- Mây đen vẫn lơ lửng trên đầu thị trường đó là hiện tượng bán ròng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Cùng với xu thế thoái vốn chung trên thế giới, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đắn đo và cân nhắc giảm thiểu rủi ro tại thị trường chứng khoán Việt Nam, thông qua việc thu hẹp tỷ lệ giá trị cổ phiếu trong danh mục đầu tư.
Kết thúc tuần, VN-Index đóng cửa tại mức 382,51 điểm, tăng 3,45 điểm (tương đương 0,91%) so với phiên đóng cửa cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường tuần này đạt 70,1 triệu, giá trị tương ứng đạt 2.122 tỷ đồng. So với tuần trước, giá trị giao dịch tuần này giảm 7,74% trong khi KLGD giảm 8,37%.
Tương tự, kết thúc tuần HASTC-Index đạt mức 125,32 điểm, tăng 5,45 điểm, tương đương tăng 4,55% so với phiên cuối tuần trước. KLGD cả tuần đạt 36,9 triệu đơn vị, giảm 20,48% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 1.062,82 tỷ đồng, giảm 22,26%.
Ngày VNIndex +/- (%) KLGD GTGD (tỷ) 13/10 371,67 -1,95 12.931.350 373 14/10 389,33 4,75 8.276.890 277 15/10 397,15 2,01 24.780.850 752 16/10 384,61 -3,16 12.735.350 370 17/10 382,51 -0,55 11.425.170 351 Tổng +3,45 +0,91 70.149.610 2.122
Có thể nói tuần qua thị trường chứng khoán Việt nam rất biến động, phụ thuộc rất nhiều vào biến động lên xuống của thị trường chứng khoán thế giới. Khi thị trường thế giới tăng trưởng do hy vọng về kết quả khả quan của các nỗ lực tập thể của các Chính phủ trong việc ngăn chặn khủng hoảng tín dụng và chứng khoán, thì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng (phiên thứ 3). Và khi thị trường thế giới bao trùm bởi những lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ vẫn tiếp diễn thì thị trường Việt Nam cũng phản ứng giảm theo (các phiên thứ 4 và thứ 5).
Rõ ràng sự phụ thuộc tâm lý của nhà đầu tư trong nước vào tình hình chứng khoán thế giới ngày càng chặt chẽ. Nhất là trong giai đoạn nhà đầu tư thiếu thông tin về tình hình kinh doanh và triển vọng xuất khẩu của các doanh nghiệp như hiện nay.
Trong tuần, đã có một số công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính quý III (9 tháng đầu năm). Các công ty báo cáo sớm này có kết quả kinh doanh khá tốt. Tuy nhiên tính tới hiện tại mới chỉ có gần 30 công ty đưa ra kết quả báo cáo quý, nên chưa có thể có nhận định chung về tình hình tổng thể. Có thể thấy rằng các công ty lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, với các ngành nghề kinh doanh đang tăng trưởng mạnh sẽ tiếp tục có kết quả kinh doanh khả quan, cho dù trong thời gian qua tình hình kinh tế vĩ mô trong nước cũng như thế giới có nhiều khó khăn.
Chỉ số VN Index ngày 18/10/2008. |
Tuần mới: Tuần báo cáo quý
Các yếu tố sẽ tác động tới chứng khoán tuần mới sẽ tương đối phức tạp. Trước hết, như vẫn thường thấy, thị trường chứng khoán thế giới nếu biến động mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam, ở cả hai chiều tăng và giảm. Đây sẽ là yếu tố nằm ngoài khả năng dự báo của nhà đầu tư. Chỉ biết rằng nền kinh tế thế giới bắt đầu “thấm đòn”, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đáng kể, kéo theo nhu cầu hàng hóa sẽ giảm theo. Ngay cả Chính phủ cũng phải theo dõi rất sát sao sự biến động của nền kinh tế thế giới, nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó trong trường hợp có khủng hoảng đổ vỡ hàng loạt.
Cuối tuần mới là hạn định ra để các công ty niêm yết công bố báo cáo quý III. Mỗi lần vào “mùa báo cáo”, nhà đầu tư lại bội thực thông tin. Nhưng rõ ràng thông tin xấu thì sẽ bị phản ứng tức thì, nhà đầu tư sẽ lập tức xa rời các công ty có KQKD không khả quan. Sẽ có sự phân hóa mạnh giữa cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt và xấu.
Thông thường, mùa báo cáo thường là thời gian tăng trưởng của TTCK Việt Nam, khi các tin tốt được đưa ra dồn dập, với các báo cáo (có thể được chỉnh sửa) “rất đẹp” của các công ty niêm yết. Tuy nhiên, trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, chúng ta chỉ hy vọng chứ không chắc chắn rằng lịch sử sẽ lặp lại.
Các chuyên gia nói không có hiện tượng rút vốn khỏi thị trường, mà thay vào đó là “cơ cấu lại danh mục”. Với việc bán ròng rất nhiều các cổ phiếu tốt (các công ty làm ăn tốt trong thời gian qua), có thể dự đoán đây là chính sách giảm thiểu rủi ro của nhà đầu tư ngoại. Một tin tốt lành là giá dầu đang giảm mạnh, có lúc xuống dưới 70 USD/thùng, và khó có thể lên lại mức cao trong thời gian tới. Điều này có nghĩa là giá xăng dầu trong nước sẽ được kéo xuống, nguyên vật liệu nhập khẩu giảm theo. Chi phí của các doanh nghiệp sẽ giảm. Tuy nhiên, khi thị trường ngoài nước giảm sức cầu, tăng cạnh tranh, đồng nghĩa với việc doanh thu và giá cả xuất khẩu sẽ giảm sút. Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không được lợi nhiều khi giá dầu xuống. Những ngành được lợi trong đợt giảm này là những ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước. Các phân tích kỹ thuật hiện cho thấy sự do dự của các nhà đầu tư. Các giá trị MFI, Momentum hay RSI thấp đều cho thấy dòng tiền đổ vào thị trường không mạnh để có thể tạo ra xu hướng ổn định đi lên. Vốn đầu tư hiện tại mang tính ngắn hạn hơn là dài hạn, đầu cơ hơn là đầu tư, nên chuyện vào và ra thị trường của nhà đầu tư sẽ diễn ra nhanh chóng và liên tục, cho thấy thị trường đi ngang hơn là tăng trưởng lên bền vững. Dựa vào các yếu tố kỹ thuật, các yếu tố có thể ảnh hưởng tới thị trường cũng như nhận định về tâm lý nhà đầu tư hiện tại, dự đoán thị trường tuần tới sẽ có sự phân hóa cổ phiếu và sẽ tăng nhẹ.
Mây đen vẫn lơ lửng trên đầu thị trường với hiện tượng bán ròng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Ảnh: Lê Anh Dũng.