- Trước sự chứng kiến của lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), các Sở NN-PTNT Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... và cơ quan thông tin đại chúng, một số DN, cơ sở chế biến sữa lớn phía Bắc như Vinamilk, Hanoimilk, Sữa Quốc tế, Anco, Mộc Châu ... sáng 9/10 đồng loạt cam kết sẽ tiêu thụ hết sữa nguyên liệu cho nông dân.
Hiện cả nước có trên 110.000 con bò sữa (Ảnh: ngheanpost)
Mua hết, kể cả khi lượng sữa tăng bất thường
Sự việc người chăn nuôi ở các huyện Ba Vì, Gia Lâm (Hà Nội) những ngày qua không bán được sữa, phải đổ đi, tưới cây, thậm chí là để... tắm, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho rằng, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, chứ không chỉ riêng cơn "bão" melamine càn quét.
Theo ông Giao, đúng là melamine gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, DN không bán được sản phẩm nên hạn chế mua của nguyên liệu của dân. Bên cạnh đó, lỗi cũng ở chính bà con khi chưa thực sự gắn bó với các nhà máy.
Sữa ở Phù Đổng (Gia Lâm) phần lớn “đi” theo đường tiêu thụ nhỏ lẻ, qua các cửa hàng mà không ký trực tiếp với DN, cơ sở thu mua. Ngay tại Hà Tây (cũ), 30% lượng sữa tiêu thụ ngoài hợp đồng. Xã Tản Lĩnh - Ba Vì, địa phương nuôi nhiều bò nhất, cũng có tới 61 hộ chỉ bán trôi nổi ra bên ngoài cho một số cơ quan, đơn vị.
Khi sự cố melamine xảy ra, sữa và các sản phẩm từ sữa lập tức bị ảnh hưởng, không tiêu thụ được. Lượng sữa tươi dồn ứ lại được bà con dồn dập chuyển bán cho các nhà máy. Sự tồn đọng bất bình thường này khiến các đại lý nghi ngờ về chất lượng. Các hộ dân thì chạy đôn chạy đáo tìm nơi để bán, trong khi DN không thể thu mua do đây là sữa "ngoài luồng".
Hơn nữa, thời điểm này rơi đúng vào chu kỳ sinh học của bò sữa (giai đoạn sinh sản), khiến sản lượng tăng cao hơn giai đoạn trước.
Phó Tổng Giám đốc Công ty sữa Quốc tế (IDP) Phan Sỹ Minh nhận xét, sau khi có thông tin về melamine, lượng sữa ở tất các địa điểm mua tại Hà Tây (cũ), Hà Nội, Bắc Ninh, Hoà Bình đều tăng mạnh, ngoại trừ Hưng Yên. Đặc biệt, tại Ba Vì, từ giữa tháng 9/2008, lượng sữa tăng thêm 1-2 tấn/ngày.
Do vậy, số sữa nguyên liệu dư thừa mỗi ngày, theo Cục Chăn nuôi, lên tới 10-12 tấn, tương đương 70-90 triệu đồng, chiếm khoảng 1,2-1,5% lượng sữa toàn quốc (khoảng 700-800 tấn sữa/ngày).
Ông Hoàng Kim Giao cho biết, đến nay, tại các tỉnh phía Nam, miền Trung và tính đến tận Hà Nam không có tình trạng sữa nguyên liệu dư thừa, thị trường bình ổn, chỉ khủng hoảng thừa cục bộ ở Hà Nội. Để tránh tình trạng sữa ứ đọng, Cục Chăn nuôi đề nghị các DN cam kết mua hết sữa cho các hộ dân có hợp đồng. Song, các công ty có thể mở rộng với các hộ dân chưa ký kết. Cũng cần tuyên truyền, khuyến khích người dân chăn nuôi bò sữa tốt, đảm bảo chất lượng. "Chúng ta ủng hộ những người nông dân sản xuất chân chính chứ không tiếp tay cho những người nuôi gian dối, làm ra sản phẩm kém chất lượng”, ông Giao nói.
Riêng tại Hà Nội, ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Gia súc lớn của TP, cho biết, hiện vẫn dư 5,5-6 tấn sữa/ngày không bán được. Các hộ dân không vào Hội chăn nuôi hay ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chịu thiệt hại nhiều nhất.
