- Nhiều mẫu sản phẩm, bộ sưu tập mới, các chương trình khuyến mãi, giảm giá được các hãng thời trang cao cấp cùng lúc đưa ra. Một số nhãn hiệu đã bắt đầu có sự gia tăng về doanh số, song không ít tên tuổi vẫn nhận xét, thị trường chưa có những chuyển biến đáng kể.
Lượng khách tham quan, mua sắm tăng, nhất là những ngày cuối tuần hiện đã làm ấm dần lên không khí tại các trung tâm thời trang hàng hiệu tại Hà Nội như Parkson, Vincom, Tràng Tiền Plaza và nhiều điểm trên phố Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng… Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mặt hàng nào, thương hiệu nào cũng đắt hàng.
Cửa hàng Giovani – thương hiệu thời trang nam của Ý tại Vincom hiện đã thấy bày bán nhiều loại áo len, áo khoác, các bộ verton dành cho nam giới, bên cạnh các sản phẩm thế mạnh là áo sơ mi.
Với mức giá từ 1,8 – 4 triệu đồng một chiếc áo khoác, 2 triệu đồng/áo len, và 8 triệu đồng/bộ verton, chị Nguyễn Thị Thu Hương – quản lý tại đây cho hay vẫn chưa thấy doanh thu tăng lên.
Sức mua nhiều hàng hiệu chưa thấy có sự tăng trưởng dù đã vào mùa mua sắm lớn trong năm - Ảnh: N.N |
Nếu như cùng kỳ mọi năm, có những khách hàng vào mua và thanh toán một lúc 20, 30 triệu đồng, thậm chí 60 triệu đồng thì từ đợt sức mua chững lại hồi giữa năm đến nay, hiện rất khó dự đoán được tình hình đến Tết sẽ như thế nào.
Năm nay, lần đầu tiên hãng thời trang thể thao Adidas cũng đưa ra thị trường loại áo len cổ tròn mặc nhẹ nhàng cho nam với giá trên 900.000 đồng/chiếc. Nhưng theo các nhân viên bán hàng, hiện hãng cũng mới chỉ đưa ra được một mẫu, một màu duy nhất bởi đang trong giai đoạn thăm do phản ứng của thị trường.
Các loại áo nỉ, bộ quần áo gió mỏng (giá khoảng 1,5 triệu đồng/bộ) cũng như giầy thể thao, doanh số bán ra “đều đều” như các tháng trước.
Là hàng có thương hiệu, giá cả phải chăng (giá áo khoác nam trung bình 400.000 – 600.000 đồng/chiếc) nhưng shop John Henry tại Vincom hiện cũng khá vắng khách, hàng mới về chưa nhiều.
Chị Trần Thị Khánh Ly, phụ trách bán hàng ở đây lý giải sự không tăng trưởng về doanh số trong mùa mua sắm cuối năm là do những nguyên nhân khách quan như người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và sự xuất hiện nhiều trung tâm thương mại, điểm bán, cửa hàng khiến lượng khách bị san sẻ.
Sức bật của thị trường vẫn rất lớn
Tuy nhiên thị trường thời trang hàng hiệu từ loại có mức giá tầm trung đến cao cấp không hoàn toàn mang gam màu trầm.
Thị trường bán lẻ VN sẽ mau chóng đi lên đúng với vị thế là thị trường triển vọng nhất trong khu vực - Ảnh. N.N |
Bà Phạm Tú Cầu – Giám đốc Công ty Thanh Bắc Thời trang – nhà phân phối độc quyền nhiều thương hiệu, trong đó có quần áo Levi’s cho biết, là hàng có tên tuổi nhưng do giá cả hợp lý (một chiếc quần bò trung bình trên 1 triệu đồng), hiện tại lượng người mua hàng Levi’s không giảm mà còn tăng lên.
Theo bà Cầu, có thể hình dung thay vì 5 khách hàng, mỗi người thanh toán số tiền 10 triệu đồng như trước kia thì nay con số này là 10 người. Mỗi người trung bình chi 5 triệu đồng thì tổng cộng doanh thu vẫn không hề giảm sút.
Căn cứ vào thực tế doanh số bán ra mặt hàng giày nam, nữ, mỗi tháng gần đây tăng đều đặn từ 20 – 30%, anh Chu Duy Hưng, một quản lý bán hàng nhãn hiệu giày Bata của Tiệp nhìn nhận, hàng chất lượng, hợp thời trang với giá cả vừa phải sẽ không mấy sụt giảm sức mua đợt này.
Bên cạnh đó giới kinh doanh cũng cho rằng, đối với các nhãn hàng thời trang thực sự đẳng cấp mà khách hàng vốn chủ yếu là những người giàu có, thị hiếu, gu thời trang cao hơn hẳn và trung thành thì hiện tại cũng không lo giảm doanh thu.
Khách hàng thường không quan tâm nhiều đến giá cả với những loại hàng hóa cao cấp - Ảnh: N.N |
Điển hình là cửa hàng Braun Buffel – thương hiệu cặp, túi, giày da của Đức tại Vincom. Từ mức trung bình 500 triệu đồng/tháng trước đây, hiện doanh thu của cửa hàng đã tăng gấp đôi, lên trên 900 triệu đồng/tháng.
Túi xách nam, nữ của thương hiệu này giá nhiều loại từ 7, 8 đến 10, 12 triệu đồng/chiếc; giày nữ trung bình 1,5 – 2 triệu đồng/đôi; giày nam những đôi chất liệu da voi, da dê khoảng 10 triệu đổ lại, da cá đuối 12 triệu, da cá sấu, làm thủ công hoàn toàn thì trên 20 triệu đồng, còn lại phổ biến là các chất liệu như da bụng đà điểu, da bò.
Giá cả là vậy nhưng khách đến mua phần lớn vẫn là người Việt. Chị Nguyễn Thị Huê, phụ trách bán hàng nhận xét: “Họ là những người đã quen dùng hàng của hãng, ưng mắt là mua chứ không quan tâm mấy đến giá cả. Nếu họ tỏ ra phân vân, mình tư vấn một chút là họ lấy luôn”.
Ông Donaid Nay, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Mỹ tại một buổi ra mắt cửa hàng Shoebox New York - thương hiệu cửa hàng bán lẻ giầy, túi xách hàng hiệu cho phái nữ lớn của Mỹ, lần đầu tiên có mặt tại VN mới đây nhận định, thời gian tới có thể có sự giảm sút đôi chút về sức mua nhưng VN sẽ mau chóng đi lên, lấy lại phong độ là một thị trường bán lẻ lớn và nhiều triển vọng nhất trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á.
“Nhượng quyền thương mại đang được các nhà đầu tư Mỹ đánh giá là mô hình hiệu quả nhất để “xuất khẩu” nhiều hơn các thương hiệu, sản phẩm từ Mỹ tới thị trường VN” – ông Donaid Nay nói.
-
Nguyễn NgaBài 2: Người tiêu dùng vẫn ưu tiên hàng nội địa