Giá cao su đã xuống thấp hơn giá thành? (ảnh: Cao su Phú Riềng) |
Giá mủ tụt không phanh
Hiện nay, theo định mức của ngành cao su thì giá thành khai thác và chế biến mủ cao su bình quân từ 28-30 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, tại thị trường Móng Cái thì giá bán lại đang “rơi” tự do trong vòng một tháng qua, tính đến ngày 14/10 chỉ còn 27 triệu đồng nhưng cũng không có người mua. Trước đó, do giá thấp nên hàng loạt công ty cao su trong thế "chẳng đặng đừng" phải găm hàng với hy vọng giá mủ lên(!). Chẳng bù vào thời điểm tháng 10 năm ngoái, khách hàng cần mua mủ ở các công ty gần như phải đứng “sắp hàng” vì mủ khan hiếm đến sạch kho.
Các công ty cao su “nhỏ lẻ” như Bình Thuận, Kon Tum... đang tồn kho từ 400-500 tấn. Còn các công ty cao su lớn như Đồng Nai, Phú Riềng, Dầu Tiếng... tồn từ 1.000-2.000 tấn trở lên. Rõ ràng trong lúc này các công ty cao su sẽ không dại gì bán ra bởi giá thành sản xuất đã cao hơn giá bán.
Ông Bùi Ngọc Quan, Giám đốc Công ty cao su Bình thuận cho biết, 3 năm qua cứ vào thời điểm này là “vét kho mà bán”. Thế mà nay, do không tiêu thụ được mủ vì cứ “ngóng giá” nên công ty phải vay tạm ngân hàng mấy tỷ đồng để trả lương cho 1.200 công nhân.Lý do chính, đó là cao su xuất khẩu đi Trung Quốc đang bị “dội chợ”, trong khi đây là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của chúng ta, chiếm khoảng 60%-65% khối lượng.
Giá mủ tụt giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiền lương của 100.000 công nhân thuộc ngành cao su, bởi lẽ mấy năm qua do giá mủ “chỉ có tăng” theo đường mũi tên nên ngành cao su đã đưa đơn giá tiền lương vào khoán doanh thu theo định mức 39-40% doanh thu. Với giá bán lúc đó từ 37-40 triệu đồng/tấn, chi phí tiền lương đã lên đến trên 16 triệu đồng/tấn.
Nay với giá mủ cao su đi xuống và theo như cách khoán doanh thu nói trên, tiền lương công nhân buộc phải hạ theo ở mức chưa đến 10 triệu đồng/tấn. “Theo đà này, chắc chắn lương công nhân sẽ phải sụt giảm nghiêm trọng, nhưng giảm ở mức nào thì chúng tôi đang còn phải tính!”- Giám đốc Công ty Cao su Kon Tum, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Giá mủ giảm còn khiến cho hàng loạt nhà máy chế biến mủ cao su tư nhân thu mua mủ tiểu điền và cả nhà kinh doanh mua-bán mủ như đang ngồi trên “chảo”, bởi tình trạng này còn kéo dài thì sắp tới chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp tư nhân buộc phải phá sản.
Chị T, một thương buôn chuyên mua bán mủ, đợt giữa tháng 9 vừa qua, chị mua 100 tấn mủ từ một công ty cao su với giá 50 triệu/tấn đế bán cho Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Nhưng khi vừa chở ra đến nơi thì giá tụt, buộc chị phải “neo hàng” lại, cho đến nay cứ mỗi tấn chị lỗ bét nhất là 20 triệu đồng!
Một cảnh tập kết hàng xuất khẩu tiểu ngạch. (ảnh: Photobucket)
Theo bà Trần Thị Thuý Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su VN, giá cao su thường tăng theo tỷ lệ thuận với giá dầu thế giới. Từ thời điểm giá dầu thế giới cao nhất là trên 140 USD/ thùng, nay dao động chỉ còn 65- 80 USD nên cao su tổng hợp được thế giới bắt đầu ưa chuộng trở lại do giá rẻ.
Không đáng phải lo?
Theo ông Lê Quang Thung, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN, chúng ta đã chấp nhận hội nhập kinh tế thị trường thì chắc chắn không thể tách rời ảnh hưởng chung của sự suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ông lại nhận định khá lạc quan về tình hình của ngành cao su Việt Nam.
Ông Thung lý giải: “Tôi cho rằng, ngay cả khi giá xuất khẩu xuống thấp hơn nữa thì người làm và trồng cao su vẫn được một mùa rất thành công. Năm 2008, tổng sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN sẽ đạt 320 ngàn tấn, giá kế hoạch dự trù trung bình đưa ra là 36 triệu đồng/tấn nhưng do giá đầu năm tăng rất cao nên vẫn bù được khoản chênh lệch xuống thấp hiện nay và chắc chắn sẽ đạt 40 triệu đồng/tấn (vượt kế hoạch đề ra 4 triệu đồng/tấn). Vì vậy, tỉ suất lợi nhuận của chúng tôi năm nay vẫn đạt trên 30%. Ngoài ra, toàn ngành hiện cũng đã XK được 70% lượng hàng (khoảng 500 ngàn tấn), thu về 1,25 tỷ USD gần bằng kim ngạch của cả năm 2007 (1,4 tỷ USD) vì thế mà không đáng lo ngại. Cũng xin nói rằng, đã có lúc giá cao su lên đến gần 60 triệu đồng/tấn, nhưng đây là giá đầu cơ, không có thật, nó gây thiệt hại cho các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng!”.
Ông Lê Quang Thung.
Cũng theo ông Thung, chúng ta xuất khẩu tập trung vào một thị trường lớn là Trung Quốc, nhưng chủ yếu bán cho các khách hàng có hợp đồng dài hạn, vì vậy có thể yên tâm. Riêng với các nhà sản xuất, nên có phương châm sản xuất tới đâu bán tới đó, chỉ giữ lại một số lượng nhất định đến năm 2009 để gối đầu cho khách hàng.
“Riêng cá nhân tôi vẫn rất tự tin vào sự thay đổi sớm của thị trường, bởi lẽ, nếu năm 1930 thế giới từng xảy ra cuộc khủng thừa, phải đổ hàng hóa xuống biển, nhưng bây giờ thì rất nhiều nước đều có động thái bơm tiền cứu nguy. Các nước như Mỹ chi 700 tỷ USD và gần đây nhất là Đức chi 500 tỷ Euro, lập tức thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu sáng sủa hơn”- Ông Thung khẳng định.
Nhưng dẫu sao đây cũng là “cơ hội” để ngành cao su sắp tới cần phải điều chỉnh giảm giá thành sản xuất, xem xét lại các định mức kinh tế kỹ thụât, đầu tư phân bón một cách hợp lý hơn. Biện pháp căn bản hơn là đẩy nhanh việc phát triển nền công nghiệp cao su trong nước, nhằm góp phần chủ động việc tiêu thụ cao su thiên nhiên, tránh bị lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước ngoài như hiện nay.
- Đỗ Quyên