Sự sụp đổ dây chuyền đã khiến Chính phủ Mỹ buộc phải cùng với Thượng viện và Hạ viện cấp tốc bàn thảo một kế hoạch tổng thể để ổn định thị trường tài chính. Cuộc họp đã kéo dài tới nửa đêm (thứ năm giờ Mỹ, tức trưa thứ sáu giờ Việt Nam) nhưng vẫn chưa thống nhất được một kế hoạch giải cứu nào.
>>> Toàn cảnh khủng hoảng tài chính Mỹ 2008
Kế hoạch giải cứu một đợt đổ vỡ được cho là lớn nhất trong lịch sử Mỹ đã được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt các đại gia tài chính lừng danh tại nước này đã bị phá sản, xoá sổ, bị mua lại, mất tính thanh khoản hoặc đang nằm trong tính thế khó khăn tột độ.
Cuộc khủng hoảng tài chính lần này có dấu hiệu sắp vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ nước này và đã buộc những quan chức cũng như cơ quan cao cấp nhất tại Mỹ phải ngồi lại với nhau nhưng giải pháp thì các nhà đầu tư trên khắp thế giới có thể còn phải chờ vài ngày nữa.
Còn để có thể khẳng định cuộc khủng hoảng này sẽ được kiểm soát thì cần phải đợi thêm nhiều tháng nữa.
Báo giới chờ bên ngoài đến nửa đêm để được thông báo về kết quả cuộc họp. Từ phải sang trái là Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Chủ tịch Hạ viện, và người đang nói là Bộ trưởng Tài chính (ảnh: AP) |
Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng
Cuộc khủng hoảng tín dụng cho vay bất động sản dưới chuẩn tại Mỹ đã bắt đầu từ năm 2007 và nhen nhóm trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ vụ sụp đổ của Ngân hàng Bear Stearns hồi tháng 3/2008. Khi đó, giới tài chính đã đặt câu hỏi khủng hoảng phố Wall đã kết thúc chưa và đại gia nào là nạn nhân kế tiếp?
Nạn nhân lớn kế tiếp là 2 đại gia ngân hàng Fannie Mae và Freddie Mac.
Fannie và Freddie là 2 tập đoàn chuyên cho vay thế chấp bất động sản. Đây là lý do khiến Chính phủ Mỹ thông qua Fed đêm 7/9 buộc lòng phải ra tay cứu 2 ngân hàng này với hy vọng “quyết định này là sự khởi đầu cho một sự kết thúc của một điều tồi tệ”, ám chỉ tới cuộc khủng hoảng nhà đất và tín dụng đã kéo dài gần 2 năm qua và vẫn chưa có dấu hiệu thôi tác động xấu tới nền kinh tế Mỹ nói chung và thị trường tài chính nói riêng.
Tuy nhiên, mọi điều tồi tệ chưa chấm dứt ở đó. Chỉ một tuần sau đó, phố Wall - trung tâm tài chính của Mỹ - đã chứng kiến sự xoá sổ vĩnh viễn một tên tuổi lừng danh trong ngành tài chính Mỹ với lịch sử hoạt động lên tới 158 năm là ngân hàng đầu tư lớn thứ tư nước Mỹ - Lehman Brothers. Ngày 15/9, ngân hàng này đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Đây là vụ xin phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ, vượt qua vụ phá sản WorldCom Inc. năm 2002 và Burnham Lambert năm 1990.
Cho dù không gặp vấn đề về thanh khoản tồi tệ như Ngân hàng Bear Stearns và không bị dính khủng hoảng thị trường cho vay thứ cấp như Fannie Mae hay Freddie Mac nhưng Lehman rơi vào khó khăn trong bối cảnh mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ dường như đã mường tượng ra một kịch bản rất xấu tại thị trường tài chính nước này. Và Fed không thể dang tay cứu giúp tất cả các công ty tài chính và ngân hàng gặp khó khăn.
Trong ngày 15/9, cả thế giới cũng đã phải chứng kiến sự xoá sổ của một ngân hàng huyền thoại nữa là Merrill Lynch và sự mất thanh khoản của tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Mỹ là American International Group (AIG). Tập đoàn Merrill đã được Ngân hàng Bank of America Corp. mua lại với giá 50 tỷ USD, còn AIG thì đứng trước mép phá sản do Fed từ chối cho vay 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, do lo sợ về khả năng đổ vỡ dây chuyền sẽ xảy ra, chỉ 2 ngày sau đó Chính phủ Mỹ đã quyết định ra tay cứu AIG với việc bơm 85 tỷ USD vốn của Fed vào tập đoàn tài chính đang có nguy cơ phá sản này.
Ngoài những cái tên đã sụp đổ, thế giới tài chính đang lo lắng cho rất nhiều số phận khác trong Ngân hàng Morgan Stanley và hàng loạt các ngân hàng khác tại Anh, Pháp, Nga…
Tìm kiếm một giải pháp tổng thể
Bên cạnh sự sụp đổ của các tên tuổi lớn, hàng loạt các tổ chức tài chính khác cũng đang lao đao với các khoản nợ có liên quan tới các vụ sụp đổ nói trên và sự chao đảo về giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Hôm qua, Fed và một loạt các ngân hàng trung ương châu Âu, Anh, Thuỵ Sĩ, Nhật Bản và Canada đã phối hợp bơm 180 tỷ USD làm giảm sức ép lên các thị trường tài chính nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, dường như động thái đó cũng chưa đủ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson và Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Ben S. Bernanke ngay lập tức sau đó đã phải cam kết sẽ làm việc cả trong 2 ngày cuối tuần để đưa ra một biện pháp tổng thể để làm hồi sinh thị trường tài chính.
Tổng thống Mỹ Bush cũng khẳng định chính quyền của ông sẵn sàng gia tăng "những biện pháp đặc biệt" đã được thực thi nhằm củng cố và ổn định các thị trường tài chính.
Tất cả các biện pháp đã được đặt lên bàn và đang được thảo luận. Tuy nhiên, giải pháp sẽ là như thế nào và tác động có nó có được như mong muốn không thì tất cả vẫn còn đang ở phía trước.
Theo một số nguồn tin, kế hoạch đang được bàn thảo có thể sẽ là những biện pháp cho phép Chính phủ Mỹ bơm tiền để mua lại một số tài sản và các khoản nợ xấu từ các ngân hàng và tổ chức tài chính. Chưa có một con số nào được công bố nhưng đây có thể là một đợt trợ cứu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Đề xuất của Chính phủ Mỹ có thể là các khoản hỗ trợ một cách trực tiếp nhất từ trước tới nay từ các khoản tiền đóng thuế của người dân đối với cuộc khủng hoảng mà Fed và Bộ Tài chính Mỹ khẳng định là tồi tệ nhất.
Một số phụ tá cao cấp và các luật sư cho biết mục tiêu của chính phủ là kế hoạch sẽ được thông qua vào cuối tuần tới khi mà quốc hội nước này sẽ họp trở lại.
Kế hoạch hỗ trợ này được đưa ra thảo luận khi mà Fed đã rót gần 300 tỷ USD vào thị trường tín dụng toàn cầu.
-
Hà Linh (Theo IHT, Bloomberg, AFP, CNN)