- Tiền trong dân cư còn rất lớn, nếu thị trường (cả trong và ngoài nước) có dấu hiệu phục hồi, lượng tiền đó sẽ đầu tư mạnh vào TTCK. Trong bối cảnh khó khăn tài chính toàn cầu, TTCK Việt Nam nên đặt lòng tin vào các NĐT trong nước. Đây là một trong những nội dung mà TS. Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (NHNN VN) trao đổi với VietNamNet
Sự suy giảm trên TTCK toàn cầu vừa qua có phải thể hiện sự thất vọng của các NĐT với sự chậm trễ “giải cứu” thị trường của Chính phủ các nước không?
- Đúng vậy, việc giải cứu thị trường tài chính cần phải làm thật nhanh, với cường độ đủ mạnh để dập tắt sự khủng hoảng lòng tin của các NĐT.
Sự chậm trễ của Hạ viện Mỹ trước đây và việc triển khai kế hoạch giải cứu của Bộ Tài chính Mỹ hiện nay đã làm thị trường thất vọng. Chỉ sau một vài tuần thị trường tài chính đã mất trên 5.000 tỷ USD và do đó kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD trở nên mong manh. Sự thất vọng này đã khiến thị trường tài chính lún sâu hơn vào khủng hoảng. Mặc dầu NHTƯ nhiều nước đã đối phó bằng cách bơm thêm tiền vào ngân hàng, hạ lãi suất và tuyên bố mạnh mẽ hơn về bảo hiểm tiền gửi.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng Ngân hàng Nhà nước VN. |
Tâm lý NĐT Việt Nam thường rất nặng nề, sợ khi thị trường xuống sâu, họ có thể rút ra khỏi thị trường trong một thời gian dài, còn các NĐT Mỹ?
- Các NĐT quốc tế, đặc biệt là các NĐT Mỹ lại có phản ứng khác. Họ vừa “chạy” khỏi thị trường nhưng luôn “ngoái đầu” nhìn lại, nếu thấy giá chứng khoán (CK) xuống thấp và dấu hiệu phục hồi xuất hiện, họ sẽ quay lại rất nhanh. Sở dĩ như vậy là vì thị trường tài chính Mỹ rất có chiều sâu, trên 60% dân chúng Mỹ kinh doanh CK và họ rất có kinh nghiệm thương trường, nhất là kinh nghiệm sụp đổ.
Điều này giúp chúng ta dự báo rằng nếu có những dấu hiệu khả quan về tiến độ giải ngân 700 tỷ USD của Mỹ và hàng trăm tỷ USD từ Đức, Anh, Nhật… thì thị trường sẽ tăng giá trở lại. Tuy nhiên, vào lúc này chỉ số CK thế giới khó có thể đạt mức trước khủng hoảng.
Diễn biến TTCK Việt Nam có vẻ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến các thị trường chủ chốt trên thế giới, đặc biệt TTCK Mỹ, điều này nói lên mức độ hội nhập sâu của thị trường tài chính Việt Nam với quốc tế hay chỉ là vấn đề tâm lý?
- Không có tâm lý nào không dựa trên những cơ sở thực tế, đó là kỳ vọng của thị trường về mức độ tổn thương của nền kinh tế Việt Nam do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các NĐT đều cho rằng hệ thống tài chính quốc tế phục hồi nhanh thì tổn thất đối với kinh tế Việt Nam sẽ ít hơn và ngược lại.
Ngoài ra luồng cầu CK cũng phụ thuộc vào diễn biến thị trường quốc tế như giá vàng, giá nhiên liệu, lãi suất liên ngân hàng quốc tế (LIBOR). Các NĐT quốc tế và trong nước có thể lựa chọn các cơ hội đầu tư khác, hoặc địa bàn đầu tư khác. Tất nhiên khủng hoảng tài chính thường làm cho giá tài sản giảm mạnh. Vì vậy, đầu tư vào tài sản là một cơ hội lớn mà CK là một tài sản chủ chốt.
Hiện nay, TTCK Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, VN-INdex đã về gần mức đáy lần trước (366 điểm), theo ông cần có chính sách gì hỗ trợ TTCK ?
