. Dự kiến, mức tăng là 0% trong 6 tháng đầu năm 2009, thậm chí còn tăng trưởng âm", Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhận định.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho rằng, khách du lịch trong nước cũng ở mức thấp như hồi có dịch SARS và cúm gà...
Ông lo ngại, sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, bức tranh du lịch cả quốc tế và nội địa còn ảm đạm hơn. Nguy cơ giảm khách trong năm 2009 đã hiển hiện khi lượng khách đặt trước giảm trung bình 20% so với năm nay, số lượng tour từ châu Âu, Mỹ bị huỷ rất lớn, có thị trường lên tới 63% lượng khách đã booking (đặt chỗ).
Khách quốc tế đến Việt Nam từ nay đến cuối năm có thể còn giảm 2-3% (ảnh vietbao)
Với hệ thống khách sạn, mặc dù có nơi đã chấp nhận giảm giá đến 30% mà công suất sử dụng phòng vẫn không tăng. Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), nhận xét, khách sạn càng cao sao thì công suất sử dụng phòng càng thấp.
Điều ngạc nhiên là, như hề chưa biết đến sự ế ẩm của phòng ốc, một số khách sạn vẫn "hét" giá cao hơn 15-20% cho mùa du lịch 2009. Chính vì vậy, chỉ những khách chưa đến Việt Nam lần nào mới chấp nhận giá tour cao, giá phòng tăng, còn khách đã từng đến thì hầu như không quay lại và lựa chọn nước lân cận.
Thậm chí, không chỉ nước ngoài từ chối đến Việt Nam mà ngay cả khách trong nước cũng xuất "ngoại", sang láng giềng để tổ chức hội thảo, thay vì làm trong nước tốn kém hơn.
Rõ ràng, thống kê từ các DN lữ hành quốc tế cho thấy, lượng khách đến Việt Nam bắt đầu giảm mạnh từ đầu mùa thấp điểm (khoảng tháng 4) và trượt dài sang các tháng cao điểm (tháng 9-10) và đến nay không có dấu hiệu hồi phục, vậy mà, với tư cách là cơ quan chủ quản Nhà nước về du lịch - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hầu như không có động thái gì để tháo gỡ.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP.HCM, nói rằng, trong khi các cơ quan chức năng và DN lữ hành TP.HCM ngồi lại cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn từ ngày 13/11 thì gần một tháng sau, tức đến ngày 10/12, Bộ mới tổ chức hội nghị tương tự. Và ông cũng cảm thấy vui mừng vì cuối cùng nó cũng đã diễn ra.
"Điều thấy rõ ở đây là khả năng xử lý tình huống chậm, cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng (Tổng cục Du lịch) cũng xử lý tình huống quá chậm", ông Khánh thẳng thắn.
Ngay cả ở hội nghị này, ông Khánh nhận xét, các giải pháp đưa ra vẫn là mang tính lý thuyết. Nhiều giải pháp nghe nhiều, rất hay nhưng đã nói từ lâu. Trong "thời buổi" khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cần có giải pháp mới.
Ông Khánh ví dụ, Nhật Bản, một trong những thị trường lớn nhất của Việt Nam, 2 năm nay hầu như bị bỏ rơi, không ngó ngàng gì tới hoặc có quảng bá nhưng không mới, rất thưa thớt. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng Văn phòng đại diện Vietnam Airlines tại Nhật, điều đó khiến du khách xứ sở hoa anh đào vẫn biết về Việt Nam rất ít và thậm chí, họ còn hiểu rằng Việt Nam như là "một Thái Lan thu nhỏ".
