Giá USD tiếp tục giảm so với một số ngoại tệ khác như euro, yên Nhật... Nếu cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G20 không đưa ra được hành động mạng tính đột phá thì đồng tiền này sẽ tiếp tục chịu thêm nhiều sức ép.
Phiên giao dịch chiều 14/11, USD giảm giá so với một số ngoại tệ khác. Ảnh: VNN.
Trong phiên giao dịch chiều 14/11 trên thị trường Tôkyô, đồng USD giảm giá so với đồng yên, khi các nhà giao dịch tỏ ra băn khoăn về tình hình kinh tế Mỹ.
Hầu hết các nhà giao dịch đều cho rằng đồng USD sẽ tiếp tục phải chịu sức ép trong tuần tới, trừ khi phiên họp thượng đỉnh của nhóm G20 (dự kiến diễn ra tại Oasinhtơn trong ngày 15 và 16/11) đưa ra được hành động mang tính đột phá để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong phiên 14/11, đồng USD giảm từ mức 97,67 yên/USD trong phiên 13/11 ở Niu Yoóc xuống 97,12 yên/USD. Đồng euro cũng giảm từ mức 1,2779 USD/euro xuống 1,2736 USD/euro.
Các nhà giao dịch cho rằng đồng USD sẽ tăng giá nếu các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm ra một kế hoạch phối hợp nhằm khuyến khích thị trường tài chính toàn cầu. Nhưng hiện nay, một loạt các thông tin bi quan và các số liệu kinh tế u ám đang phủ bóng đen lên đồng tiền xanh.
Trong tháng 10/08, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên 6,5% -mức cao nhất kể từ năm 1994. Trong tuần qua, nước Mỹ có thêm 516.000 người bị mất việc làm, cao hơn con số dự báo, và cũng là mức tồi tệ nhất kể từ cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/01.
Trong khi đó, cả kim ngạch xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Mỹ đều giảm mạnh trong tháng 9/08. Hiện tượng này cho thấy kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây đã điều chỉnh hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế đã phát triển.
Daisuke Uno, chiến lược gia hàng đầu tại Sumitomo Mitsui Bankingn Corp. dự báo tình trạng hỗn độn trên thị trường sẽ trầm trọng hơn, nếu phiên họp của nhóm G20 không đem lại nhiều kết quả.
Trong phiên 14/11, đồng USD biến động không đồng nhất so với các tiền tệ của châu Á. Đồng USD giảm giá so với đồng đô la Đài Loan, đồng peso của Philíppin, đồng rupiah (Inđônêxia), đồng won (Hàn Quốc) và đồng baht (Thái Lan), nhưng lại tăng giá so với đồng đô la Xingapo.
(Theo TTXVN)