- Khủng hoảng toàn cầu lan rộng và hậu quả nặng nề của nó ngày càng lộ rõ. Việt Nam tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng với một nền kinh tế đã hội nhập thì những tác động gián tiếp là không thể tránh khỏi. Đúng như cảnh báo của nhiều chuyên gia, xuất khẩu Việt Nam đang bắt đầu gánh chịu những khó khăn bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính thế giới.
DN xuất khẩu nhất loạt kêu khó
Mới đây, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng xuất khẩu quan trọng để nắm bắt tình hình xuất khẩu. Trước những diễn biến xấu của kinh tế thế giới và thực tế xuất khẩu giảm trong 2 tháng gần đây,Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã dẫn tới sự suy thoái kinh tế ở nhiều nước, điều này cũng ảnh hưởng khá lớn tới lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Đáng chú ý là xuất khẩu hàng hoá Việt Nam trong tháng 10/2008 đã sụt giảm rất mạnh. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, dầu thô, điều, hải sản, cà phê, cơ khí, điện tử... đều có mức tăng trưởng rất thấp và đang đi xuống.
Giá xuống, đơn hàng giảm, nhiều DN gặp khó khăn. (Ảnh: vnfood)
Ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết tính chung 10 tháng đầu năm 2008, dệt may của các nước trên thế giới đều có chỉ số xuất khẩu âm, duy nhất Việt Nam duy trì được ở mức 21%. Nhưng đến nay, thống kê 20 ngày đầu tháng 10/2008, Việt Nam mới xuất khẩu được 420 triệu USD, trong đó xuất sang thị trường Mỹ chững lại, chỉ thị trường châu Âu được duy trì.
Ông Giang cảnh báo, đến hết năm 2008, xuất khẩu khó qua khỏi mốc 9,2 tỷ USD. Đáng lo hơn, với diễn biến xấu đi của thị trường toàn cầu, tăng trưởng của ngành dệt may 2009 - 2010 sẽ rất khó khăn. Hậu quả khủng hoảng sẽ không chỉ có trong năm 2008 mà còn kéo dài nếu không có chính sách tốt cho đầu tư, sản xuất.
Một ngành xuất khẩu chủ lực khác là thủy sản cũng đang chịu nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản, trong 20 ngày đầu tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản chỉ đạt 287 triệu USD. Tính từ đầu năm tới nay mới đạt hơn 3,6 tỷ USD, dự báo cả năm sẽ không đạt được 4,5 tỷ USD như dự kiến, cùng lắm chỉ đạt 4,4 tỷ USD, tăng trưởng 17% so với 2007. "Năm 2009 sẽ tiếp tục khó khăn và cũng chỉ có thể dự kiến là sẽ tăng 10%" - ông Dũng lo xa.
Thực tế của ngành thủy sản gần đây cho thấy, mặc dù không bị các đối tác rút đơn hàng như ngành dệt may nhưng họ đã yêu cầu sẽ trả trước 60 - 70% giá trị đơn hàng, nợ lại 30 - 40% thanh toán sau. Điều này cho thấy đối tác đang khó khăn và điều này cũng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp nhất là trong tình hình tín dụng trong nước khó khăn như hiện nay.
Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam tại cuộc họp cho biết nhu cầu tiêu dùng đã và đang chững lại, hàng đã giao thanh toán rất chậm, một số thị trường đã chính thức đề nghị lùi thời gian giao hàng. Trong nước thì 80 - 90% doanh nghiệp đã ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu điều đang xuống rất nhanh từ 5.500 USD/tấn trung bình 9 tháng hiện xuống còn 4.100-4.200 USD/tấn. Lượng điều tồn kho của doanh nghiệp còn tới 30.000 tấn.
Hàng loạt ngành hàng khác như dầu khí, điện tử, đồ gỗ đều phản ánh những khó khăn của mình nhưng điểm chung nhất vẫn là nhu cầu tiêu dùng giảm, đơn hàng xuất khẩu giảm thậm chí bị hủy bỏ, giá cả xuống thấp, tình hình biến động ngoại tệ gây khó khăn....
Cầu tiêu dùng thế giới giảm
Khủng hoảng xảy ra, hàng loạt doanh nghiệp phá sản. Chỉ riêng ở Mỹ, trong tháng 9/2008 đã có thêm 159 ngàn việc làm bị cắt giảm. Đây là con số lớn nhất trong 5 năm qua. Tại Châu Á và Châu Âu, con số này cũng đang gia tăng nhanh.
Mất việc đồng nghĩa không có thu nhập để chi trả dịch vụ. Bên cạnh đó, những lo ngại về sự xấu đi của nền kinh tế và khả năng mất việc làm trong tương lại gần đã buộc người dân phải cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu mà trước hết là mặt hàng cao cấp.
Điều tra mới nhất cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống 99,8 điểm so với mức 105,6 điểm tháng 8 và thấp hơn nhiều mức kỳ vọng 104,5 điểm của các nhà phân tích. Chỉ số này ở Đức giảm từ 198,5 điểm trong tháng 8 xuống còn 104,2 điểm trong tháng 9 và thấp hơn mức dự báo 105 điểm.
Đây là nguyên nhân khiến thị trường bán lẻ ảm đạm và các hệ thống bán lẻ bị đóng cửa hàng loạt. Tại Pháp sức mua cuối năm dự kiến sẽ giảm 0,4% và cả năm dự kiến chỉ tăng 0,7% so với 3,3% của năm 2007.
Nhiều mặt hàng giá đã giảm đến 1/3. (Ảnh: agroviet)
Do tác động của khủng hoảng, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn đều giảm kéo theo nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn đều giảm mạnh. Xuất khẩu Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng và cần có sự chuẩn bị để giảm thiểu tác động xấu và thâm hụt cán cân thương mại. Theo các chuyên gia, ảnh hưởng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu trên 2 phương diện là nhu cầu thị trường giảm và biến động EURO/USD.
Về phương diện cầu, ngoài thị trường Mỹ nơi đang chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu chung, 57% xuất khẩu dệt may đã khiến cho xuất khẩu vào thị trường này có nhiều tín hiệu chậm lại. Bên cạnh đó, thị trường EU và Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng và đây lại chính là những thị trường lớn của Việt Nam. Hiện nay, do khủng hoảng, nhiều đơn hàng cuối năm vẫn chưa được ký kết. [
Bên cạnh đó, tỷ giá EURO biến động như hiện nay sẽ là bất lợi cho xuất khẩu Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là gia công. Nếu xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp thường nhập khẩu bằng USD, trả các chi phí khác bằng VND và bán vào thị trường sử dụng EURO. Hiện đồng USD đang tăng giá so với EURO, sức ép giảm giá EURO càng lớn. Như vậy, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng trong khi doanh thu thì khó tăng.
Ngoài ra, cũng cần tính tới khả năng các nước sử dụng hàng rào kỹ thuật, thương mại để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước, chống thâm hụt thương mại gây khó khăn cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
-
Phước Hà