- Gần như toàn bộ các thị trường chứng khoán trên thế giới đã bật dậy sau khi tuột dốc trong các phiên trước đó. Cam kết sẽ đưa ra một gói giải pháp tổng thế vực dậy thị trường tài chính của Bộ Tài chính và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các nỗ lực chung của ngân hàng trung ương các nước trong 2 ngày qua đã khiến các nhà đầu tư kỳ vọng vào một sự khởi sắc của thị trường vào tuần sau.
Gần như toàn bộ các thị trường chứng khoán trên thế giới đã bật dậy sau khi tuột dốc trong các phiên trước đó. Ảnh: Weeklyindustry.
Chứng khoán thế giới tăng vọt
Vào cuối phiên giao dịch hôm qua 18/9 (đầu giờ sáng 19/9 giờ Việt Nam), phố Wall đã thực sự hồi sinh sau một loạt những cơn ác mộng.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ tăng 410 điểm, tức gần 3,9%, lên 11.019 điểm. Các chỉ số quan trọng khác cũng tăng rất mạnh như S&P 500 tăng 4,33%; NASDAQ tăng 4,78%; Russell 2000 tăng 6,99%.
Tại châu Á, tính tới 10h30 sáng 19/9 (giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 378,9 điểm (tương đương tăng 3,3% lên 11.868,2 điểm.
Các chỉ số của Hang Seng của Hong Kong, Singapore Straits Times của Singapore và chỉ số Topix tầm rộng tại Nhật tính tới 10h30 (giờ Việt Nam) cũng đồng loạt tăng rất mạnh, tương ứng 6,25%; 3,98% và 3,87%.
Sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ là do hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá mạnh trở lại sau khi mất vài chục phần trăm trong các phiên giao dịch liền trước.
Đây là kết quả của những động thái tích cực của Fed, các ngân hàng trung ương châu Âu, Anh, Thuỵ Sĩ, Nhật Bản và Canada đã phối hợp bơm 180 tỷ USD nhằm làm giảm sức ép lên các thị trường tài chính nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau những đổ vỡ dây chuyền trên thị trường tài chính Mỹ với sự xoá sổ của một số tên tuổi rất lớn như Lehman Brothers, Merrill Lynch.
Bên cạnh đó, niềm tin của thị trường còn được cải thiện mạnh mẽ khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson và Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Ben S. Bernanke cam kết sẽ làm việc cả trong 2 ngày cuối tuần để đưa ra một biện pháp tổng thể để làm hồi sinh thị trường tài chính.
Tổng thống Mỹ Bush cũng khẳng định chính quyền của ông sẵn sàng gia tăng "những biện pháp đặc biệt" đã được thực thi nhằm củng cố và ổn định các thị trường tài chính.
Thị trường chứng khoán châu Á, trong đó có Việt Nam còn hồi phục mạnh mẽ hơn ngay do những động thái tích cực từ thị trường tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, trong rất nhiều nhận định gần đây, các chuyên gia đều cho rằng châu Á sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ đợt đổ vỡ dây chuyền vừa qua tại Mỹ. Họ khẳng định khu vực này sẽ không phải chứng kiến một đợt khủng hoảng tài chính như vào năm 1997.
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 xuất phát từ việc các đồng tiền trong khu vực tụt giảm giá trị và đã dẫn tới sự sụp đổ của hàng loạt doanh nghiệp có các khoản nợ trị giá hàng tỷ USD. Cuộc khủng hoảng đã khiến Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc phải nhờ đến các gói hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, tới nay, khu vực này đã có tổng dự trữ ngoại hối lên tới 3.300 tỷ USD, bằng khoảng 50% tổng dự trữ toàn cầu.
Đây là lý do khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước cảm thấy khá an tâm khi đầu tư vào khu vực này.
