- Trần lãi suất cho vay VND đã về mức 16,5%, lãi suất cho vay thấp nhất của ngân hàng thương mại (NHTM) hiện là 12%/năm… nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa muốn vay vốn. Nếu không có các giải pháp hỗ trợ thị trường thì hàng hóa vẫn tồn đọng, sản xuất đình đốn, vốn không sinh lời và nền kinh tế dễ rơi vào suy thoái. Điều các DN mong muốn nhất là có giải pháp kích thích thị trường.
Kích thích tiêu dùng
Ông Ayumi Konnishi, Trưởng đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nói: “Do lạm phát giảm xuống nhanh chóng, Chính phủ Việt Nam nên bắt đầu nhìn vào vấn đề tăng trưởng, cũng như sự suy giảm kinh tế toàn cầu”. Kích thích tiêu dùng, hỗ trợ thị trường nội địa bằng các giải pháp tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh đầu tư công, giải ngân vốn cho các công trình trọng điểm… là những biện pháp mà nhiều DN và ngân hàng đề nghị.
Hiệp hội Công thương TP Hà Nội thì cho rằng khó khăn DN đang gặp phải không hoàn toàn do thiếu vốn và lãi suất cao nhưng việc tín dụng hạn chế (do phải thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát) ở cả hai đầu (sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng) của ngân hàng trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9/2008 càng làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng hóa làm ra không tiêu thụ được. Tình trạng này đáng lẽ ra phải tháo gỡ từ tháng 8/2008 khi giá cả hàng hóa đang giảm dần.
Tăng tín dụng nên đi kèm các giải pháp hỗ trợ thị trường để kích cầu nền kinh tế. |
Nếu không có các giải pháp kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng mà chỉ chú trọng vào tăng vốn cho vay DN cũng chưa giải quyết được gốc của vấn đề. Vì hàng hóa tồn đọng, khó tiêu thụ thì DN cũng không có nhu cầu vay vốn.
Để kích cầu trong nước, ngoài việc kích thích tiêu dùng của các hộ gia đình bằng việc ngân hàng “mở cửa” với vay tiêu dùng thì Chính phủ nên xem xét đến việc thúc đẩy đầu tư trong nước, nhất là các dự án có hiệu quả. Bên cạnh đó, một số NHTM đề nghị Nhà nước đẩy mạnh việc giải ngân vốn ngân sách cho các công trình trọng điểm nhằm kích cầu nền kinh tế.
Hiện nay việc cung ứng vốn để thi công, xây lắp nhiều dự án đang gặp khó khăn, một số dự án đang thực hiện nhưng không được giải ngân dẫn đến khó khăn cho các nhà thầu trong việc đảm bảo tiến độ thi công cũng như thu hồi vốn đầu tư và khó có khả năng trả nợ ngân hàng. Các ngân hàng phải gia hạn nợ cho nhiều khách hàng. Nhiều khách hàng là nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực XDCB đã có đánh giá nghiệm thu thanh toán, xong chủ đầu tư chưa thanh toán, dẫn đến các nhà thầu bị ảnh hưởng trong việc thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng.
Trong khi đó các khách hàng này thường được duyệt hạn mức cho vay, vì vậy các khoản vay mới có thể không được giải ngân do đã sử dụng hết hạn mức vay.
Giám đốc một chi nhánh Ngân hàng No&PTNT tại Hà Nội cho biết nhiều gói thầu của bên B (trong các dự án thuộc ngân sách Nhà nước) chưa được thanh toán vì cơ quan quản lý chưa thống nhất được đơn giá (do giá cả thay đổi nhiều trong năm).
Cùng chia sẻ
Ông Vũ Duy Thái Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội cho rằng: “Mối quan hệ giữa ngân hàng và DN tuy đã được gần gũi, cảm thông nhưng vẫn nhiều điều cần trao đổi. Việc cần làm bây giờ là các bên tham gia quan hệ tín dụng ngồi lại cùng nhau chia sẻ trên tinh thần xây dựng".
Giải thích cho việc đặt quan hệ với một NHTM cổ phần, ông Nguyễn Trọng Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Nam Phát nói: “Lý do thứ nhất là vì chúng tôi nhận được tư vấn sát với tình hình kinh doanh của DN từ phía ngân hàng, thứ hai là thái độ phục vụ của nhân viên ngân hàng chiếm được cảm tình của khách hàng và thứ ba là tính minh bạch, thủ tục chặt chẽ, giúp hạn chế tối đa được rủi ro cho khách hàng. Hiện nay DN muốn có sự hỗ trợ của ngân hàng khi DN cần thông tin hay thiện chí của ngân hàng để cùng tháo gỡ những vướng mắc khó khăn”.
Hợp tác, chia sẻ giữa ngân hàng và DN sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. DN có những hỗ trợ hữu ích từ phía ngân hàng như chính sách linh hoạt về lãi suất, ưu tiên mua - bán ngoại tệ, áp dụng mức phí thanh toán thấp… Ngược lại ngân hàng cũng có lợi ích từ việc khách hàng gửi tiền, sử dụng nhiều dịch vụ tín dụng và phí tín dụng khác.
Cố gắng giảm tiếp lãi suất
Theo Hiệp hội Công thương TP Hà Nội thì lãi suất cho vay VND đến nay tuy xuống mức từ 14%-16,5%/năm, nhưng vẫn cao hơn lợi nhuận của nhiều ngành SX, nên chỉ những DN có dự án mà khả năng sinh lời tối thiểu từ 15% trở lên hoặc đang thực hiện dở dang mới dám vay.
Để khuyến khích DN vay vốn thì LS cần phải tiếp tục hạ về xuống 10%-12% là phù hợp. Một trong những biện pháp mà Hiệp hội Công thương TP Hà Nội đề nghị là bản thân NHTM nên rà soát, sắp xếp lại bộ máy để giảm chi phí quản lý tới mức thấp nhất, kể cả việc giảm khấu hao tài sản cố định; phát triển các dịch vụ gia tăng để bù đắp cho hoạt động tín tín dụng…
Sau gần một năm khó khăn, đình đốn sản xuất, điều mà nhiều DN cần bây giờ là để khôi phục sản xuất kinh doanh chứ chưa thể có lợi nhuận cao. Vì vậy, chỉ có các nguồn vốn lãi suất hợp lý mới khuyến khích được DN vay vốn.
-
Trịnh Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc: