- Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đều nhận định, năm 2009 xuất khẩu sẽ rất khó khăn, cạnh tranh sẽ càng khốc liệt...
Sáng 15/10, Bộ Công thương đã tổ chức giao ban xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm tại TP.HCM. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cả nước 9 tháng đầu năm đạt 48,56 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007, các DN, hiệp hội ngành nghề vẫn lo lắng rằng để đạt mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD năm 2008 là rất khó, và năm 2009 tình hình càng khó khăn hơn.
Doanh nghiệp lo ngại năm 2009, sản xuất và xuất khẩu khó bề tăng trưởng. Ảnh: Đặng Vỹ |
Không tăng hơn 2008!
Bản thân ông Nguyễn Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương, cũng cho rằng xuất khẩu vào Mỹ năm 2009 sẽ rất khó khăn, cạnh tranh sẽ càng khốc liệt. Theo ông Dũng, những tháng tới đây và năm 2009, giá hàng hóa sẽ giảm, trong khi giá nguyên liệu sản xuất không giảm.
9 tháng, ngành dệt may xuất khẩu 6,8 tỷ USD. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Chủ tịch HĐQT Công ty may Sài Gòn 3, ông Phạm Xuân Hồng, cho rằng phải rất nỗ lực mới đạt được mục tiêu 9,5 tỷ USD năm 2008.
Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam cũng cho biết, 9 tháng ngành gỗ xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, mục tiêu 3 tỷ năm 2008 có khả năng đạt được, nhưng dự kiến năm 2009 cũng chỉ đạt 3 tỷ.
Ngành thủy sản xuất khẩu 3,335 tỷ USD, tăng 23,7%. Dự báo chỉ tiêu cả năm 4,2 tỷ có thể đạt được, song mục tiêu 5,3 tỷ USD của năm 2009 là khó đạt.
Hầu hết đều cho rằng phải rất nỗ lực mới đạt được mục tiêu xuất khẩu 2008. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu phải đạt 16,44 tỷ USD, bình quân 5,44 tỷ. Trong tình hình kinh tế thế giới ngày càng xấu đi và trong nước vẫn chưa hết khó khăn, con số này sẽ trở thành thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam.
“Đạt được như 2008 đã là tốt”, đại diện Hiệp hội Chế biến thủy sản nói.
“Kết quả không phấn khởi như 2008, năm 2009 sẽ càng khó khăn”, ông Hồng nhận định.
Khó khăn bộn bề
Khủng hoảng tài chính xuất phát từ Hoa Kỳ dẫn đến toàn cầu là yếu tố các doanh nghiệp cho là nguyên nhân quan trọng đưa đến khó khăn cho xuất khẩu.
Hiệp hội Chế biến thủy sản cho biết, Mỹ đang thắt chặt tín dụng nên nhà nhập khẩu phải bán xong mới trả tiền cho DN Việt Nam. Vì vậy DN Việt Nam không có vốn để tiếp tục sản xuất.
Không chỉ Hoa Kỳ, các thị trường xuất khẩu khác như Nhật, EU, ASEAN, châu Phi… cũng đều bị thu hẹp. Ngoài việc giảm đơn hàng, giá bán hàng bán cũng bị giảm.
Điều này khó khăn cho DN xuất khẩu, vì giá thành sản phẩm không giảm do giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, vận tải, chi phí cho nhân công… vẫn không giảm hơn trước.
Chẳng hạn ngành chế biến gỗ, 80% nguyên liệu phải nhập từ Indonesia, Malaysia, Brazil… Trong khi đó, cước vận chuyển hàng hóa tăng đến 40%.
Theo đại diện Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam, hiện có nguy cơ 20% DN trong lĩnh vực này bị phá sản, 30% khó khăn, chỉ khoảng 50% trụ được.
Hoặc như dệt may, ông Hồng cho biết người Mỹ cũng đã phải tiết kiệm, chỉ sử dụng hàng trung bình, không dùng hàng đắt tiền như trước.
Trong nước, những khó khăn nội tại cũng góp phần làm nên khó khăn cho xuất khẩu. Tình trạng thiếu nhân công, cúp điện, ách tắc cảng, thủ tục còn nhiêu khê… vẫn xảy ra thường xuyên.
Xăng dầu thế giới đã giảm nhưng trong nước không giảm, giá vận chuyển vẫn còn cao, là những ngáng trở lớn.
Và khó khăn tín dụng, lãi suất còn cao, vẫn là những vấn đề chưa gỡ được.
Tín hiệu lạc quan
Ông Lê Đắc Sơn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIBank), cho rằng có một cơ hội lớn là mặc dù kinh tế thế giới khủng hoảng, nhưng thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang bị mất uy tín, đó là thời cơ cho xuất khẩu VN.
Tuy nhiên, các DN cho rằng trước mắt phải giải quyết được các khó khăn trong nước.
Hiệp hội Gỗ - Lâm sản cho rằng, muốn đạt được mục tiêu xuất khẩu 2008, trước hết DN phải được tiếp cận với nguồn vốn, với lãi suất thấp hơn.
Theo ngành dệt may, lợi nhuận đạt được 10% đã là cao, trong khi lãi suất ngân hàng hiện vẫn 18 - 20%, vẫn còn quá sức của DN.
Theo Vụ phó Vụ Quản lý ngoại hối, một tín hiệu tốt cho DN là mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị 05, trong đó yêu cầu kiểm soát tín dụng BĐS, đồng thời tích cực tăng tín dụng cho sản xuất, nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu.
Ông cho rằng tính thanh khoản của ngân hàng nay đã tốt, tiền gửi tiết kiệm tăng đáng kể, điều kiện hỗ trợ DN đã tốt hơn trước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước xây dựng tỷ giá với chủ trương chấp nhận mất giá một chút để hỗ trợ xuất khẩu.
Theo Tổng giám đốc VIBank, ngoại tệ biến động phức tạp, lãi suất ngoại tệ và USD có xu hướng sẽ tăng, vốn ngoại tệ bị ảnh hưởng, khả năng tiếp cận của DN sẽ khó khăn. Tuy nhiên, lãi suất đồng nội tệ khá bình ổn, là điều kiện thuận lợi để hỗ trợ DN.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng hoan nghênh các ngân hàng như Á châu (ACB), Xuất nhập khẩu (EXB) thời gian qua đã cho vay đồng tiền nội tệ với lãi suất USD, đã giúp DN giảm được nhiều về gánh nặng lãi suất.
-
Đặng VỹThư phản hồi: