Để có giải pháp tổng thể giải cứu hệ thống tài chính khỏi cơn khủng hoảng, Chính phủ và Quốc hội Mỹ đang đứng trước hai hướng tiếp cận. Cả hai đều khó khăn, đầy mâu thuẫn, và quá đắt, xét về kinh tế cũng như chính trị.
>>> Toàn cảnh khủng hoảng kinh tế Mỹ
Đêm ngày thứ Năm 18/9 vừa qua, lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã có cuộc họp khẩn cấp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương (Fed) để được nghe về các giải pháp đề xuất.
Những người dự họp sau đó kể lại các vị lãnh đạo Quốc hội đã "rúng động" và "nghẹn lời" trước những thông tin được Chính phủ báo cáo. Cả phòng họp "lặng đi" một hồi lâu.
Cuộc họp trong đêm chưa có giải pháp, cũng đủ để màn hình chứng khoán sáng hôm sau chuyển màu xanh (ảnh: BostonGlobe)
Mặc dù Bộ Tài chính và Fed trong tuần qua đã đổ hàng trăm tỷ USD vào thị trường, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Đến nay Mỹ buộc phải có một kế hoạch tổng thể để ngăn chặn vòng xoáy tiếp tục. Hai hướng thoát đang được đề xuất, và cả hai hướng đều quá khó. Đặc biệt khó là tình huống chính trị cũng rất nhạy cảm: chỉ còn vài tuần nữa đến ngày bầu cử.
Mặc dù vài ngày trước, lịch của Quốc hội Mỹ vẫn là tuần tới bắt đầu kỳ nghỉ kéo dài đến sau bầu cử. Nhưng hôm nay Quốc hội quyết định sẽ làm việc liên tục để trong hai ngày cuối tuần này phải ra được giải pháp.
Giải pháp 1: Như đã làm thời Đại khủng hoảng
Thượng nghị sĩ Christopher Dodd, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng, Địa ốc, và Đô thị vào ngày thứ Năm đã đưa ra ý tưởng thành lập một Công ty Tái thiết Tài chính như đã từng làm thời Đại khủng hoảng những năm 1930.
Công ty này sẽ rót tiền cho các tổ chức tài chính đang nguy cấp, đổi lại sẽ chiếm cổ phần của các tổ chức này. Các khoản nợ quá hạn về địa ốc phải được miễn giảm đến mức người vay có thể chịu đựng được. Công ty mới lập ra sẽ giúp Ngân hàng Trung ương giảm nhẹ trách nhiệm trong những vụ cho vay như đã làm với Bear Stearn hồi tháng 3 và với AIG tuần qua.
Tuy nhiên, giải pháp này dường như quá chậm: chỉ phát huy tác dụng khi hàng loạt các tổ chức tài chính đã bị đẩy đến sát bờ vực và không còn con đường nào khác. Đến lúc đó, tình hình nền kinh tế đã trở nên hết sức căng thẳng và hệ thống tài chính đã hỗn lọan.
Ngoài ra, Chính phủ Bush từ trước đến nay vẫn nhất định chống lại việc cưỡng ép người cho vay phải cắt giảm các khoản nợ mua địa ốc.
Giải pháp 2: Vượt quá trình độ quản lý
Bộ Tài chính Mỹ lại muốn một hướng giải quyết khác. Bộ sẽ mua lại những khoản nợ địa ốc đã được chuyển đổi thành chứng khoán. Từ đó Bộ có thể thiết lập một giá sàn để giá không xuống nữa, đồng thời giúp các ngân hàng trút bỏ những chứng khoán đầy nguy hiểm đó. Giải pháp này chưa đề cập đến việc mua lại địa ốc đang có khó khăn trả nợ.
Thực tế thì Bộ Tài chính có quyền làm việc này, với hai ngân hàng Fennie và Freddie, Bộ đã từng mua lại các chứng khoán hình thành từ nợ địa ốc. Nhưng Bộ Tài chính muốn được quyền mua với số lượng hơn nữa các chứng khoán rủi ro, khi mà những chứng khoán này không bán được cho ai.
Trong giải pháp này, Fed cũng có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp để đứng ra mua những chứng khoán như vậy.
Tuy nhiên, thị trường hiện đại đã tiến hóa đến mức quá phức tạp so với khả năng của Chính phủ. Người phản đối giải pháp này, Thượng nghị sĩ Dodd cho biết "hầu hết các khoản vay địa ốc đã được chuyển hóa thành một hệ phức hợp các loại chứng khoán, đã được xẻ nhỏ thành nhiều phần và được bán đi khắp thế giới." Để giúp người đi vay không bị mất nhà, Chính phủ phải thu thập và lắp ghép lại tất cả các mảnh vụn đó. Đây là điều quá khó so với khả năng hiện tại của Chính phủ.
Cả hai giải pháp đều quá đắt
Để các giải pháp có hiệu lực, cần phải dành ra ngân sách ít nhất 500 tỷ USD. Bởi vì tính đến ngày 30/6 vừa qua, dư nợ địa ốc đang ở con số 10,6 ngàn tỷ USD, một tỉ lệ lớn trong đó là nợ ngắn hạn.
Bộ Tài chính cũng có thể thu lợi, nếu biết mua một cách khôn khéo. Một cảnh báo: phải có lý do gì đó để thị trường bán tháo chứng khoán, và Bộ không có gì chứng tỏ mình đã khôn hơn thị trường.
Dù sao thì thời gian qua Bộ Tài chính đã được lợi: trong cơn hoảng loạn, các nhà đầu tư đổ xô đi mua trái phiếu Chính phủ để an toàn, giúp Chính phủ có thể huy động vốn mà gần như không phải trả lãi.
Cũng có khả năng không phải chi hàng trăm tỷ. Chỉ cần thị trường biết có sự tồn tại của khoản tiền như vậy, niềm tin có thể trở lại.
Bằng chứng là mặc dù cuộc họp đêm thứ Năm chưa hình thành giải pháp, nhưng sáng thứ Sáu giá chứng khoán trên tất cả các thị trường đều tăng vọt trở lại. Thị trường biết chắc một giải pháp: đó là Chính phủ không thể không làm gì.
-
Bùi Văn (tổng hợp)