221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1126653
Tỷ giá USD/VND: sẽ không biến động mạnh
1
Article
null
Tỷ giá USD/VND: sẽ không biến động mạnh
,

 - Từ ngày 7/11 biên độ ấn định tỷ giá mua, bán USD được nâng lên +/-3%, tỷ giá của thị trường (cả chính thức và tự do) tuy có tăng, nhưng không xảy ra “cơn sốt”, hoạt động mua-bán ngoại tệ của NHTM diễn ra bình thường. Tuy nhiên tâm lý kỳ vọng USD tăng giá vẫn rất lớn.

Áp lực lên tỷ giá chính thức

Lạm phát 10 tháng đầu năm ở mức cao nhất 10 năm trở lại đây (21,64% so cuối năm 2007); nhập siêu 10 tháng đầu năm ở mức 16,3 tỷ USD, tỷ trọng nhập siêu/xuất khẩu rất cao. Kim ngạch xuất khẩu từ mấy tháng nay đã có xu hướng giảm (tháng 7: 6,547 tỷ USD, tháng 8: 6,018 tỷ USD, tháng 9 xuống còn 5,27 tỷ USD, tháng 10 ước còn 5,1 tỷ USD). 

Do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đứng trước thách thức cả về lượng, về giá, về thị trường xuất khẩu. Trong khi nhập khẩu có thể tăng trở lại do thông lệ vào cuối năm và do giá thế giới giảm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: gạo, cá basa, tôm đông, cao su, đồ gỗ...đều gặp khó khăn rất lớn.

Chính sách tỷ giá là một trong những giải pháp để điều chỉnh cán cân thương mại. (Nguồn ảnh: TBKTSG)


Theo lý thuyết kinh tế, khi cán cân thương mại thiếu hụt (nhập lớn hơn xuất) tiền quốc gia có khuynh hướng xuống. Với một nền kinh tế mà 63% tăng trưởng GDP phụ thuộc vào xuất khẩu thì đây là một vấn đề cần phải giải quyết, mà một trong những giải pháp đó là chính sách tỷ giá.

Từ 10/3/2008 đến nay, tỷ giá do NHNN công bố chỉ nằm trong mức từ 16.025 đồng đến 16.515 đồng/USD. Với biên độ ấn định tỷ giá mua-bán USD của các TCTD tuy đã được mở rộng từ +/-1% lên +/-2% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, nhưng cũng chỉ trên 16.000 đồng đến trên 16.800 đồng/USD. Tỷ giá này theo nhiều ý kiến là còn thấp xa so với tỷ giá thực và đã gây khó khăn cho xuất khẩu và tạo điều kiện (chưa cần thiết) cho nhập khẩu.

Bên cạnh đó, giá USD gần đây lại tăng giá so với đa số các ngoại tệ mạnh khác trên thị trường tài chính thế giới. Tình trạng dư cung ngoại tệ của các NHTM trong các tháng quý III đã có dấu hiệu thay đổi qua tình hình những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, các NH luôn sử dụng gần hết mức chênh lệch tăng +2% so với tỷ giá liên NH khi  bán ngoại tệ cho khách hàng. Tình hình đã thúc đẩy NHNN đi đến quyết định tiếp tục mở rộng biên độ ấn định tỷ giá mua-bán cho các NHTM lên +/-3% vào ngày 7/11 vừa qua.

Thị trường tự do tăng giá do tâm lý?

Không phải đến ngày NHNN công bố nâng biên độ lên 3%, mà ngay từ ngày 23/10/2008, trong khi tỷ giá  của NHTM ở mức 16.820 đồng/USD thì giá USD trên thị trường tự do đã lên mức 17.000 đồng. Đến ngày 7/11, tỷ giá do VCB công bố ở mức 16.841 đồng, thị trường tự do có thời điểm lên đến 17.300 đồng/USD. Trong những ngày tới, nhiều khả năng tỷ giá thị trường tự do sẽ vẫn cao hơn giá do NHTM công bố. Tuy nhiên theo nhận định chung thì đây chỉ là vấn đề tâm lý kỳ vọng.

