- Mây đen khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới vẫn bao phủ, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh, khó có nhiều cơ hội để thị trường đột biến. Tuần này sẽ là tuần đầy khó khăn của TTCK Việt Nam.
Tuần qua là một tuần đáng thất vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Một tuần đầy căng thẳng khi VN-Index đã phá vỡ đáy cũ (366,02 điểm vào ngày 20/6/2008) và đưa chỉ số về 345,11 điểm vào phiên cuối tuần, mất tổng cộng 37,4 điểm (10,03%).
Trong 5 phiên thì 1 phiên tăng điểm vào ngày 21/10, (phản ứng tích cực với tin tốt của thị trường quốc tế), còn lại bốn phiên đều giảm điểm mạnh. Thị trường tiếp tục xác định đáy mới.
Nhiều khả năng thị trường sẽ lập đáy mới trong tuần này. Ảnh: VNN. |
Trong tuần, trên sàn HOSE, có tổng cộng 69,8 triệu chứng khoán được chuyển nhượng thành công (giảm nhẹ so với tuần trước), tương ứng 2.442 tỷ đồng. Điều an ủi là khối lượng giao dịch có giảm nhưng tính thanh khoản vẫn giữ được, tốt hơn rất nhiều so với các đợt tuột dốc trước đây. Rõ ràng, thị trường chưa có hiện tượng bán tháo và đóng băng. Người mua vẫn có, tất nhiên chỉ mua ở những mức giá sàn và tập trung ở các cổ phiếu tốt.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/10/2008, chỉ số HaSTC-Index đóng cửa ở mức 111,58 điểm. So với phiên cuối tuần trước, chỉ số HASTC-Index đã mất đi 13,74 điểm, tương đương 10,96%
Sự sụt giảm của tuần qua chủ yếu bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Trước hết là thị trường tài chính quốc tế trong tuần qua cũng lao dốc rất nhanh, ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém đó là khối đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng với số lượng lớn chứng khoán trên thị trường, hút về một lượng không nhỏ tiền mặt, cũng như đẩy ra thị trường lượng cung lớn cổ phiếu.
Đa số các cổ phiếu bán ròng là các cổ phiếu blue- chips thanh khoản cao, do vậy càng khiến các cổ phiếu này lao dốc nhanh, kéo toàn bộ cả thị trường xuống. Các nhà đầu tư trong nước trông theo nhà đầu tư nước ngoài, lo sợ khối nước ngoài rút vốn trên thị trường, cũng rụt rè trong việc mua vào, trong khi lại tích cực bán theo.
Làm gì để xoay chuyển tình thế?
Trong lúc này, nhiều nhà quản lý cũng như giới đầu tư đang thảo luận làm thế nào để xoay chuyển tình thế. Thị trường đi xuống quá sâu sẽ để lại tác hại khôn lường. Nhãn tiền là rất nhiều tiền của sẽ bay hơi theo đà lao của cổ phiếu.
Để thị trường lên, điều cốt yếu là luồng tiền đổ vào phải được cải thiện. Muốn vậy, thị trường cần phải đạt được sự ổn định và tích lũy. Đà giảm của thị trường phải được phanh lại. Tiếp đó là thị trường cần có giai đoạn tích lũy, củng cố sự ổn định và tích tụ vốn.
Để ổn định thị trường cần nhiều điều kiện. Trước hết ảnh hưởng của tin xấu phải hạn chế, trong khi tin tốt có sức bật kích thích nhà đầu tư. Muốn vậy, thị trường quốc tế phải ổn định, trong khi môi trường trong nước phải thuận lợi.
Nếu trong tình huống các tin xấu đến dồn dập mà không có tin tốt, hoặc khi thị trường giảm là do tâm lý hoảng loạn chứ không phải do sự yếu kém nội tại của thị trường hay của các công ty niêm yết, Biện pháp hành chính có thể được đưa ra nhưng phải hy sinh tính thanh khoản của thị trường.
