- Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 30/9, Thủ tướng khẳng định tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt, đồng thời cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những khó khăn của doanh nghiệp đã được Chính phủ quan tâm để trở thành một nội dung trọng yếu trong phiên họp thường kỳ lần này.
Kết luận về vấn đề kinh tế- xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Kinh tế- xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực, trong đó lạm phát được kiềm chế theo hướng giảm dần; đồng thời gắn liền với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên, kinh tế - xã hội nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức, tồn tại và yếu kém không thể xem thường.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ (Ảnh: chinhphu.vn)
Chính phủ cũng xác định sự suy giảm kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu cùng với đồng USD suy yếu sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính, tín dụng ở Hoa Kỳ có thể dẫn đến suy giảm kinh tế toàn cầu; nảy sinh những tác động đến Việt Nam, tuy không lớn nhưng có thể gây ra yếu tố tâm lý với các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nước ta.
Giải pháp kiềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng
Chính phủ nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 9/2008, với 5 kết quả nổi bật, đó là: Tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng ước đạt 6,52%, tuy còn thấp hơn tốc độ tăng GDP cùng kỳ năm 2007 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi và kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn thì đây là kết quả khả quan, phù hợp với các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Các ngành dịch vụ đạt kết quả khá tốt, đã góp phần nâng mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (giá trị tăng của ngành dịch vụ 9 tháng đầu năm tăng 7,23%, cao hơn mức tăng GDP).
Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về thị trường và giá cả nhưng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao (48,6 tỷ USD), tăng 39% so với cùng kỳ , với 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó dầu thô đạt 8,8 tỷ USD, dệt may đạt 6,83 tỷ USD; nhập siêu giảm dần (riêng tháng 9 chỉ nhập siêu 500 triệu USD- mức thấp nhất trong 9 tháng đầu năm). Thu hút vốn đầu tư ngước ngoài đạt được nhiều kết quả tốt, so với 9 tháng cùng kỳ năm 2007, số vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tăng 37%; vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng 5 lần.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá cả về giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm. Dự kiến sản lượng lúa năm 2008 cả nước đạt khoảng 38,6 triệu tấn, tăng 2,6 triệu tấn so với năm 2007. Tổng thu ngân sách nhà nước đến hết 15/9 đạt 292,3 nghìn tỷ đồng, bằng 90,5% dự toán năm. Trong tháng 9, tình hình tiền tệ dần đi vào ổn định, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ mức lãi suất huy động và cho vay. Đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 so với tháng 8 trước đó chỉ tăng 0,18%, mức tăng thấp nhất trong 17 tháng gần đây. Giá tiêu dùng tháng 9 tăng chậm lại do giá thị trường thế giới của một số hàng hoá nước ta nhập khẩu đã giảm và sản xuất nông nghiệp trong nước được mùa, nhưng yếu tố quan trọng nhất là do những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện 8 nhóm giải pháp của Chính phủ.
Quý 4/2008: nhiệm vụ hết sức khó khăn
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% GDP năm 2008 đã được Quốc hội xem xét điều chỉnh và thông qua, GDP trong quý 4 phải đạt 8,1% - một nhiệm vụ hết sức khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp.
Các ngành sản xuất kinh doanh đang phải đối mặt với thiếu vốn, lãi suất vay ngân hàng cao, giá nguyên liệu sản xuất đứng ở mức cao, làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Giá tiêu dùng tháng 9 so với tháng 12/2007 tăng 21,87%, so với cùng kỳ năm trước tăng 27,9% và dự báo 3 tháng cuối năm thị trường trong nước còn tiềm ẩn những yếu tố gây biến động giá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo.
Về nhiệm vụ 3 tháng còn lại của năm 2008, Thủ tướng chỉ rõ: Trước hết vẫn phải quán triệt quan điểm ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt trong điều hành đi đôi với bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế.
Tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh: Phải quan tâm tập trung tìm mọi cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về vốn cho sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cơ chế thuế, lãi suất cho vay. Đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời hạn chế nhập khẩu, nhất là những mặt hàng xét thấy chưa thực sự cần thiết thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp để giảm nhập siêu.
Các Bộ, ngành, địa phương phải chú trọng cân đối cung cầu những hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; đồng thời với kiên quyết xử lý nghiêm minh nạn đầu cơ, làm hàng giả, gian lận thương mại. Ngay từ bây giờ các Bộ, ngành, địa phương lo chuẩn bị đủ hàng hoá phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Về vấn đề an sinh xã hội, các Bộ, ngành cần kiểm tra ngay các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; triển khai các giải pháp giúp đỡ 61 huyện nghèo nhất nước...
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tài chính thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng, theo dõi sát sao, kịp thời dự báo mức độ tác động đến nền kinh tế nước ta để có phương án, kế hoạch, giải pháp xử lý kịp thời. Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ động thông tin cho nhân dân yên tâm về sự ổn định của dự trữ ngoại tệ quốc gia, các yếu tố tích cực đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Đồng thời xử lý nghiêm những hành vi tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế.
(Tổng hợp TTXVN và Trang tin Chính phủ)