221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1129813
Máy ít, dịch vụ kém thu phí ATM có thuyết phục?
1
Article
null
Máy ít, dịch vụ kém thu phí ATM có thuyết phục?
,

 - Hiệp hội Thẻ tiếp tục đề nghị thu phí giao dịch ATM với mức thu dự kiến 1.000 đồng/giao dịch. Đây không phải là vấn đề mới mà chỉ là nhắc lại kế hoạch cũ mà Hiệp hội này đã từng đề xuất hồi tháng 7/2008 nhưng đã bị hoãn sau khi có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Lần này, nội dung đề xuất không có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, việc nhắc lại một kế hoạch cũ cho thấy các ngân hàng chắc chắn sẽ theo đuổi mục tiêu thu phí sau một thời gian cung cấp gần như miễn phí dịch vụ thẻ này.

Thông tin từ Hiệp hội Thẻ cho biết, các thành viên đã cùng ký vào một bản đề xuất gửi lên Ngân hàng Nhà nước và thời gian dự kiến áp dụng là từ 1/1/2009.

Hiện các ngân hàng chỉ còn chờ sự chấp thuận của NHNN để áp dụng.

Tuy nhiên, điểm chung nhất là khách hàng sẽ phải trả tiền cho mỗi lần giao dịch tài chính trên ATM, cho dù giá trị giao dịch lớn hay nhỏ. Ngoài ra sẽ còn nhiều khoản phí khác tùy theo chính sách khách hàng và dịch vụ mà loại thẻ khách hàng sử dụng.

Như thế, mức phí 1.000 đồng có thể hiểu là mức thấp nhất mà các chủ thẻ phải mất và rất có thể còn nhiều khoản nữa để chiếc thẻ đang sở hữu phát huy được các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.

Vẫn chưa thống nhất

Cũng như lần trước, ý định thu phí ATM của các ngân hàng được giải thích rằng họ đã phải đầu tư rất lớn cho công nghệ thẻ. Riêng một máy ATM đã có giá trung bình 30.000 USD. Vì thế, dịch vụ thẻ sẽ không thể mãi là dịch vụ miễn phí. Tiền thu được sẽ dùng để bù đắp chi phí cho ngân hàng và hơn nữa, nó sẽ giúp người dân ý thức được giá trị dịch vụ.

Hiện nay, trên thế giới, nhiều nước cũng thực hiện thu phí duy trì giao dịch thẻ. Nước có thu nhập cao thì mức phí này có thể lên tới 20 euro/tháng/thẻ, thấp nhất là khoảng 5 euro. 

Phí ATM, khách hàng và ngân hàng chưa thể thống nhất. Ảnh: Phuyen)

 Đại diện Vietcombank khi trả lời báo chí về vấn đề này cho biết, nếu không thu phí các ngân hàng sẽ không thể đáp ứng dịch vụ này nữa. Ví dụ, đến thời điểm này Vietcombank đã phát hành 3 triệu thẻ với 1.100 máy ATM, với chi phí vốn cho mỗi máy vào khoảng 600 triệu đồng...

Ngoài ra còn có chi phí vận hành như thuê địa điểm, quản lý, đầu tư công nghệ, đường truyền...

Tuy nhiên, về phía khách hàng vẫn có những lý do để cảm thấy chưa hợp lý khi thu phí. Trước hết, các ngân hàng hiện đang được hưởng lợi khá lớn từ số tiền dư trong các tài khoản của chủ thẻ ATM. Mức lãi suất trả cho số tiền này là rất thấp chỉ khoảng 0,2%/tháng so với mức lãi suất cho vay cao như hiện nay thì rõ ràng, ngân hàng đã có một nguồn lợi lớn từ số vốn giá rẻ này.

Bên cạnh đó, chủ thẻ hiện khá bức xúc về chất lượng của dịch vụ thẻ, trước hết là sự bất tiện do còn quá ít máy ATM, sự kết nối dù đã được thực hiện giữa các ngân hàng nhưng mới chỉ dừng lại ở mức rút tiền.

Các dịch vụ về thanh toán khác còn rất hạn chế. Đặc biệt, việc thanh toán thẻ trong mua bán hàng hóa hàng ngày tại các điểm cửa hàng, siêu thị - một chức năng cơ bản của ATM - còn hết sức hạn chế và gần như đang ở giai đoạn áp dụng thử trong nhiều năm qua.

Đặc biệt, những trục trặc về máy ATM, nhất là sau khi có quyết định trả lương qua tài khoản, lượng người sử dụng nhiều hơn thì các trục trặc cũng tăng lên và hệ thống ATM của các ngân hàng gần như chưa thể đáp ứng tốt chức năng tối thiểu là rút tiền của khách hàng.

