- Báo cáo của Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 3 quý đầu năm xuất khẩu đã đạt 3,35 tỷ USD, vậy nhiệm vụ của quý IV chỉ còn 850 triệu USD nữa. Xem ra thì có vẻ nhẹ, nhưng theo Hiệp hội Chế biến thủy sản, đây vẫn là một thách thức lớn bởi những yếu tố bất lợi hiện tại.
Xuất khẩu thủy sản đối mặt khó khăn (ảnh: Vĩnh Thuận)
Theo ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch VASEP, hiện nay các ngân hàng Mỹ đang thắt chặt tín dụng, nhà nhập khẩu Mỹ không có vốn để mua hàng, các DN xuất khẩu Việt Nam phải cho nhà nhập khẩu Mỹ nợ tiền hàng, khi bán xong mới có tiền thanh toán.
Tuy nhiên trong nước tình hình tín dụng cũng không mấy sáng sủa. Các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, cũng khó vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, hiện nay lãi suất tín dụng trong nước tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao.
Vừa qua Chính phủ đã cho phép khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nuôi tôm thẻ chân trắng. Loại tôm này có giá cao gấp 3-4 lần tôm sú, từ 150 đến 200 triệu/ha. Năm nay Thái Lan có những bất ổn về chính trị và kinh tế, Trung Quốc bị mất uy tín về vệ sinh an toàn thực phẩm nên Đồng bằng sông Cửu Long càng đổ ra nuôi nhiều.
Nhưng chế biến tôm thẻ chân trắng lại tốn công gấp 5 lần tôm sú, cần một số lượng nhân công rất lớn. Trong khi đó hiện nay nhân lực cho ngành chế biến thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bị thiếu hụt. Một trong những nguyên nhân là các khu vực miền Bắc, miền Trung đã có nhiều khu công nghiệp, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động không vào Nam làm việc nhiều như trước.
Theo lời các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở khu vực này, năm nay lượng nhân công bị hụt giảm đi 40% so với năm ngoái.
Điện cúp liên miên đã khiến nhiều hợp đồng phải bị hủy, DN phải bồi thường cho khách hàng, và không dám ký các đơn hàng mới.
Giá vận tải đường biển so với thời điểm ký hợp đồng xuất khẩu đầu năm đã tăng lên tới 40%. Nhưng giá hàng hóa xuất khẩu không tăng, thậm chí có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Hai thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ và châu Âu. Kinh tế Mỹ đang khó khăn, kéo theo thị trường châu Âu khó theo càng làm bất lợi cho DN xuất khẩu Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ rút vốn đầu tư ở châu Âu, khiến đồng Euro, đồng bảng Anh có khả năng mất giá, nhà nhập khẩu châu Âu bị lỗ. Vì vậy việc xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu dần thêm khó.
-
Đặng Vỹ