Một số chuyên gia đưa ra giải pháp “giảm biên độ có thời hạn”, có nghĩa là quyết định giảm biên độ chỉ trong một khoảng thời gian đã định sẵn. Biện pháp này giống như tại TTCK Mỹ khi SEC đưa ra việc cấm mua bán khống một số cổ phiếu trong thời gian nhất định, khi hết thời hạn tự khắc thị trường quay lại theo quy định cũ.
Trong thời gian qua, ngoài việc đăng đàn trấn an nhà đầu tư, phỏng đoán sự không rút vốn hàng loạt của nhà đầu tư nước ngoài, các cơ quan nhà nước quản lý dường như bó tay để mặc thị trường, chấp nhận sự lao dốc.
Nếu để thị trường tự vận động mà không có sự can thiệp, có thể dự đoán thị trường tiếp tục lao dốc đến một mức kháng cự sẽ dập dình chờ cơ hội đi lên. Khi đó thị trường phải đủ rẻ để thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, tham gia.
Khi nào thị trường mới lên lại?
Đây là câu hỏi nung nấu trong tâm trí của tất cả các nhà đầu tư. Có nhiều lần nhà đầu tư đã bắt đáy, như phiên 21/10 khi thị trường thế giới đảo chiều và thị trường Việt Nam đã xuống sát đáy cũ, nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền vào mua cổ phiếu tốt vì nghĩ rằng đáy cũ của thị trường sẽ rất vững chắc.
Thêm vào đó là các báo cáo phân tích của nhiều công ty chứng khoán có tên tuổi, cũng như báo giới đều nhận định rằng thị trường sẽ đi lên khi xuống tới đáy cũ hoặc đi ngang. Chính vì vậy, nhà đầu tư trong nước nhiều người không ngần ngại mua vào khi thị trường đã “xuống quá thấp”, và khi “rất nhiều cổ phiếu tốt và rẻ” như hiện nay.
Quả thật thị trường khó lường, ít ai ngờ đáy cũ lại dễ dàng bị phá và mới tuần trước ít ai nghĩ là thị trường vẫn lại đang tiếp tục đà lao dốc như vậy.
Hiện tại các nhà đầu tư đang chia làm hai nhóm. Một nhóm bi quan nghĩ rằng thị trường sẽ còn đi xuống tới các mức thấp hơn và không thể lên trong một sớm một chiều, tốt nhất là rút và “toạ sơn quan hổ đấu”. Nhóm thứ hai là những nhà đầu tư tích cực hơn, nghĩ rằng thị trường đã rất thấp, xuống nữa một số phiên rồi sẽ lại lên lại trong thời gian tới. Những nhà đầu tư này hiện đang mua vào dần dần, không nóng vội và thường đặt mua ở những mức gia rất thấp, và đang phán đoán khi nào là đáy của thị trường.
Không thể nói nhóm nhà đầu tư nào sẽ tốt hơn trong thời gian tới vì thị trường là sự hình thành của các nhóm người tham gia với các kỳ vọng khác nhau.
Nếu nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút trong tuần mới, thị trường sẽ tiếp tục bị áp lực bán đè nặng. Khối ngoại cũng khó có khả năng quay lại thị trường trong thời gian tới khi mà họ bán ròng một lượng lớn trong thời gian qua cũng như họ đã mua ngoại tệ không ít trên thị trường hối đoái.
Các thông tin vĩ mô dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên khó có khả năng đột phá trong các tin tức vĩ mô để có thể đủ mạnh để đẩy thị trường lên. Giá xăng sẽ có thể giảm tiếp nhưng chưa hẳn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư.
Trong tuần vừa qua, rất nhiều báo cáo quý III/2008 đã được đưa ra. Ngoài yếu tố “quá nhiều thông tin”, thì sự “không ấn tượng cho lắm” của các báo cáo các công ty đã không trở thành động lực đủ mạnh đẩy thị trường lên. Rõ ràng, khó khăn kinh tế cũng như chính sách thiết chặt tín dụng 9 tháng đầu năm đã ảnh hưởng thấy rõ trong tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Mây đen khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới vẫn đeo bám, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh, khó có nhiêu cơ hội để thị trường đột biến. Tuần này sẽ là tuần đầy khó khăn của TTCK Việt Nam.
-
Trần Long
Ý kiến bạn đọc: