221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1119705
Ngân hàng làm gì với hàng tỷ USD rút về nước?
1
Article
null
Ngân hàng làm gì với hàng tỷ USD rút về nước?
,

 - Khủng hoảng tài chính lan rộng, các ngân hàng Việt Nam đã nhất loạt rút tiền gửi nước ngoài về. Tuy nhiên, khi hàng tỷ USD gửi ở nước ngoài rút về sẽ đặt ra nhiều vấn đề, các ngân hàng trong nước sẽ xử lý thế nào với nguồn vốn hàng tỷ USD này nếu không muốn xảy ra những tác động xấu về thanh toán, tỷ giá, nguồn vốn và lợi nhuận.

Phòng thủ để giữ an toàn

Theo ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, hệ thống ngân hàng Việt Nam chủ yếu quan hệ với các ngân hàng Mỹ và quốc tế trên 3 lĩnh vực: quan hệ tiền gửi; kinh doanh ngoại tệ, thanh toán xuất nhập khẩu.

Tất cả những mối quan hệ này đều sẽ bị ảnh hưởng nên các ngân hàng nói chung đều có sự chuẩn bị và dự kiến những kịch bản khác nhau. Chủ yếu, đối với tiền gửi, nếu chỗ nào không an toàn phải rút về ngay; đối với tài trợ xuất nhập khẩu phải xác định danh mục đối tác để ứng xử trên nguyên tắc đảm bảo an toàn…

Khủng hoảng kinh tế lan rộng, các ngân hàng lo phòng an toàn. Ảnh minh họa: ngân hàng Bank of England (AP) 

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết, các ngân hàng Việt Nam phải đánh giá lại các ngân hàng thương mại mình có quan hệ, từ đó xem ngân hàng nào an toàn để tập trung tiền. Như Vietcombank mở tài khoản giao dịch tại nhiều ngân hàng trên thế giới để phục vụ thanh toán. Do tình hình bắt buộc, Vietcombank đã phải đóng bớt tài khoản tại một số ngân hàng nhỏ, để tập trung vào các ngân hàng lớn. Những ngân hàng lớn đó có tầm quan trọng trong hệ thống tài chính ngân hàng nên chắc chắn Chính phủ nước đó cũng không để đổ vỡ. Bên cạnh đó, thời gian qua một số ngân hàng cũng đã tìm cách tập trung tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước mình, điều bớt tiền từ các ngân hàng thương mại nước ngoài về để tạo sự an toàn.

Ông Thanh cũng cho biết, Vietcombank chỉ rút khoảng 40% tiền gửi ở nước ngoài về và hiện vẫn gửi ở Ngân hàng Nhà nước, số còn lại gửi các định chế lớn, đảm bảo an toàn và phục vụ tốt cho mục đích dự trữ thanh khoản và thanh toán xuất nhập khẩu.

Theo các chuyên gia ngân hàng, hành động của các ngân hàng Việt Nam thời gian qua là cần thiết nhưng chủ yếu vẫn mang tính phòng thủ, lo xa đảm bảo tính an toàn. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi vì khi khủng hoảng thì "không biết như thế nào". Đặc biệt khi các ngân hàng đầu tư bị đổ vỡ, trong đó có các mối quan hệ liên quan với các ngân hàng thương mại, mình không hiểu hết được mối quan hệ đó, nên cũng phải đề phòng sự liên lụy.

Nền kinh tế Việt Nam tuy đã là một nền kinh tế mở nhưng mới  mở cửa về hàng hóa, thương mại là chính. Còn về thị trường tài chính tiền tệ vẫn còn hạn chế. Vấn đề vốn, tài khoản vốn thì ở Việt Nam có dòng tiền vào, chưa có dòng tiền ra. Về cơ bản có thể ảnh hưởng ở mức đầu tư nước ngoài sẽ giảm chứ không có chuyện mất tiền, vì ngân hàng Việt Nam hầu như chưa đầu tư tiền ra ngoài.

Hơn nữa, các ngân hàng Việt Nam chưa mua cổ phiếu của nước ngoài. Giao dịch của các ngân hàng trong nước với nước ngoài chủ yếu là với các ngân hàng thương mại chứ không phải ngân hàng đầu tư. Mà ở nước ngoài khủng hoảng tập trung ở các ngân hàng đầu tư nên không có ảnh hưởng trực tiếp.

Ông Nguyễn Phước Thanh khẳng định, Vietcombank không hề dính đến các cổ phiếu liên quan đến cho vay bất động sản dưới chuẩn. Mà khi ngân hàng như Vietcombank chưa làm thì có thể các ngân hàng khác cũng chưa thể làm. Vietcombank cũng như các ngân hàng khác, nếu có mua cổ phiếu nước ngoài thì cũng chỉ một số giấy tờ có giá giống như trái phiếu kho bạc của Việt Nam, có tính an toàn cao.

"Ngân hàng rút tiền về là có, nhưng mất thì không vì không tham gia đầu tư vào các ngân hàng nước ngoài hiện đang bị phá sản. Mình phải rút về vì phải dự phòng an toàn và trong vòng một tuần, Vietcombank có thể rút về cả tỷ USD. Điều này cũng cho thấy việc gửi tiền là an toàn, thanh khoản tốt. Người dân nên hiểu điều đó và đừng để thông tin không chính xác ảnh hưởng lòng tin, ảnh hưởng hệ thống ngân hàng", ông Thanh nói.