Nhà đầu tư (NĐT) nội  lo lắng các NĐT nước ngoài bán chứng khoán, gom ngoại tệ để mang về nước.  Việc NHNN nới rộng biên độ tỷ giá, cộng với việc các NHTM tăng kịch trần giá bán USD khiến cho các doanh nghiệp (DN) và người dân có tâm lý  USD đang trong quá trình tăng giá.

Có khả năng các DN hành động theo hướng người xuất khẩu thì giữ USD, người nhập khẩu thì tranh thủ mua. Cả hai bên đều nhằm mục đích tránh rủi ro tỷ giá, nhất là trong thời điểm cuối năm khi nhu cầu vốn tăng mạnh. Còn người dân thì trong bối cảnh lãi suất (LS)  VND đang giảm mạnh, LS USD lại có xu hướng tăng nhẹ, tỷ giả tăng thì lại tính toán chuyển VND sang USD để bảo toàn vốn và hưởng LS hợp lý.  

Tuy nhiên, việc tỷ giá trên thị trường tự do vừa qua tăng không gây tác động mạnh lắm. Vì  theo nhận định của nhiều người thì thị trường chính thức sẽ tác động đến thị trường  tự do,  chứ áp lực về tỷ giá của thị trường  tự do lên thị trường ngoại hối chính thức là gần như không đáng kể. 

Tỷ giá sẽ không biến động mạnh?

Theo ông Lê Đức Thúy - nguyên Thống đốc NHNN thì cần  lấy tỉ giá thực (REER - real  effective exchange rate) làm căn cứ chính để xác định và điều hành tỉ giá đối đoái, chứ không giản đơn chạy theo cung cầu ngoại hối và bị động đối phó với các cơn sốt ngoại tệ. Tuy nhiên, có lẽ trong một vài năm tới Việt Nam chưa thể để thả nổi hoàn toàn tỷ giá.

Vì nếu thả nổi, cả hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu sẽ bị đặt dưới ảnh hưởng của những dao động trên thị trường ngoại hối và có thể xuất hiện vấn đề rủi ro đối với các khoản nợ nước ngoài. Giải pháp của NHNN trong những tháng còn lại của năm 2008 là tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cung cầu ngoại tệ trên thị trường, bảo đảm mục tiêu hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô.

Cho đến nay, thị trường  ngoại hối chính thức (giao dịch qua hệ thống NHTM) vẫn đảm bảo nguồn cung với giá trong biên độ cho phép của NHNN.  Nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu, thanh toán dịch vụ, du lịch... vẫn được đáp ứng đủ. Về cung ngoại tệ, cũng có những yếu tố khá ổn định như nguồn  huy động USD từ dân cư khá lớn; nguồn ngoại tệ mà các ngân hàng  Việt Nam vừa rút từ nước ngoài về gửi tại NHNN; lượng kiều hối vẫn ở mức khá cao (như thông tin gần đây từ TP.HCM); dự trữ ngoại hối của quốc gia đến tháng 10/2008 vẫn duy trì ở mức khoảng 22 tỷ USD…

Với những cơ sở đó,  NHNN đủ  khả năng dập tắt các “cơn sốt” ngoại tệ (nếu xảy ra). Vì vậy, NHNN  vẫn điều hành được  chính sách tỷ giá theo mục tiêu của mình. Theo dự báo của một số ngân hàng  thì khả năng là tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng sẽ còn tiếp tục tục tăng, nhưng không quá cao so mức hiện nay.

Giá bán USD của ngân hàng cho khách hàng cuối năm nay có thể vào khoảng mức từ 17.200 đồng đến 17.500 đồng/USD. Và nếu lạm phát tiếp tục giảm sẽ là điều kiện để NHNN có thể nới rộng hơn biên độ tỷ giá. Một chuyên gia tài chính đưa ra lời khuyên: “Những ai đang nắm giữ các loại ngoại tệ khác USD, thì nên chuyển thành USD sẽ có lợi hơn, bởi trong thời gian tới, đồng USD vẫn được thị trường tài chính quốc tế đánh giá vẫn sẽ còn  tăng giá”. 

  • Trịnh Ngọc Lan
      

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,