- TTCK là thị trường đầu tư rủi ro và nguyên tắc tối thượng của nó là công khai, minh bạch, chống gian lận. Trên thế giới, ở một số nước, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương rất ít khi can thiệp vào TTCK cho dù thị trường có sụt giảm, thậm chí sụp đổ vì họ quan niệm đây là hoạt động kinh doanh, đầu cơ rủi ro, ai tham gia thị trường người đó chịu trách nhiệm chứ Nhà nước không dùng tiền thuế của dân để hỗ trợ TTCK.
Ngoài ra một số nước, trong đó có Việt Nam có cho phép cung cấp tín dụng (một cách hạn chế) cho kinh doanh CK. Một số nước có chương trình cho vay chênh lệch lãi suất. Việc cho vay kinh doanh CK được xác định theo chất lượng mã CK và lãi suất tính theo nguyên tắc kỳ hạn càng dài thì LS càng thấp (khuyến khích đầu tư dài dạn và hoạt động mua lại, sáp nhập), kỳ hạn ngắn phải chịu lãi suất cao để tránh các hoạt động đầu cơ rủi ro. NHNN Việt Nam cũng đang quy định hạn mức tín dụng cho vay kinh doanh CK quân bình 20%/vốn điều lệ của một NH.
Theo tôi, đây là hạn mức khá thông thoáng nhằm hỗ trợ TTCK non trẻ mới phát triển. Vấn đề cần chú ý ở đây là NHNN phải giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay CK của các NH nhỏ. Tránh biến tướng các khoản tiền cho vay tiêu dùng, cho vay DNN&V đưa vào kinh doanh CK. Nếu thanh tra, giám sát của NHNN và kiểm toán nội bộ của các NHTM làm tốt, khống chế được tỷ lệ đó thì đây là tỷ lệ cho vay kinh doanh CK chấp nhận được.
Hiện nay nhiều người đang bi quan về dòng tiền vào TTCK, ý kiến của tiến sỹ?
- Đúng là hiện nay các dòng tiền vào TTCK (vốn NH, vốn NĐT nước ngoài, vốn các NĐT mới trong nước) đang bị hạn chế. Theo tôi thì trong thời điểm này các NĐT phải tự xoay xở là chính.
Như tôi đã nói ở trên, từ lâu nay, không phải đến thời gian này một số Chính phủ và Ngân hàng Trung ương trên thế giới không có ý định can thiệp vào TTCK vì họ thấy rằng không có khả năng dùng một nguồn tài chính vô cùng lớn cho TTCK.
Hơn nữa người dân cũng không tán thành để Chính phủ lấy tiền thuế tài trợ cho các hoạt động đầu tư, đầu cơ của các NĐT. TTCK Việt Nam cũng không nên chỉ trông chờ vào các NĐT nước ngoài mà nên trông chờ vào nội lực.
Tổng lượng tiền của dân Việt Nam rất lớn. 9 tháng đầu năm 2008 mặc dù tiền gửi các tổ chức vào NH giảm khá nhiều, nhưng tốc độ tăng tiền gửi tiết kiệm lại rất cao, đến 30% so cuối năm 2007, ngay địa bàn Hà Nội chỉ trong 15 ngày đầu tháng 10 cũng đạt trên 20%.
Người dân hiện chưa thấy có kênh nào đầu tư hấp dẫn nên họ phải gửi vào NH. Nếu TTCK trong nước có dấu hiệu hồi phục cùng sự “ấm” lên của TTCK thế giới thì tôi tin là sẽ có một dòng tiền mạnh từ dân cư “đổ” vào TTCK.
Theo như tôi biết thì hiện đã nhiều người chuẩn bị tiền để sẵn sàng tham gia thị trường khi họ thấy những dấu hiệu khả quan. Vấn đề là Chính phủ phải giám sát chặt chẽ, đảm bảo minh bạch của thị trường để tăng niềm tin cho NĐT.
- Xin cảm ơn ông.
-
Trịnh Ngọc Lan (thực hiện)Ý kiến của bạn?