Tiền vẫn phải lưu thông

Việc gửi tiền nước ngoài của các ngân hàng trong nước là một nghiệp vụ thông thường nhằm đảm bảo thanh khoản và đây cũng xem như là phần thể hiện năng lực, uy tín trong thanh toán quốc tế. Cụ thể, khi huy động vốn trong nước, các ngân hàng chỉ cho vay một phần nhất định, còn phần giữ lại để đảm bảo thanh khoản có thể gửi Ngân hàng Nhà nước hay gửi nước ngoài, thường phần này được đưa gửi ở nước ngoài để sinh lợi cao hơn.

Đồng thời, khoản tiền gửi nước ngoài này như là phần làm tin với các đối tác quốc tế khi thực hiện thanh toán xuất nhập khẩu. Nói đơn giản là các ngân hàng Việt Nam phải gửi tiền ở nước ngoài thì đối tác mới yên tâm giao dịch với mình.

Nguồn vốn USD để nước ngoài không chỉ vì lợi nhuận mà còn để đảm bảo thanh toán và thực hiện các cam kết quốc tế. (Ảnh: VNN)

Tuy nhiên, khi rút hàng tỷ USD từ nước ngoài về gửi vào Ngân hàng Nhà nước thì vấn đề đặt ra là: các ngân hàng sẽ bị thiệt hại thế nào khi lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thấp hơn, việc thanh toán và nghiệp vụ thanh toán của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi số tài khoản bị đóng bớt và tiền rút về. Đó là chưa kể đến, việc để trong nước khoản vốn lớn có thể khiến nguồn cung vốn tăng, lãi suất giảm, người dân lại rút tiền ra gây bất lợi khác cho ngân hàng.

Về điều này, ông Thanh cho rằng, việc rút tiền về tất nhiên sẽ làm cho hiệu quả sử dụng vốn giảm bớt. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta phải cân nhắc việc có lợi ít nhưng để an toàn cho tất cả, còn hơn ham lợi hơn một chút để rồi mất mát lớn. Tuy nhiên, thiệt hại này là không đáng kể vì đa số tiền gửi của các ngân hàng Việt Nam trong đó có Vietcombank đều tập trung vào những ngân hàng lớn, có uy tín. Đề cao tính an toàn nên lãi suất vốn không phải là ưu tiên số một. 

Còn về vấn đề thanh toán, việc đóng bớt tài khoản và rút một khoản tiền lớn về có thể gây ra ảnh hưởng nhất định. Đây cũng là chuyện bình thường và phải chấp nhận trong tình hình hiện nay. Ngân hàng và các đối tác sẽ có biện pháp hỗ trợ thanh toán xuất nhập khẩu khác để DN không bị ảnh hưởng. Cho đến thời điểm này, thị phần thanh toán xuất nhập khẩu của VCB vẫn hơn 20%, không giảm so với trước đây cho thấy ảnh hưởng đã được hạn chế tối đa.

Tuy nhiên, ông Thanh tiết lộ, sắp tới, khi tình hình ổn định trở lại, Vietcombank sẽ tính toán việc ngừng rút tiền gửi ở nước ngoài về, và có thể tiếp tục tập trung gửi ở các ngân hàng lớn. 

Theo ông Thanh, đến thời điểm này, có thể khẳng định, việc xảy ra đổ vỡ hệ thống đối với các ngân hàng là gần như không còn vì các nước đã hành động và hợp lực với nhau để hành động chống khủng hoảng. Hàng trăm tỷ USD đã được cung ra và cam kết cung ra để đảm bảo an toàn hệ thống. Vì thế, dù còn khó khăn nhưng cũng đã đến lúc tính đến hiệu quả giữa gửi nước ngoài và trong nước. Tất nhiên, yếu tố an toàn vẫn là số một và chúng ta chỉ chọn gửi ở các ngân hàng lớn, an toàn nhất.

"Đây thực sự là một câu chuyện đầy nhạy cảm trong kinh doanh của thời điểm này. Tuy nhiên, trong kinh doanh ngân hàng, nhất là khi giữ ngoại tệ tương đối lớn bắt buộc phải tính toán hiệu quả giữa gửi nước ngoài lãi suất thu được và chi phí phải bỏ trong nước. Nếu giờ anh hạ thấp lãi suất trong nước nữa, người dân lại lấy tiền ra thì không khéo mình lại khó khăn thêm", ông Thanh nhấn mạnh.

Theo nhận định, do tác động khủng hoảng và những bất lợi kinh tế trong nước, lợi nhuận của nhiều ngân hàng có thể giảm và có thể lỗ ở một số ngân hàng nhỏ. Nợ xấu tất nhiên sẽ tăng, đây là vấn đề các ngân hàng phải đối mặt, tất nhiên  3–4 tháng nữa mới thấy rõ.

Báo cáo mới nhất về kết quả kinh doanh của một số ngân hàng lớn cho thấy, Vietcombank trong 10 tháng đã đạt đích lợi nhuận cả năm, có đủ điều kiện để trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN. Nợ quá hạn được khống chế ở mức dưới 2%. Tổng tài sản Vietcombank là 200.000 tỷ đồng, mới cho vay 108.000 tỷ đồng, còn 90.000 tỷ đồng. Vấn đề thanh khoản là không lo.

Ngân hàng BIDV trong 9 tháng đã hoàn thành trên 70% kế hoạch cả năm, đặc biệt chỉ tiêu hiệu quả như chênh lệch thu chi, trích dự phòng rủi ro. Thu dịch vụ ròng tăng trưởng mạnh so cùng kỳ năm trước và hoàn thành trên 85% kế hoạch cả năm. Tổng tài sản đạt 232.099 tỷ, tăng 13,5% so đầu năm và tăng 15,1% cùng kỳ năm trước, bằng tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng đạt 137.204 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu 3,87% tăng 1,26% so đầu năm (2,75%).

  • Phước Hà

    Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,