Chứng khoán Việt Nam: Hơn 96,3% cổ phiếu tăng trần
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cho biết chưa có bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc thay đổi biên độ dao động giá chứng khoán. Biên độ dao động giá vẫn áp dụng như hiện hành, tại sàn Hà Nội là +/-7% và tại sàn Tp.HCM là +/-5%. (Nguồn: TBKT)
Duy nhất 1 cổ phiếu đứng ở mức giá tham chiếu, còn lại tất cả đều tăng giá trong đó gần như toàn bộ tăng hết biên độ cho phép hiện nay là 5%, Sàn chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam là HOSE đã chứng kiến một phiên hồi phục mạnh mẽ chưa từng có. Dư mua cổ phiếu trống trơn ở hầu hết các mã trong khi dư bán còn rất nhiều.
Các nhà đầu tư đổ xô mua vào trong khi ngừng hầu hết các lệnh bán ra.
Kết thúc phiên giao dịch 19/9, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 19,78 điểm (tương đương tăng 4,71%) lên 439,06 điểm. Trước đó, chỉ số này đã giảm liên tục mà mất 25,4% kể từ cuối tháng 8.
Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 19/9 tăng vọt lên 23,8 triệu đơn vị, trị giá 808,3 tỷ đồng (so với 10,7 triệu đơn vị và 382 tỷ đồng trong phiên liền trước).
Trong tổng số 159 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 162 mã tăng giá (trong đó có 157 mã tăng giá kịch trần), 1 mã đứng giá (là cổ phiếu mới lên sàn hôm 17/9 DCL của CTCP Dược phẩm Cửu Long).
Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: DHG của Dược Hậu Giang (tăng 6.000 đồng, lên 127.000 đồng/cp); VPL của Vinpearl (tăng 5.000 đồng, lên 107.000 đồng/cp); BMC của Khoáng sản Bình Định (tăng 4.500 đồng, lên 99.000 đồng/cp); VNM của Vinamilk (tăng 4.500 đồng, lên 95.000 đồng/cp); FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT (tăng 4.000 đồng, lên 86.500 đồng/cp).
Các cổ phiếu cố khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Ngân hàng Sacombank (2 triệu đơn vị); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (1,67 triệu); SAM của CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông (1,25 triệu); VIP của Vận tải Xăng dầu VIPCO (0,80 triệu); FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT (0,76 triệu).
Sàn Hà Nội: HASTC-Index tăng 7,1%
Kết thúc phiên giao dịch sáng 19/9, chỉ số HASTC-Index tăng 9,66 điểm (tương đương tăng 7,1%) lên 145,74 điểm.
Khối lượng giao dịch thành công sáng nay tăng mạnh lên 11,6 triệu đơn vị, trị giá 325,2 tỷ đồng (so với 3,8 triệu đơn vị và 107 tỷ đồng phiên liền trước).
Thống kê cho thấy, trong tổng số 150 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn Hà Nội, có 127 mã tăng giá, 17 mã giảm giá, 5 mã đứng giá và 1 không có giao dịch.
Các cổ phiếu có giá bình quân trong cả phiên tăng mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: MIC của Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam (tăng 4.000 đồng, lên 62.500 đồng); VDL của Thực phẩm Lâm Đồng (tăng 2.500 đồng, lên 40.000 đồng); NVC của CTCP Nam Vang (tăng 2.300 đồng, lên 39.900 đồng); HAI của Công ty cổ phần Nông dược H.A.I (tăng 1.800 đồng, lên 27.800 đồng); CCM của Xi măng Cần Thơ (tăng 1.700 đồng, lên 26.800 đồng).
Các cổ phiếu có giá bình quân trong cả phiên giảm mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: NGC của Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Ngô Quyền (giảm 1.400 đồng, xuống 22.900 đồng/cp); DST của Sách Thiết bị Giáo dục Nam Định (giảm 1.200 đồng, xuống 16.900 đồng/cp)…
Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu KLS của Chứng khoán Kim Long đứng đầu với 2,01 triệu đơn vị. Tiếp theo là VCG của Tổng công ty Vinaconex (1,35 triệu); TLC của Viễn thông Thăng Long (0,66 triệu).
-
Hà Linh