Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (27/10), chứng khoán Nhật tụt giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua. Không chỉ vậy, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu rớt giá mạnh trong một phiên giao dịch hỗn loạn do các nhà đầu tư lo sợ những nỗ lực của ngân hàng trung ương các nước sẽ không đủ để ngăn chặn một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu.
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu rớt giá mạnh trong một phiên giao dịch hỗn loạn. (Ảnh: CNBC)
Chứng khoán châu Á rơi tự do, Philippines đóng cửa thị trường
Cho dù đã giảm rất mạnh trong phiên cuối tuần trước khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật mất 9,6% nhưng sóng gió vẫn chưa ngừng. Chứng khoán châu Á tiếp tục tuột dốc khi các thị trường Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia giảm kinh hoàng từ 6-14%.
Philippines thậm chí còn phải đóng cửa thị trường vào giữa phiên giao dịch do chỉ số PSEi của nước này bất ngờ tụt giảm 12,27%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần (27/10) giảm 6,36% xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua do các doanh nghiệp dựa vào xuất khẩu như Canon mất giá mạnh do đồng yen Nhật mạnh lên và cổ phiếu ngân hàng tụt giảm do các danh mục đầu tư của họ đang nhỏ dần vì chứng khoán toàn cầu suy giảm. Cổ phiếu của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ hôm nay giảm 14,6%.
Các chỉ số khác của Nhật chủ yếu giảm từ 5-8%.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 12,7%, mức giảm mạnh nhất từ năm 1989. Các chỉ số khác của nước này chủ yếu giảm từ 12-14%.
Thị trường Trung Quốc mất điểm nhẹ hơn, từ 6,3-9,2%.
Thái Lan giảm từ 10,5-11,81%.
Singapore hôm nay nghỉ lễ nhưng trong phiên giao dịch liền trước đã giảm trên 8%.
Tính đến 6h20 phút chiều giờ GMT, chỉ số MSCI của TTCK châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) giảm phiên thứ 4 liên tiếp với 3,2%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2004. Chỉ số này đã mất 41% kể từ 12/9 - một ngày trước khi Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số này đã giảm 60%.
Chứng khoán châu Âu cũng đã giảm giá mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần do các nhà đầu tư lo ngại đợt suy thoái toàn cầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành ngân hàng và năng lượng.
Cổ phiếu hai lĩnh vực này giảm mạnh. Vào gần cuối giờ sáng 27/10 (giờ GMT), các cổ phiếu ngân hàng tại khu vực châu Âu như HSBC, BNP Paribas, Societe Generale và Banco Santander giảm từ 5,3-12,7%. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của châu Âu giảm từ 3,67%-6,07%.
Các thị trường chứng khoán Mỹ vừa mở cửa phiên giao dịch đầu tuần cũng đang mất điểm từ 0,5-1%. Chỉ số Standard & Poor’s 500 Index của Mỹ đang nới rộng số điểm mất trong tháng 10/2008 lên mức nhiều nhất trong 70 năm qua.
Tính tới 10h18 ngày 27/10 (giờ New York), chỉ số S&P 500 giảm 0,7% xuống 870,88 điểm; chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm 0,5% xuống 8.334,51 điểm; chỉ số Nasdaq giảm 0,8% xuống 1.540,04 điểm.
Khó thuyết phục các nhà đầu tư đang hoảng loạn
Cho dù đã, đang và sắp đưa ra rất nhiều biện pháp mạnh nhưng các chuyên gia tài chính cho rằng vào thời điểm hiện tại chính phủ các nước rất khó thuyết phục các nhà đầu tư hoảng loạn rằng họ có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng đang loạn rộng ra toàn cầu và đe doạ tới các thị trường tài chính, tới tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp.
“Chúng ta đang rơi vào một vực thẳm không tên. Sẽ chẳng có gì thay đổi cho tới khi thị trường vốn bớt căng thẳng và tiền được các chính phủ bơm vào hệ thống ngân hàng. Hai chữ “suy thoái” vẫn còn nằm trên miệng của bất cứ ai và đây là một điều lo ngại nhất”, Howard Wheeldon, chiến lược gia của BGC Partners nói.
Cổ phiếu năng lượng cũng đã giảm mạnh và đóng góp vào sự tuột dốc của các thị trường chứng khoán. Giá dầu vẫn đang nằm trong xu hướng giảm cho dù OPEC đã khẩn cấp cắt giảm sản lượng do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đang mạnh hơn bao giờ hết.
“Viễn cảnh về tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu vẫn rất tối tăm. Do vậy, thật khó để khiến một thị trường đang nổi (EM) có thể tăng điểm vào thời gian này”, Win Thin, chiến lược gia cao cấp trong lĩnh vực tiền tệ của Công ty Brown Brothers Harriman nói.
“Không ai hiện có thể nói đâu là các mức điểm hỗ trợ, hoặc đâu là đáy”, Castor Pang, một chiến lược gia của Sun Hung Kai Financial tại Hồng Kông nói và cho biết “Xu hướng hiện tại cho thấy thị trường có thể còn tiếp tục đi xuống bởi các quỹ đầu tư vẫn đang co lại danh mục đầu tư của mình”.
Tuy nhiên, Win Thin cũng lưu ý rằng, hành động của các chính phủ rồi cuối cùng cũng có thể thay đổi tình thế của các thị trường này. “Chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng, thị trường sẽ dành những phần thưởng xứng đáng cho những nước đang tiên phong triển khai các biện pháp ngăn chặn đà suy thoái sâu hơn của nền kinh tế".
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần mới (27/10), Nhật Bản đã cam kết nhiều biện pháp mới để bảo vệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Trong khi đó, Hàn Quốc đã cắt giảm các lãi suất cơ bản còn Ngân hàng Trung ương Australia đã can thiệp ngày thứ 2 liên tiếp nhằm hỗ trợ đồng tiền đang rớt giá thảm hại của nước mình.
Hành động của các nước châu Á diễn ra vài ngày trước khả năng cắt giảm lãi suất bớt 50 điểm cơ bản của Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến vào ngày thứ 29/10 tới và bản báo cáo sơ bộ về tăng trưởng kinh tế Mỹ quý III (dự kiến công bố ngày 30/10).
Rất ít người hiện tại cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ nhanh chóng hồi phục cho dù các ngân hàng có cắt giảm lãi suất, và chính phủ các nước cho tới nay đã cam kết bơm tổng cộng khoảng 4.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các ngân hàng và làm tan băng thị trường tín dụng.
Theo các chuyên gia, các thị trường đang nổi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu này. Và theo đó, có thể sẽ có thêm vài nước nữa phải cầu viện tới Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sau khi Ukraine (hôm Chủ Nhật) đã phải vay 16,5 tỷ USD nhằm giảm bớt ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng.
-
Hà Linh (Theo Bloomberg, CNBC)