221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1124155
Hà Nội: Thực phẩm chưa thiếu nhưng đắt đỏ
1
Article
null
Hà Nội: Thực phẩm chưa thiếu nhưng đắt đỏ
,

 - Lũ lụt liên tiếp trong 4 ngày qua đã khiến người dân Hà Nội dường như rơi vào khủng hoảng về lương thực - thực phẩm, điện, nước, xăng dầu... vì bị nước phong tỏa, trong khi lại thiếu sự chuẩn bị để đối phó. Các chợ Hà Nội vẫn họp, hàng hóa không đến nỗi thiếu nhưng giá cả đắt  gấp 2 - 3 lần ngày thường, nhất là rau xanh.

>> Toàn cảnh Hà Nội trong trận "đại hồng thuỷ"

Cơ cực nơi rốn nước

Toàn bộ khu vực Định Công bao gồm: hai bên phố Định Công, làng Định Công, một phần khu đô thị mới Đại Kim đã chìm trong biển nước từ đêm 31/10. Đến tận ngày 3/11 nước vẫn chưa hề rút. Tại khu A của đô thị mới Đại Kim, nước ngập sâu nhất đến thắt lưng người. Đường Định Công cũng có độ sâu tương tự, cầu Định Công ô tô bị tắc từ tối 31/10 đến nay vẫn chưa đi được. Điện bị cắt, các cây xăng trong khu vực ngừng hoạt động.

Ngập sâu, mất điện các gia đình này đang đối mặt với thiếu nước sạch. (Ảnh: Phước Hà)

Có thể nói toàn bộ khu vực Định Công - Đại Kim và Linh Đàm gần như một ốc đảo khi cả 3 đường ra vào đều bị khống chế bởi nước lũ và tắc đường. Lối ra cầu Định Công - phố Định Công ngập quá thắt lưng gần như không thể di chuyển, lối Đại Từ, Linh Đàm ngập sâu, lội ra đến đường Giải Phóng lại đối mặt với cả đoạn ngập dài cả 3km từ Đại Từ lên đến gần Phố Vọng; lối qua Cầu Lủ - Kim Giang bị tắc đường gần như không thể đi lại.

Vấn đề lớn nhất của người dân bây giờ là thiếu nước và điện. Hầu hết các nhà dân trong khu A Đô thị Đại Kim đã ngập sàn nhà, nước bẩn tràn vào bể ngầm, nước dự trữ trên bể cao đã hết sau 3 ngày sử dụng. Hiện nay nước vẫn ngập, nhiều đợt mưa vẫn đổ xuống nên chưa  biết bao giờ mới rút để thau dọn bể nước. Tình trạng này là nỗi khổ chung của đa số nhà dân nơi rốn nước này. Thiếu nước sạch đang là vấn đề trầm trọng của người dân ở Khu vực Định Công, Đại Kim... Ở Đền Lừ, bể nước ngầm khu vực chung cư đang bị nghi nước bẩn xâm nhập... rất có thể sẽ bị thiếu nước sạch.

Nhiều học viên xuất khẩu lao động bị đói

Tại Khu đô thị Đại Kim, có rất nhiều trung tâm tập trung - đào tạo các học viên xuất khẩu lao động. Các học viên ở đây thường không nấu ăn mà ăn cơm bụi ở ngoài.

Do trời mưa, lại không hề có sự chuẩn bị tích trữ, rất nhiều học viên đã bị đói trong ngày đầu lũ lụt và mưa lớn. Trong những ngày tiếp theo, một số học viên buộc phải di tản hoặc về quê, số khác ở lại tổ chức nấu ăn trong sự thiếu thốn, chờ nước rút.

Điện toàn bộ khu vực đã bị cắt từ chiều 31/10, ngập nước và sống trong bóng tối là tình trạng chung của cả khu vực phía này. Trừ Đô thị mới Linh Đàm có điện còn lại cả khu vực bị mất. Một vài gia đình có máy phát cũng chỉ hoạt động được hai đêm 31/10 và 1/11.

Đêm 2/11 thiếu dầu, các cây xăng không bán nên không thể chạy tiếp. Bóng tối bao trùm toàn bộ khu vực. Cũng do thiếu điện, lo thiếu dầu chạy máy phát, các nhà chung cư trong khu đang cảnh báo người dân dùng tiết kiệm nước, vì có thể sẽ không bơm được.

Hoạt động thông tin cũng bị trục trặc, rất nhiều máy điện thoại hết pin vì không có nguồn để xạc, các máy còn lại liên tục bị mất sóng, rớt sóng khi đang gọi, nhất là các mạng Viettel và Vinaphone.

Rất nhiều xe ô tô, xe máy của người dân để trong các bãi xe, trong tầng hầm các gia đình bị ngập và chắc chắn bị hư hỏng, thiệt hại là rất lớn.

Điều lo ngại nhất của người dân, đây là cuối nguồn nước, cửa thoát nước sông Lừ, cả thành phố dồn nước về kéo theo rất nhiều rác bẩn và mầm bệnh, nếu nước không rút sớm để vệ sinh thì rất nhiều bệnh tật dễ phát sinh.

Thực phẩm tăng giá

Toàn bộ khu vực Đại Kim - Linh Đàm hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào chợ Đại Từ. Đây vốn là một chợ tạm, vệ sinh không đảm bảo. Trong những ngày mưa, chợ họp giữa nước ngập càng trở nên rất bẩn thỉu. Tuy nhiên, tất cả đều phải chấp nhận vì đây là nơi duy nhất có thể mua thức ăn.

Hoạt động của chợ vẫn được duy trì, giá lương thực chủ yếu là gạo không tăng nhưng khá khó mua vì chỉ có rất ít đại lý hoạt động, số còn lại phải đóng cửa do lo ngại mưa ngập. Thực phẩm, chủ yếu chỉ có thịt lợn, những ngày đầu còn có thịt gà, các đồ ăn chín nhưng đến nay các nguồn cung cấp này đều dừng hoạt động nên chủ yếu chỉ có thịt lợn và loại thực phẩm đặc trưng: cá bắt lên bán tại chỗ.

Chợ họp giữa biển nước. (Ảnh: Phước Hà)

Giá thịt lợn tăng nhẹ: thịt mông khoảng 70 ngàn/kg chỉ tăng 5 ngàn so với ngày thường; thịt nạc thăn khoảng 100 - 110 ngàn đồng/kg, tăng không đáng kể. Giá không tăng nhưng chất lượng thực phẩm là một vấn đề. Do thịt chỉ được cung cấp một lần vào đầu ngày thay cho 2 lần trong ngày như bình thường nên những người đi chợ buổi chiều sẽ phải chấp nhận thịt ôi. Thậm chí, gia đình anh Sơn ở B 15 -Đại Kim mua về nhà đã phải bỏ đi vì thịt bị ngấm nước mưa bốc mùi hôi thối.

Thuyền, mảng tự chế đưa thực phẩm vào bán và chở người ra khỏi vùng ngập. (Ảnh: Phước Hà)

Dùng thuyền chở thực phẩm vào các khu dân cư bị cô lập

Do bị ngập sâu, việc đi lại và mua bán của nhiều hộ dân gặp khó khăn, nhiều người đã dùng thuyền chở thực phẩm, rau xanh, đồ khô vào bán cho các hộ gia đình. Mức giá đưa vào thường đắt gấp đôi so với bình thường nhưng được đa số người dân chấp nhận. Cùng với việc đi bán, thuyền này cũng nhận chở khách, mức giá cho một chuyến đi từ Đại Kim ra phố Định Công- Giải Phóng khoảng 2 km là 200 ngàn đồng.

Giá các loại rau xanh tăng rất mạnh. Rau muống giá đã lên đến 5 ngàn đồng/bó, thậm chí những loại rau mầm được bán với giá 8 ngàn đồng/bó, đắt gấp 2,5 - 3 lần ngày thường. Một củ su hào ngày thường khó bán với giá 3 ngàn nay hét giá 8 - 10 ngàn cũng có người mua. Cà chua loại nhỏ giá 2000 đồng, bắp cải giá 10 ngàn đồng/kg, cải xanh giá 3 -4 ngàn đồng/bó...

Đặc biệt, do lo ngại rau xanh bị nhiễm bẩn vì nước ngập, người dân thích chuyển sang ăn các loại quả nên giá các loại quả này rất đắt: bí xanh 20 ngàn/kg, su su giá 12 ngàn đồng, đắt gấp rưỡi ngày thường nhưng không có để bán. Các loại dưa chuột, mướp đắng gần như không có để bán...

Dự báo, giá rau xanh sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới vì  tình hình ngập lụt thế này, rất nhiều người dân đã thu hoạch vội rau để bán, số còn lại đều bị hư hỏng do ngập lụt. Hầu hết các nguồn cung cấp rau xanh của Hà Nội như Thanh Trì, Đông Anh, các huyện Hà Tây cũ đều chìm trong nước, vụ rau đông mới bắt đầu đã bị hư hại.

  • Phước Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,