- Trong vài tháng qua, trùng lặp với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là sự sụt giảm mạnh mẽ của giá nông sản thế giới. Các ngành hàng của Việt Nam, từ gạo, cà phê, đến cao su, điều… đồng loạt rơi vào cảnh điêu đứng.
Trung tâm Thông tin thuộc Viện Chính sách và Chiến lược (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa có bản báo cáo “Biến động và triển vọng giá nông sản trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu”. VietNamNet xin giới thiệu nhận định của ông Phạm Quang Diệu, một trong những tác giả bản báo cáo.
Giá gạo thế giới (USD/tấn) đã tăng mạnh từ năm 2001 đến giữa năm 2008.
Giá nông sản đã nhiều năm thăng hoa
Sau nhưng thập kỷ suy giảm 80 và 90 của thế kỷ 20, những năm đầu của thế kỷ 21 giá nông sản trên thị trường thế giới tăng lên. Có thể thấy một số nguyên nhân chính:
Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng mạnh làm tăng nhu cầu tiêu thụ nông sản của hai nước đông dân nhất thế giới này, đặc biệt là sản phẩm chứa nhiều dinh dưỡng như thịt và dầu ăn.
Thứ hai, trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, sự sụt giá USD so với Euro và những đồng tiền chính khác đã kích thích tăng xuất khẩu nông sản, do các nước xuất khẩu nông sản chủ yếu thu về bằng đồng đô la. Ngoài ra, đồng USD giảm làm cho các nhà đầu cơ có xu hướng chuyển đầu tư từ nắm giữ đô la sang nắm giữ các hàng hóa trong đó có nông sản.
Thứ ba, chính sách sản xuất ethanol từ ngô ở Mỹ (và nhiên liệu sinh học từ dầu thực vật ở châu Âu) làm tăng nhu cầu tiêu dùng lương thực bù đắp cho một phần sản lượng ngô chuyển sang sản xuất ethanol.
Thứ tư, các nhà đầu cơ đang tìm kiếm những cơ hội từ một số mặt hàng mang lại lợi nhuận cao hơn là đầu tư và chứng khoán hay bất động sản.
Thứ năm, giá dầu tăng mạnh làm cho chi phí sản xuất tăng, gây sức ép tăng giá. Giá dầu tăng cũng kéo theo xu hướng tăng cường sản xuất ethanol để thay thế dầu mỏ gây sức ép lên sản xuất lương thực.
Tỉ giá USD/Euro giảm mạnh từ đầu năm 2006 đến giữa năm 2008, giúp các nước xuất khẩu bằng USD được lợi thế. (Số liệu: yahoo finance)
Sự đảo chiều đột ngột
Kể từ tháng 9 giá nông sản trên thị trường thế giới giảm đột biến. Điển hình nhất là giá cao su RSS2 cuối tháng 9 còn ở mức 4.100 USD/tấn đã giảm xuống còn 3000 USD/tấn. Ở Việt Nam, sau khi đạt mức đỉnh vào thời điểm tháng 7/2008, khoảng 58 triệu đồng/tấn, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu giảm từ tháng 8, giảm liên tục trong tháng 9 và giá giảm mạnh từ đầu tháng 10, đến trung tuần tháng 10/2008 chỉ còn khoảng 30 triệu đồng/tấn.
Đến giữa tháng 10/2008, giá cà phê thế giới sụt giảm xuống thấp nhất, thấp hơn cả mức giá của tháng 1. Giá cà phê Robusta Việt Nam xuất khẩu chỉ còn 1625 USD/tấn, giá xuất khẩu tại thị trường London khoảng 1700 USD/tấn, là mức thấp nhất kể từ đầu năm (ngày 1/1/08 giá thế giới là 1903 USD/tấn, giá Việt Nam là 1768 USD/tấn).
Thị trường nông sản bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân cung cầu cơ bản như sản lượng, tiêu dùng, tồn kho hoặc các yếu tố liên quan như tỷ giá hối đoái, giá dầu mỏ, nhu cầu tiêu thụ ethanol… Các phân tích trước đây thường chỉ quan tâm đến các yếu tố cung cầu cơ bản này.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Thông tin “Biến động và triển vọng giá nông sản trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu” thì trong vòng 10 năm trở lại đây kết cấu thị trường nông sản đã có những sự chuyển mình mạnh mẽ. Trong giao dịch nông sản quốc tế đã xuất hiện các quỹ đầu tư tham gia thị trường ngày càng sâu rộng. Luồng tài chính từ các quỹ này đã dần đến mức chi phối cung cầu nhất thời trên thị trường.
Giá cao su đột ngột giảm mạnh trong mấy tháng qua.
Tóm lại, sự suy giảm giá vừa qua có một số nguyên nhân chính sau với mức độ ảnh hưởng tùy theo mặt hàng:
Đối với các mặt hàng cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, điều do suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính làm cho các quỹ đầu cơ rút tiền khỏi các hoạt động đầu tư dẫn đến giảm cầu tức thời trên các thị trường kỳ hạn, làm cho giá giảm đột ngột. Đây chính là nguyên nhân chính tác động đến sự giảm sút tức thời của thị trường hàng nông sản thế giới.
Đối với các mặt hàng lương thực thiết yếu như lúa gạo do các yếu tố cung cầu cơ bản về sản lượng, tồn kho và tiêu dùng quyết định.
Ngoài ra, đồng USD gần đây lại mạnh, gây áp lực giảm giá xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Hoa Kỳ như thịt, dầu ăn, lúa gạo… Trong khi đó, đồng Euro giảm mạnh so với USD làm cho nhu cầu tiêu thụ các nước châu Âu giảm, gây áp lực giảm giá hàng nhập khẩu vào thị trường châu Âu trong đó có nông sản. Các quỹ đầu tư chuyển sang nắm giữ đô la thay vì đầu tư vào hàng hóa trong đó có nông sản gây áp lực giảm giá.
Giá chỉ giảm trong ngắn hạn
Sự suy giảm đột ngột của giá nông sản trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thu nhập của nhiều nước xuất khẩu nông sản, dấy lên sự lo ngại của của các nước xuất khẩu nông sản về khả năng có một một xu hướng giảm giá nông sản trong dài hạn?
Nhìn chung biến động giảm giá mạnh của các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, rút vốn của các quỹ đầu tư. Sự suy giảm mang tính tức thời và ngắn hạn. Theo dự báo, giá cả trong vòng 6 tháng tới sẽ tăng trở lại, mức tăng của từng ngành hàng tùy thuộc vào các yếu tố cung cầu về sản lượng và tiêu dùng thực tế quyết định.
-
Phạm Quang DiệuÝ kiến bạn đọc: