- Vụ sữa nhiễm độc của Trung Quốc tràn sang Việt Nam đang ngày càng nóng khi các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu làm không đúng địa chỉ, theo kiểu "đánh cả cụm" cộng với thông tin không đầy đủ khiến người tiêu dùng có tâm lý sợ dùng sữa và quay lưng với tất cả các loại sữa. Điều này không chỉ khiến các công ty sữa trong nước bị thiệt hại mà rất có thể sẽ khiến nông dân đã dày công gây dựng cũng bị ảnh hưởng.
Đồng loạt dừng bán sữa
Chiều ngày 25/9, rất nhiều công ty sữa đã cho biết việc bán sản phẩm gần như bị đình trệ. Đặc biệt sau khi có thông tin từ quan chức Bộ Y tế đã yêu cầu tạm dừng lưu thông các loại sữa và đặc biệt là sữa có xuất xứ từ Trung Quốc để lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu không có vấn đề gì sẽ cho phép lưu thông trở lại.
Điều này, khiến cho việc bán sữa của các công ty trong nước đạt chất lượng vốn đã bị ảnh hưởng từ vụ sữa độc Trung Quốc càng trở nên bị đình trệ. Gần như tất cả các kênh phân phối đều từ chối bán sữa dù cho đó là sữa nào cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng.
Nông dân luôn chịu thiệt thòi trước các biến động. (Ảnh: minh họa)
Trao đổi vào buổi chiều 25/9, ông Nguyễn Tuấn Khải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Quốc tế cho biết, vào 9 giờ sáng hôm nay, gần như tất cả các siêu thị Coop Mart đã ngừng bán tất cả các loại sữa trong nước và chỉ chịu bán lại khi có chứng nhận của cơ quan kiểm nghiệm. Chỉ duy nhất sữa Vinamilk được bán vì đã kịp có giấy kiểm nghiệm.
Các siêu thị khác thuộc hệ thống Big C hay Metro dù trước đó đã thông báo đến ngày 30/9 nếu không có giấy kiểm nghiệm sẽ ngừng bán nhưng trước các thông tin trên đã quyết định ngừng bán ngay. Hà Nội milk hiện đang bị niêm phong toàn bộ sản phẩm tại các đơn vị phân phối cho đến khi có kết quả kiểm tra.
Ngay cả như đối với các sản phẩm Công ty cổ phần sữa Quốc tế trước đây được khoảng hơn 200 trường ở Tp Hồ Chí Minh dùng nay cũng có hơn 100 trường tạm dừng sử dụng trước những thông tin không đầy đủ và lo ngại của phụ huynh học sinh. DN này cũng đang cố gắng có giấy kiểm nghiệm trong ngày 26/9 để sản phẩm được lưu thông trở lại.
Theo ông Khải, tình trạng này có thể ví như là một cơn bão khiến cho các DN sữa trong nước bị vạ lây và thiệt hại nặng nề dù họ là những DN lớn, có hệ thống chăn nuôi và cung cấp sữa trong nước nhưng cũng không tránh khỏi những tác động do lo ngại từ sữa độc Trung Quốc gây ra.
Nông dân nuôi bò sữa bị ảnh hưởng theo
Ngay trong chiều 25/9, Nguyễn Tuấn Khải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Quốc tế cũng là chuyên gia về ngành sữa Việt Nam, người đã có nhiều năm giữ cương vị Cục phó Cục chế biến - Bộ Nông nghiệp đã có ý kiến lên Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp về tình trạng hiện nay.
Theo ông Khải, việc thanh tra chất Melamine có trong sữa là hoàn toàn đúng nhưng cần làm rõ sản phẩm nào, đơn vị nào. Không nên để tình trạng ngưng trệ thị trường và khiến người tiêu dùng hoang mang. Hậu quả là các DN và nhất là nông dân nuôi bò trong nước sẽ phải gánh chịu.
Tình trạng hiện nay là gần như đồng loạt siêu thị, trường học nhà phân phối đã tạm dừng lưu thông, phân phối và đưa vào kho bảo quản. Chỉ đơn vị nào có Giấy chứng nhận kiểm nghiệm không có chất Melamnie mới được giải tỏa. Tuy nhiên, việc kiểm nghiệm trên toàn quốc chỉ có 3 đơn vị có chức năng làm, không thể làm nhanh được và sẽ gây ra đình đốn sản xuất kinh doanh kéo dài.
Một mẫu kiểm nghiệm thường phải mất 10 ngày nhưng nếu làm nhanh cũng 4 - 5 ngày. Mỗi DN có hàng chục mẫu và có biết bao nhiêu DN cần phải có giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, trong thời điểm trông chờ đó, DN có thể có kho xưởng để bảo quản sản phẩm nhưng còn nông dân thì không thể bắt bò ngừng ra sữa. Ngày nào đàn bò cũng cho sữa nhưng DN không bán được thì khó mua vào. Nông dân chỉ còn nước tiêu thụ tại chỗ được bao nhiêu còn nữa đem bỏ. Điều này là rất nguy hiểm vì nếu kéo dài sẽ khiến nông dân kiệt quệ và bỏ đàn bò sữa.
"Ngay cả khi DN có được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn, đưa hàng vào phân phối thì mức tiêu thụ cũng không thể được như trước và khả năng thu mua cho nông dân sẽ giảm và chắc chắn phòng trào chăn nuôi của nông dân sẽ đi xuống", ông Khải cảnh báo.
Theo ông Khải, hiện có khoảng 7 DN lớn trong nước có hệ thống chăn nôi và cung cấp sữa trong nước được quản lý tốt. Riêng DN của ông thu mua trung bình mỗi ngày 17 - 18 tấn sữa, tương đương ít nhất khoảng 1000 con bò cho sữa. Những DN như Vinamilk thì lớn hơn nhiều. Đến thời điểm này, DN đang cố mua vào cho nông dân nhưng nêu tiêu thụ giảm nhiều quá thì chắc chắn phải giảm mua sữa nguyên liệu.
Nông dân sẽ là người bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Điều quan trọng hơn là qua đợt này, đàn bò sữa trong nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và suy giảm tổng đàn. Ngành chăn nuôi bò sữa mà cả Nhà nước, DN và nông dân đã mất bao công sức gây dựng sẽ bị tổn thương nặng nề. Vì thế, các cơ quan chức năng cần có thông tin chính xác cụ thể, có chính sách hướng dẫn cụ thể hóa để giải tỏa ách tắc cho chăn nuôi và sản xuất kinh doanh của nông dân và những DN làm ăn tốt.
Qua vụ việc này, các cơ quan chức năng cũng cần rút kinh nghiệm phải làm tốt công tác quản lý, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu. Không thể lúc cấp phép thì chủ quan, dễ dãi đến khi có sự cố mới làm và làm theo kiểu chưa xác minh được cụ thể thì cấm toàn bộ khiến cho sản xuất trong nước bị ảnh hưởng.
-
Phước Hà