Tại Hội nghị bàn các giải pháp chống "ế" cho sữa nguyên liệu, diễn ra sáng 9/10, ông Đặng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Hanoimilk, thừa nhận, đến thời điểm này, công ty đã thu mua 17-20 tấn sữa/ngày, có ngày lên tới 30-35 tấn. Tất cả các hợp đồng thu mua sữa tươi đã ký Hanoimilk vẫn thu mua bình thường, kể cả khi lượng sữa tăng 5-10% so với bình thường.
Còn đại diện IDP, ông Phan Sỹ Minh, cũng khẳng định: “Công ty sẽ tiêu thụ hết sữa tồn đọng của người dân ở Ba Vì. Một số vùng khác như Phù Đổng (Gia Lâm) sản lượng thu mua của IDP cũng tăng thêm 40-50%”.
Mặc dù địa bàn chính là ở phía Nam, song bà Nguyễn Thị Như Hằng, Phó Tổng Giám đốc Vinamilk, cho biết, các hợp đồng bao tiêu ở Hà Nội công ty vẫn thu mua sữa như thường. Riêng một số hộ trước đã ký với công ty, sau chuyển đi nơi khác và nay muốn quay trở lại, Vinamilk buộc phải kiểm tra rất kỹ chất lượng đầu vào của sữa... và sẽ mất thêm thời gian xây dựng lại hệ thống thu mua cũng như trang bị máy móc kiểm tra.
Chỉ là giải pháp trước mắt
Ông Nguyễn Đình Đảng, Tổng Giám đốc Phù Đổng Milk, đặt câu hỏi, tất cả các DN khẳng định đang và sẽ mua sữa cho bà con, nhưng tình trạng sữa vẫn dôi dư ở Ba Vì, Gia Lâm là có thật. Ông nghi ngờ, nếu các công ty đều thu mua bình thường thì sao có tình trạng này?
Vấn đề khác đặt ra là, bản thân chính các DN cũng đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nên việc cam kết mua hết sữa cho nông dân kéo dài được bao lâu nếu bão melamine chưa dứt? Trên thực tế, theo ông Tạ Văn Tường, vì khó khăn này đã xảy ra chuyện nhà máy ép giá bà con. Việc mua bán cũng còn bất bình đẳng.
TIN LIÊN QUAN
"Không thể kêu gọi người nuôi bò cùng chia sẻ với các công ty trong “cơn bão melamine”, bởi người nông dân không có lỗi trong chuyện này. Các công ty sữa nhập sữa nhiễm melamine vào và sản xuất thì phải chịu trách nhiệm", ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, đề nghị.
Trong khi đó, trước một số ý kiến "trách" Hà Nội chậm chân trong việc hỗ trợ nông dân, ông Tâm giải thích, thành phố không thiếu tiền hỗ trợ nhưng gặp khó trong việc triển khai.
Theo đó, Hà Nội dự kiến hỗ trợ tại các các trạm thu mua 1.000 đồng/lít và hộ nông dân 1.000 đồng/lít sữa trong vòng 3 tháng, với tổng ngân sách 3,5 tỷ đồng. Song, Sở NN-PTNT đánh giá sẽ thiệt thòi đối với những hộ ở vùng xa, không mang sữa đến trạm thu mua hoặc chưa thông qua hệ thống thu mua. Chưa kể, thống kê sản lượng sữa cụ thể của từng hộ dân, hỗ trợ cho từng con bò lại gặp vướng mắc về xác định chu kỳ khai thác sữa.
Theo ông Tâm, hỗ trợ không khéo sẽ gây rắc rối nên cần tính toán thận trọng. Việc hỗ trợ người nuôi bò sữa cũng không chỉ giới hạn ở sự việc melamine mà cần dài hơi, do vậy, Sở NN-PTNT TP đang xây dựng một chính sách hỗ trợ đồng bộ.
Trước mắt, ông Tâm kiến nghị, DN cần giảm tỷ lệ sữa bột nhập khẩu, tăng mua hết sữa tươi cho nông dân (hiện mới chỉ chiếm 8-10% tổng nguyên liệu). "Mục tiêu kinh doanh của các DN là lợi nhuận, song, trong lúc khó khăn DN nên chia sẻ với bà con nông dân, nhất là thu mua hết sữa cho các hộ đã ký hợp đồng. Đồng thời, cũng nên cải tiến cách thu mua bằng cách ký hợp đồng trực tiếp với bà con", ông Tâm nói.
-
Hà Yên