- Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, việc sản xuất, lưu hành vật tư phân bón giả, hàng cấm là tội ác. Các địa phương không được chùn tay trong việc đưa các tổ chức, cá nhân vi phạm ra trước vành móng ngựa.
Tại Hội nghị trực tuyến "Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp" với các tỉnh, thành chiều 3/11, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận xét, hiện một số khung xử phạt còn nhẹ, không có tác dụng răn đe người vi phạm.
Hiện có khoảng 400 DN sản xuất phân bón (Ảnh: agro.gov.vn).
Khi thanh tra, nếu phát hiện các mặt hàng vi phạm, cần niêm phong ngay và kiểm tra đồng loạt trên toàn địa bàn tỉnh đó và các tỉnh khác, kể cả tận cơ sở sản xuất và DN nhập khẩu, để xử lý tận gốc; tránh trường hợp sau đó chỉ xử phạt hành chính rồi lại cho lưu hành. Điều này đồng nghĩa với việc hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng lại được đưa vào sản xuất.
Hay trường hợp ở Hưng Yên, lực lượng chức năng phối hợp rất vất vả, kỳ công mới bắt cơ sở vi phạm, đề nghị truy tố đối tượng trước pháp luật, nhưng ra đến toà lại bị xử phạt hành chính.
Do vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói thêm, ngoài phạt tiền, địa phương cần "mạnh tay" rút giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động, cao hơn là đề nghị truy tố.
Hàng vật tư nông nghiệp hiện chiếm 60% nguyên liệu đầu vào của trồng trọt và 80% của chăn nuôi. Trong số này, Bộ NN-PTNT tập trung kiểm tra về phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Song, mỗi loại trên lại có hàng nghìn mặt hàng, được bán ở rất nhiều đại lý. Do lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng nên việc kiểm tra gần như không xuể.
Ông Nguyễn Quang Minh, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) dẫn chứng, lực lượng thanh tra BVTV là một trong số hùng hậu nhất, hoạt động mạnh nhất với 670 người cũng đang "vật lộn" với 51.000-76.000 tấn thuốc BVTV nhập khẩu mỗi năm. Chưa kể, toàn quốc có tới 23.700 đại lý thuốc BVTV, trung bình mỗi tỉnh có tới 300 đại lý, riêng tỉnh Kiên Giang, An Giang con số này lên tới cả nghìn đại lý. Ở Sơn La, Thanh Hoá, do địa bàn rộng nên muốn thanh tra có khi phải leo núi mất 2 ngày trời.
Ngay Hà Nội sau khi mở rộng cũng chỉ có 10 thanh tra viên, với số lượng kiểm tra lên tới hàng nghìn cơ sở.
TIN LIÊN QUAN
Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội và cũng là đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hoa, bức xúc, đến lực lượng thanh tra có khi cũng không nắm rõ trách nhiệm, ngại va chạm. Trong khi đó, thanh tra viên chỉ được xử phạt đến mức 200.000 đồng mà nhiều lần, cả đoàn 4-5 người rồng rắn kéo nhau đi ôtô kiểm tra, không bõ công.
Bên cạnh đó, việc xét nghiệm mẫu cũng khó khăn khi không có kinh phí. Hàng năm, trên Sở chỉ "rót" cho một "cục", nếu lấy mẫu quá nhiều đến giữa năm hết tiền, thanh tra chỉ còn biết ngồi chơi. Thời gian có kết quả lên tới 15 ngày, trong khi quy định là 10 ngày là phải có nên thanh tra buộc phải thả cho họ bán hàng có vi phạm chất lượng.
Ông Phạm Quang Viễn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng, sản xuất phân bón nên cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống như xăng dầu, tránh kiểm soát không chặt từ gốc, sản xuất chụp giật. Hiện 80% hàng nhập khẩu là thông quan qua hải quan cửa khẩu, ông cũng tỏ ra nghi ngờ về việc kiểm soát chất lượng ở khâu này.
-
H.L.Y