Thu phí chất lượng dịch vụ có tăng lên?

Thực tế, trên thế giới việc thu phí dịch vụ thẻ thanh toán đã trở thành một thông lệ. Trong đó, phí đối với các loại thẻ cao cấp, có khả năng thanh toán toàn cầu như Visa, Master Card... là khá lớn và có nhiều loại phí như: phí phát hành, phí duy trì thẻ, phí yêu cầu tra soát khiếu nại, phí giao dịch trên ATM... nhưng đều được khách hàng chấp nhận và ngày càng được ưa chuộng.

Ở trong nước, rất nhiều ngân hàng đã áp dụng nhiều loại phí chi dịch vụ thẻ của mình như Ngân hàng TMCP Đông Á (EAB) sẽ thu thêm phí rút tiền mặt 2.000 đồng/lần rút nếu rút tiền tại ATM của hệ thống VNBC (ngoài ATM Đông Á), phí in 10 giao dịch gần nhất trên ATM là 1.000 đồng/lần, phí cấp lại thẻ 50.000 đồng/thẻ, phí thường niên 50.000 đồng/năm. 

Thẻ Success của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có phí phát hành thường 50.000 đồng/thẻ và phát hành nhanh 100.000 đồng/thẻ. Dịch vụ vấn tin, hoặc in sao kê, chuyển khoản có phí 1.650 đồng/giao dịch. Rút tiền có phí 3.300 đồng/giao dịch.

Mới đây, các ngân hàng trong Liên minh thẻ BankNet VN cũng đã bắt đầu áp dụng phí giao dịch của chủ thẻ E-Partner tại hệ thống ngân hàng khác thuộc Banknet VN đối với giao dịch tại ATM là 3.300 đồng/lần giao dịch rút tiền. Thậm chí, ngay cả giao dịch vấn tin, in sao kê, chuyển khoản nội bộ cũng bị tính phí tới 1.650 đồng/lần thực hiện.

Thiếu máy, dịch vụ kém, nhiều trục trặc... ngân hàng thu phí liệu đã thuyết phục? (Ảnh: VNN)

 Trong khi đó, ngân hàng từ góc độ thị trường chỉ là nhà cung cấp dịch vụ và họ phải có lợi nhuận từ việc cung cấp dịch vụ đó. Hiện nay, dịch vụ phát hành thẻ là một trong các dịch vụ phải đầu tư nhiều nhất của các ngân hàng. Không mất phí người dân sẽ không có dịch vụ tốt vì ngân hàng sẽ không đầu tư nhiều cho lĩnh vực không lợi nhuận.

Như vậy, việc các ngân hàng Việt Nam đang quyết tâm thu được nhiều tiền hơn từ dịch vụ thẻ sau thời gian dài đầu tư là yếu tố cần được nhìn nhận một cách thoả đáng. Vấn đề còn lại là việc thu phí thẻ nếu được NHNN chấp nhận liệu có đúng là động lực để nâng chất lượng một cách  tương xứng hay không?. Đây sẽ là câu hỏi mà chính các ngân hàng tham vọng nhất về phát triển dịch vụ thẻ khó có thể khẳng định là sớm đạt được.

Sự bùng nổ về số lượng thẻ sau quyết định mang tính chất hành chính về trả lương qua tài khoản đã mang về cho các ngân hàng một lượng khách hàng lớn. Tuy nhiên, sự tăng lên về khách hàng đã cho thấy rõ hơn nhiều yếu kém và quá tải của một hệ thống dịch vụ thẻ còn chưa được đầu tư đủ. Như vậy, với góc độ người bán hàng thì các ngân hàng nghĩ gì khi đòi hỏi khách hàng phải có tiền mới có dịch vụ tốt thay vì quy luật chung là phải có hàng tốt để hấp dẫn khách hàng bỏ tiền.

Tuy nhiên, trước khi tính đến chuyện thu tiền thì đã đến lúc các ngân hàng phải nghiêm túc hơn trong việc chuyên nghiệp hóa dịch vụ thẻ của mình dù việc thu phí với các giao dịch ATM có được làm ngay hay không. Điều quan trọng là Việt Nam cần một thị trường thẻ phát triển đúng nghĩa, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử và góp phần đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch tài chính cá nhân. Đây là lợi ích chung và ngân hàng có những lợi ích dài hạn trong đó.

  • Phước Hà

    Ý kiến của bạn:

     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,