- Những vùng cung cấp sữa tươi đạt chất lượng như Bà Vì, Mộc Châu...đang đứng trước nguy cơ thiệt hại do những thông tin có thể gây nhầm lẫn từ vụ khủng hoảng sữa độc Trung Quốc.
Giành lấy chứng nhận như giành được quyền sống!
Theo quy định của Liên bộ trong đợt kiểm tra "sữa độc" Trung Quốc và một số loại thực phẩm nhập khẩu hoặc có nguồn gốc nhập khẩu khác thì tất cả các sản phẩm sữa trong nước bất kể của công ty nào, lấy nguồn nguyên liệu từ đâu đều phải có được giấy chứng nhận kiểm nghiệm không có chất chất melamine mới được lưu hành. Vì thế, đối với DN, tấm giấy chứng nhận này như là một bản "quyết định được sống" để trở lại thị trường.
Tuy nhiên, để có được giấy chứng nhận này là điều lại không thể muốn nhanh mà được. Cả nước hiện có 3 trung tâm có chức năng làm kiểm nghiệm và chứng nhận nhưng phải đáp ứng một lúc hàng trăm DN với hàng ngàn mẫu, đó là chưa kể đến những DN thực phẩm, bánh kẹo có liên quan đến nguyên liệu sữa cũng cần kiểm nghiệm. Chuyện dồn ứ là tất nhiên vì để kiểm nghiệm cần có thời gian cấy vi sinh, làm các kỹ thuật...
Những ngày cuối tuần trước, cả thị trường sữa gần như đóng băng vì chỉ mỗi Vinamilk và Công ty cổ phần sữa Quốc tế có được chứng nhận còn được chấp nhận bán sản phẩm. Các hãng khác đều trong tình trạng chờ đợi. Doanh số của DN sụt giảm nghiêm trọng
Nguồn sữa nhập khẩu có vấn đề chính là cơ hội cho nguồn sữa trong nước khẳng định. (Ảnh: agro.gov)
Không chỉ các công ty sữa mà các công ty thực phẩm, nhất là bánh kẹo cũng phải lo cho được giấy chứng nhận. Mới đây, sau khi chịu không ít tác động từ vụ sữa Trung Quốc, những câu hỏi từ người tiêu dùng, Nhà máy bánh kẹo Quảng Ngãi - Biscafun đã được đoàn thanh tra và cơ quan chức năng kết luận tất cả sản phẩm đảm bảo chất lượng lưu hành, không có bất kì sản phẩm bánh kẹo nào của Biscafun sử dụng nguyên liệu bột sữa có nguồn gốc của Trung Quốc.
Đại diện Biscafun cho biết, tuy sản phẩm của họ chất lượng đảm bảo nhưng nếu không có được chứng nhận này thì cũng gặp không ít khó khăn do tâm lý người tiêu dùng đang rất lo ngại.
Tuy nhiên, đó chỉ là vài DN may mắn sớm có được kết luận. Rất nhiều DN khác không còn cách nào khác là phải chờ đợi và hai ngày cuối tuần vừa qua đối với họ quả là những ngày "đen tối". Giám đốc một DN sữa lớn ở miền Bắc cho biết vì thiếu chứng nhận, hàng chục tỷ đồng sản phẩm đều phải niêm phong. "Chúng tôi chấp nhận thêm tiền và làm tất cả để nhanh chóng có giấy kiểm nghiệm cũng không được. DN định đưa sang Singapre làm cho nhanh nhưng cũng không ổn vì không biết kết quả về có được chấp nhận không. Bây giờ chỉ còn nước chờ đợi mà chờ ngày nào thì DN thiệt hại hàng tỷ đồng ngày đó. Không chỉ thế, khi DN không bán được thì nông dân cũng sẽ bị ảnh hưởng - vị giám đốc này nói.
Nguồn sữa trong nước không tội tình gì
Năm 2006, khi xảy ra cuộc khủng hoảng sữa bột hoàn nguyên tự xưng là sữa tươi, sữa tươi Mộc Châu nguyên chất đã tận dụng tốt cơ hội vươn lên thành một tên tuổi lớn được ưa chuộng trên thị trường. Lần này, khi nguồn sữa ngoại nhập có vấn đề, đáng lẽ cơ hội lại đến với những nguồn sữa tươi trong nước như Ba Vì, Mộc Châu... Tuy nhiên, dường như tất cả đang đi ngược chiều, các thương hiệu sữa tốt trong nước cũng bị vạ lây vì những thông tin dễ gây nhầm lẫn, người dân gần như đã từ chối tất cả các loại sữa.
Nguồn sữa trong nước mới gây dựng có thể bị ảnh hưởng nặng nề từ vụ sữa độc Trung Quốc. (Ảnh: vinanet)
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã cảnh báo, đừng để những thông tin mập mờ làm ảnh hưởng sữa trong nước và nông dân bị vạ lây. Theo ông Giao, việc các thông tin mập mờ, quá chung chung, không đúng bản chất có thể tác động xấu đến thị trường sữa và người nông dân sẽ gặp khó khăn, quay lưng lại với đàn bò. Và như thế, về lâu dài, nguồn sữa trong nước lại bị ảnh hưởng.
Ông Nguyên Tuấn Khải - Nguyên cục phó Cục chế biến - Bộ NN&PTNT, hiện là người kinh doanh trong ngành sữa dẫn chứng: khi có thông tin Công ty ANCO, Ba Vì, Hà Nội có dùng sữa bột Trung Quốc để chế biến đã có không ít người tiêu dùng hiểu lầm. Thực tế thì Công ty này chỉ có Nhà máy đặt tại huyện Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội). Nhà máy này không có sản phẩm mang thương hiệu Ba Vì. Trong khi đó, sản phẩm sữa tươi Ba Vì được lấy chính từ nguồn sữa tự nhiện ở Ba Vì đã được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn, không có melamine cũng bị vạ lây. Đây là điều dễ hiểu vì tâm lý người tiêu dùng đang rất hoang mang.
Theo ông Khải, các tỉnh phía Bắc, nhà nước đã đầu tư rất lớn để phát triển giống bò và đàn bò tại Ba Vì và Mộc Châu. Hai vùng này có khí hậu mát mẻ, nguồn nước dồi dào nên rất thích hợp cho việc trồng cỏ và phát triển đàn bò sữa. Chất lượng sữa ở hai vùng nguyên liệu này đạt được chỉ tiêu dinh dưỡng cao, hương vị thơm ngon.
Bên cạnh đó, cách quản lý đàn bò của Việt Nam là khá tốt khi có cả chính quyền và DN tham gia, người dân đầu tư khá lớn, khoảng 30 - 40 triệu cho mỗi con bò, được hỗ trợ về kiến thức nên chất lượng sữa nguyên liệu có thể nói là đảm bảo.
Thế nhưng khi các DN không bán được sữa thì ắt phải giảm mua của nông dân và hậu quả là nông dân sẽ khó khăn và quay lựng lại với đàn bò sữa. Những thương hiệu Việt Nam như Ba Vì, Mộc Châu không tội tình gì mà lại có thể bị chết oan trong vụ "sữa độc" Trung Quốc. Đây chính là điều cơ quan chức năng cần suy nghĩ về cánh đề phòng và chống những vụ khủng hoảng như vụ "sữa độc" Trung Quốc.
-
Phước Hà