Đừng để cơ hội vụt trôi
Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tổng cộng, 11 tháng năm 2008, Việt Nam đón hơn 3,87 triệu lượt khách quốc tế. Các thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam sụt giảm mạnh: Nhật Bản giảm 5,9%, Hàn Quốc giảm 3,5%, Đài Loan giảm 3,1%... Cùng với Hoa Kỳ, riêng 4 thị trường này đã chiếm tới 40% tổng lượng khách đến Việt Nam. Tuy khách du lịch từ thị trường ASEAN có tăng, cùng với sự khởi sắc của dòng khách đến từ Nga, Australia, Trung Quốc... nhưng cũng không đủ để bù lại sự sụt giảm chung.
Ông Phạm Ngọc Minh cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng, chính trị bất ổn khiến Thái Lan có thể mất tới 6-7 tháng để khôi phục và do vụ khủng bố vừa qua ở Mumbai (Ấn Độ), tâm lý khách du lịch sẽ chọn điểm đến an toàn, giá hấp dẫn. Việt Nam cần có ngay một chương trình hành động, tranh thủ cơ hội này để thu hút khách nếu không muốn tuột mất.
"Hàng không cần bắt tay với khách sạn, DN lữ hành kéo khách quốc tế vào Việt Nam thông qua việc xây dựng các gói sản phẩm hấp dẫn, có giá cạnh tranh; kể cả khi các bên đều phải xác định giảm lợi nhuận vì mục đích chung", ông Minh kiến nghị.
Ông Lã Quốc Khánh nói thêm, Trung Quốc đã nhanh tay đưa ra các gói sản phẩm du lịch rất tốt, như đi Thượng Hải có shopping thì giảm giá 80 USD/người, không shopping giá giữ nguyên. Khách đến Phuket (Thái Lan), nếu mua sắm được giảm 39 USD/người. Qua đó thấy rằng, Việt Nam không cần giảm giá tất cả các tour mà giảm có chọn lọc, tùy thị trường. Theo ông Khánh, trước mắt, nên làm thí điểm ở 4-5 thị trường.
Đồng thời, lên ngay chương trình hành động cho quảng bá, xúc tiến 6 tháng đầu năm 2009, đến tháng 1 phải xong vì rất gấp gáp. Thay vì mất cả triệu đôla để quảng cáo trên tivi, khách quốc tế sau khi rời Việt Nam sẽ có những quảng cáo hữu hiệu nhất.
Bà Đỗ Thị Hồng Xoan đề xuất, ngoài việc giảm giá, các khách sạn cũng cần đẩy mạnh chiến dịch khuyến mãi, nâng cao chất lượng phục vụ. Hiệp hội khách sạn phải được thành lập ngay để các thành viên cùng cam kết có mức giá hợp lý, tránh cạnh tranh không lành mạnh vì chỉ một khách sạn giảm giá sẽ không có tác dụng.
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch và Vietnam Airlines cũng kiến nghị Chính phủ chi 20-30 triệu USD trong gói 1 tỷ USD kích cầu tăng trưởng kinh tế để dành cho du lịch. Song song đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế, giá cước viễn thông, điện, thuê mặt bằng... cho các DN dịch vụ; cùng với đó là nới lỏng chính sách visa.
Về thị trường, ông Vũ Thế Bình (Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch) góp ý, khi dòng khách Đông Bắc Á sụt giảm, các DN nên hướng tới khách trong ASEAN bởi lâu nay, Việt Nam mải lo hút khách thị trường xa như Mỹ, châu Âu... mà bất kỳ một biến động nào như dịch bệnh, thiên tai cũng làm cho dòng khách này ảnh hưởng tiêu cực.
Thay vào đó, nâng lượng khách trong khu vực ASEAN từ 17% hiện nay lên 30-40%. Ngoài ra, duy trì giữ vững thị trường truyền thống mà các DN đã mất 20-30 năm gây dựng và phát hiện thị trường mới, lấy ngắn nuôi dài.
Hiệp hội Du lịch thế giới nhận định, du lịch là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng. Chính vì vậy, Việt Nam cần đón đầu bằng các sản phẩm mới, độc đáo. "Đây chính là vũ khí để các DN lữ hành đánh trận", ông Bình ví von.
-
Hà Yên