- Ngày 17/10, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono lên tiếng ủng hộ một kế hoạch mới về lập quỹ dự phòng cho ASEAN, mặc dù vẫn còn những thông tin trái ngược nhau về ai sẽ bỏ tiền thành lập một quỹ như vậy.
Kế hoạch này có tên ban đầu là Sáng kiến Chiang Mai (CMI) nhằm giải quyết những khó khăn về thanh khoản cho các thành viên trong khu vực, trước bối cảnh cơn bão tài chính toàn cầu.
(Ảnh: ASEAN Secretariat)
Báo Jakarta Post trích lời Tổng thống Susilo kêu gọi các nước trong khu vực “cùng nhau đóng góp vào quỹ để hỗ trợ các nước gặp khó khăn tài chính.”
Ngày thứ Tư vừa qua, Tổng thống Philippines, bà Gloria Arroyo tuyên bố Ngân hàng Thế giới đã cam kết chi 10 tỉ USD để thành lập quỹ của ASEAN, để có thể mua lại các “tài sản xấu” của các tổ chức tài chính, đồng thời cung cấp vốn cho các tổ chức này.
Tuy nhiên, ngay sau đó WB đã thông báo “không tham gia” vào quỹ cứu trợ khẩn cấp như vậy.
Ông Susilo cho biết Indonesia đã đề xuất lãnh đạo các nước trong ASEAN có cuộc họp trong dịp hội nghị thượng đỉnh Âu – Á (ASEM) tại Bắc Kinh vào tuần tới để thảo luận việc hợp tác trong khu vực đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Phát biểu trên báo Bangkok Post, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan bổ sung thêm là một quỹ tài chính ASEAN phải nhắm vào mục tiêu dài hạn, hơn là chỉ nhằm giải cứu khẩn cấp. Ông cũng đề nghị một cuộc họp của lãnh đạo các nước ASEAN nhân dịp dự Hội nghị ASEM tại Bắc Kinh tuần tới, cũng như tại hội nghị các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 tại Tokyo vào tháng tới, nhằm tranh thủ sự tham gia của Trung Quốc, Nhật, và Hàn Quốc vào một quỹ như vậy.
Năm 1997, Thái Lan là nước đầu tiên châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bùng nổ. Tuy nhiên, Indonesia mới là nước bị thiệt hại nặng nhất: là nước duy nhất xảy ra bạo loạn qui mô lớn, và cũng là nước duy nhất phải thay đổi Chính phủ do ảnh hưởng của khủng hoảng.
-
Bùi Văn (theo Xinhua, Jakarta Post, Bangkok Post)