221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1120215
Xuất khẩu nông sản ứng phó ra sao trước "lốc" tài chính?
1
Article
null
Xuất khẩu nông sản ứng phó ra sao trước 'lốc' tài chính?
,

 - Giá một số loại nông sản xuất khẩu, do nhiều nguyên nhân, đã sụt giảm từ tháng trước, nay rớt thê thảm khi gặp khủng hoảng tài chính. Nhiều chuyên gia nhận định, giá nông sản giảm là bất ngờ nhưng chỉ vào thời điểm này, không đến mức quá nghiêm trọng.

Không hoàn toàn do khủng hoảng tài chính

Rất nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam chịu tác động từ hiệu ứng domino của cơn khủng hoảng tài chính thế giới như cao su, cà phê, điều, hạt tiêu, gạo. Song, sự giảm giá này còn là do nhiều yếu tố khác, như một số sản phẩm chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch (cà phê), hoặc hết hàng do đã cuối vụ (hạt tiêu) hay mức giá giảm đã kéo dài từ trước đó (gạo). 

Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển NNNT (Viện Chính sách và Chiến lược Bộ NN-PTNT) cho rằng, khủng hoảng tài chính tác động trực tiếp đến nhu cầu của người tiêu dùng và giới đầu cơ - vốn thao túng giá trên các thị trường kỳ hạn London, New York. Tác động dây chuyền của nó ảnh hưởng đến tâm lý chung khiến giá nông sản sụt giảm. 

Bên cạnh đó, việc cà phê tại Việt Nam, Brazil vào vụ thu hoạch cũng khiến cho các DN và người trồng chưa thể lạc quan ngay trong những phiên giao dịch tới. 
 

Mô tả ảnh.
Nhiều dự báo cho rằng giá lúa còn giảm trong thời gian tới.

Về lúa gạo, GS. Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, nhận xét, khủng hoảng tài chính không ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu mặt hàng này. Từ tháng 8/2008, các thị trường chủ lực của gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines... đã xoay sang nhập từ nguồn khác do trước đó chúng ta thắt chặt nguồn cung nhằm đảm bảo an ninh lương thực và bản thân họ cũng hạn chế nhập khẩu. Các nước châu Phi thiếu gạo nhưng không có tiền để mua bởi quốc tế cắt giảm tài trợ. 

Do vậy, không khó hiểu khi lượng lúa gạo tồn lại trong dân khó tiêu thụ hơn tháng nay. Thị trường lúa gạo ở ĐBSCL gần như bị tê liệt. Từ tháng 10/2008, các tỉnh phía Nam lại thu hoạch lúa vụ 3, trong khi các công ty không có mối bán hoặc được chào mua với giá rất thấp. 

Trong số những mặt hàng nông sản, giá hạt tiêu, điều cũng giảm nhưng không ảnh hưởng nhiều từ khủng hoảng tài chính. Giá hạt tiêu chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu. Việc giá giảm còn 38.000-40.000 đồng/kg là do giá tiêu đen thế giới sụt giảm và tác động của giới đầu cơ trong nước. Niên vụ tiêu năm nay đã kết thúc nên việc giá giảm cũng không ảnh hưởng nhiều đến người nông dân. 

Đối với hạt điều, tuy giá nhân điều gần đây giảm từ 6.500 xuống 5.400 USD/tấn so với hồi đầu tháng 8/2008 và đây không phải là lương thực chủ lực, song người tiêu dùng (nhất là ở Mỹ), ăn quen từ lâu nên chỉ một thời gian nữa giá sẽ bình ổn trở lại.

Mặt hàng chịu tác động đầu tiên, nặng nề nhất chính là cao su - khi giá liên tục giảm theo chiều thẳng đứng. 60% sản lượng cao su Việt Nam hiện xuất sang Trung Quốc, hơn 15% đi Nhật Bản... Các nước này lại nhập cao su chủ yếu để sản xuất lốp xe bán cho Mỹ, châu Âu nên nhiều chuyên gia lo ngại giá cao su còn xuống nữa.

Ứng phó ra sao?

Trao đổi với báo giới, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược, cho rằng, nhìn chung, giá nông sản rất nhạy cảm. Khi cung thiếu thì giá tăng vọt và cung thừa giá cũng giảm rất nhanh chứ không co giãn như những mặt hàng khác. 

Ông nhận định, biến động giá nông sản hiện nay thực sự bất ngờ nhưng không nghiêm trọng cho tất cả các mặt hàng. Các mặt hàng nông sản tiêu dùng vẫn có cơ hội vì không nhắm tới khách hàng quá giàu và vẫn có những nước sản xuất không đủ, phải nhập để đáp ứng nhu cầu thiết yếu như thuỷ sản, rau quả, gạo... Về cơ bản, giá các mặt hàng nông sản thiết yếu sẽ theo cân đối cung cầu, vượt qua tâm lý nhất thời, và tiếp tục có cơ hội thương mại.

Nhiều chuyên gia dự đoán, giá hạt điều, hạt tiêu sẽ nhanh chóng hồi phục sau khi bước vào niên vụ mới. Mặt hàng cà phê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam Đoàn Triệu Nhạn khuyến cáo, bà con nông dân không nên bán ra dồn dập vì càng bán giá sẽ càng xuống thấp. 

Với mặt hàng thuỷ sản, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận, đúng là xuất khẩu thuỷ sản đang gặp rất nhiều khó khăn, đe dọa tới kim ngạch xuất khẩu năm nay. 

 

TIN LIÊN QUAN
Tuy nhiên, do nhu cầu thực phẩm và giá cá tra xuất khẩu đang xuống mức thấp nhất trong khi khả năng cung ứng dồi dào thì không có lý do gì không bán được. Bản thân con cá này từ 4-5 năm nay đã chuyển sang tiêu thụ tại các thị trường châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông... chứ không phụ thuộc vào 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, EU và Nhật Bản. 

"Vấn đề quan trọng là sản phẩm có khả năng cạnh tranh không, DN có năng lực cạnh tranh không. Bản thân các DN thuỷ sản cũng đã va vấp nhiều, như các vụ kiện chống bán phá giá, quy định ngặt nghèo về chất lượng... nên không quá khó để vượt qua giai đoạn này", ông Dũng cho biết.  

Mặt hàng lúa gạo cũng không quá bi quan khi vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng, DN tạo điều kiện thu mua lúa cho dân. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng chỉ đạo hai Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Lương thực miền Nam đẩy mạnh thu mua lúa gạo để duy trì giá, đảm bảo không để lúa bị tồn đọng, giúp nông dân sớm tiêu thụ được lúa thu đông và không bị lỗ.

Việc mở ra các thị trường mới cũng hỗ trợ các DN tránh phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường truyền thống. Từ đầu năm đến nay, nhiều nước châu Phi (Gambia, Somali, Mozambique...) đã đề nghị được mua gạo Việt Nam với số lượng lớn. Mới đây, Madagascar đã bày tỏ nhu cầu mua 75.000 tấn gạo của Việt Nam. Một số quốc gia khu vực Trung Đông cũng đang chủ động thiết lập quan hệ cung gạo ổn định lâu dài tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.  

Ngoài ra, Bộ Công Thương vừa chính thức đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh, áp dụng thuế suất 0% đối với gạo xuất khẩu (hiện đang đánh thuế với gạo có giá xuất khẩu từ 800 USD/tấn trở lên).

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,