221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1107856
Lạm phát cao nhưng tiêu thụ bia vẫn tăng mạnh
1
Article
null
Lạm phát cao nhưng tiêu thụ bia vẫn tăng mạnh
,

 - Mặc dù nền kinh tế có nhiều yếu tố không thuận lợi, lạm pháp tăng, mức sống đi xuống trong lạm phát, nhưng giá bia tăng cao thì sản xuất bia vẫn tăng trưởng mạnh.

Bia vẫn tăng trưởng cao

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho biết, sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2008 vẫn rất tốt, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.201,4 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm  bia các loại đạt 161,8 triệu lít, tăng 0,6% so với cùng kỳ; Doanh thu sản xuất công nghiệp đạt 1.711,2 tỷ đồng tăng 23,5% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 247,2 tỷ đồng, bằng 52,3% kế hoạch năm. Habeco phấn đấu năm 2008 tổng doanh thu đạt 2.824,9 tỷ đồng và sản lượng bia các loại là 250 triệu lít.

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng cho biết, năm 2008 vẫn đạt mức tăng trưởng tốt, ước tính giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 38% với tổng doanh thu 10.159 tỷ đồng, tăng 46% so với mức thực hiện năm 2007. Mặt hàng bia được tiêu thụ rất khả quan với mức tăng 23%, đạt trên 933 triệu lít; xuất khẩu trên 1 triệu lít, tăng 11% so với năm trước.

Vào năm 2010, mức tiêu thụ bia bình quân đầu người của Việt Nam ước sẽ tăng tới 28 lít/năm. (Một cuộc thi uống bia năm 2007 - Ảnh minh hoạ của P.Hải) 

Không chỉ có Habeco và Sabeco đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian qua, mà các hãng bia có vốn đầu tư nước ngoài như khác như Công ty Bia Việt Nam, Nhà máy Bia Hà Tây, Công ty Bia Halida, Huda... cũng có mức tăng trưởng khả quan.

Theo Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam, nửa đầu năm 2008, tăng trưởng bia vẫn ở mức 14%. Mặc dù nền kinh tế có nhiều yếu tố không thuận lợi, lạm pháp tăng cao, giá cả các loại vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất bia, rượu những tháng đầu năm tăng rất cao so với cùng kỳ, đặc biệt là malt, cao hoa, đường, gạo, bao bì nhãn mác... đều tăng từ 30% – 70%, thậm chí có mặt hàng còn tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ, và giá bia tăng cao thì sản xuất bia vẫn tăng trưởng mạnh.

Tại Hà Nội và TP. HCM, từ cuối năm 2007 đến nay, bất chấp giá các loại bia đã tăng từ 10% - 20% thì người ta vẫn lũ lượt kéo nhau đến các quán để nhậu. Bình quân các quán bia hơi tại Hà Nội  mỗi ngày tiêu thụ từ 1.500-5.000lít.

 Theo ước tính, chi phí cho uống bia hiện nay của dân Việt Nam vào khoảng trên 20 nghìn tỷ đồng/năm.

Việt Nam hiện là quốc gia có dân số trẻ với khoảng 33 triệu người trong độ tuổi 20 đến 40, độ tuổi có tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm bia cao nhất.

Một người = 28 lít bia/năm? 

Theo số liệu của các DN, hiện tại, mức tiêu thụ bia bình quân đầu người của Việt Nam là 18 lít/năm, mức tiêu thụ bia bình quân đầu người này chỉ bằng 1/2 so với Hàn Quốc và bằng 1/6-1/7 so với Ireland, Đức, Séc. Tuy nhiên, với mức thu nhập của người dân tăng lên cộng với sự thay đổi tập quán uống (chuyển từ uống rượu tự nấu sang uống bia) của người dân ở nhiều vùng nông thôn… thì vào năm 2010, mức tiêu thụ bia bình quân đầu người của Việt Nam ước sẽ tăng tới 28 lít/năm.

Trên thực tế, sản lượng bia ở Việt Nam đã tăng nhanh trong thời gian qua từ 1,29 tỷ lít năm 2003 tăng lên 1,37 tỷ lít năm 2004 (gấp 2 lần so với năm 1997); 1,5 tỷ lít năm 2005; 1,7 tỷ lít trong năm 2006; 1,9 tỷ lít trong năm (tăng 19.1%); dự kiến 2008 sẽ vượt 2 tỷ lít và dự báo đến năm 2010, tổng sản lượng bia trong nước ước đạt 2,7 tỷ lít, tăng 45% so với năm 2007.

Năm 2004, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã đưa ra Quy hoạch tổng thể phát triển ngành bia đến năm 2010 với dự báo vào 2010 sản lượng bia của Việt Nam sẽ đạt 2,5 tỷ lít, nhưng chỉ sau 2 năm với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, Bộ Công nghiệp đã vội vã điều chỉnh lại Quy hoạch với dự báo vào 2010 sản lượng bia đạt 3 tỷ lít.

Theo dự báo, quy mô dân số Việt Nam sẽ tăng từ 85 triệu lên 100 triệu vào năm 2023 và ổn định ở mức 120 triệu dân. Trong vòng 15 năm nữa, sự tăng trưởng 20% về quy mô dân số, 200% GDP bình quân đầu người (5% năm) cùng với mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tăng lên như mức của Hàn Quốc hiện nay thì nhu cầu tiêu thụ bia ước sẽ tăng gần 5 lần.

Thị trường bia "sủi bọt"

Thị trường bia Việt Nam được cho là có tiềm năng lớn với  sức uống ngày một tăng cao là lý do giải thích vì sao đầu tư vào bia đã bùng nổ mạnh mẽ hiện nay.

Hai “đại gia” trong lĩnh vực công nghiệp bia của Việt Nam là Sabeco  và Habeco hiện chiếm giữ khoảng 50% thị phần, trong đó Sabeco chiếm khoảng 35% thị phần, Habeco khoảng 15% thị phần bia cả nước và vẫn tiếp tục đầu tư tăng công suất nhằm làm chủ tình hình trong tương lai.

Sabeco cho biết,  năm 2007, DN này đã đầu tư gần 6.500 tỷ đồng tại các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Vĩnh Long, Nghệ An, Quảng Ngãi… để mở rộng  sản xuất và sản lượng bia dự kiến sẽ vượt con số 1,2 tỷ lít vào năm 2010; chiếm giữ khoảng 40% thị phần trong nước.

Việt Nam có tới 33 triệu người trong độ tuổi 20 đến 40, độ tuổi có tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm bia cao nhất. ( Thi uống bia - Ảnh minh hoạ)

Habeco đang triển khai được một số dự án lớn như: Dự án bia Hà Nội tại Vĩnh Phúc hiện đã nhập 2/3 lượng thiết bị để lắp đặt khu nhà nấu; dự án nâng công suất nhà máy bia Hà Nội-Hải Phòng lên 25 triệu lít/năm, đang chạy thử hệ thống chiết và lọc; triển khai ký hợp đồng xây dựng nhà máy bia Hà Nội tại Vũng Tàu; hoàn thành ký hợp đồng thiết bị và xây dựng dự án nhà máy bia của Công ty CP đầu tư phát triển công nghệ Bia-Rượu-Nước Hà Nội công suất 50 triệu lít/năm; chuẩn bị xây dựng cụm công nghiệp Bia-Rượu-Nước và đô thị tại Hà Tây. Habeco cho biết,  đến 2010 sẽ đạt sản lượng 650 triệu lít bia/năm.

Như vậy đến 2010 riêng Habeco và Sabeco đã có sản lượng khoảng 1,9 tỷ lít/năm chiếm 60% công suất sản xuất bia cả nước. Không ngồi nhìn 2 "đại gia" bành trướng, các hãng bia khác trong và ngoài nước cũng dồn dập mở rộng công suất, xin phép đầu tư các dự án mới.

Chỉ tính từ đầu năm 2008 đến nay, cũng có trên 400 triệu lít bia được các DN đầu tư sản xuất. Ngày 26/3/2008, Công ty TNHH Nhà máy Bia Hà Tây đã công bố việc hoàn thành mở rộng công suất nhà máy, tăng tổng công suất từ 30 triệu lít/năm lên 50 triệu lít bia/năm với tổng kinh phí của dự án là hơn 1 triệu USD. Công ty Bia Huế (Huda) cũng công bố sẽ từng bước nâng công suất nhà máy bia tại Phú Bài từ 100 triệu lít/năm lên 160 triệu lít/năm, rồi lên 240 triệu lít/năm và đạt 290 triệu lít/năm vào năm 2011-2012.

Hãng bia Pháp Kronenbourg vừa chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam. Nhà máy  bia Kronenbourg (liên doanh giữa 2 tập đoàn Scottish & Newcastle và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam) đã được động thổ xây dựng tại Đức Hòa - Long An, công suất  giai đoạn đầu là 150 triệu lít bia/năm, vốn đầu tư khoảng 43 triệu USD.

Ngày 24/8 vừa qua, Tập đoàn San Miguel của Philippines thông báo sẽ chi 8 triệu USD để nâng công suất nhà máy tại Việt Nam.

Đó là chưa kể thời gian qua hàng loạt các dự án bia đã được đầu tư mới, mở rộng nâng công suất như Liên doanh SABMiller Việt Nam (Bình Dương) 100 triệu lít/năm; Công ty Bia Việt Nam nâng công suất từ 150 lên 230 triệu lít/năm; Công ty Bia Foster’s (Đà Nẵng) nâng công suất từ 45 lên 85 triệu lít/năm; Công ty Vilaken (Nghệ An) 100 triệu lít/năm; Công ty Tân Hiệp Phát (Bình Dương) nâng công suất từ 100 lên 150 triệu lít/năm; Công ty Bia Quy Nhơn nâng công suất từ 20 lên 100 triệu lít/năm...

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có gần 350 cơ sở sản xuất bia, phân bổ hầu hết trên các tỉnh, thành phố của cả nước. Trong đó, chỉ có hơn 20  nhà máy đạt công suất trên 20 triệu lít/năm; 15 nhà máy có công suất lớn hơn 15 triệu lít/năm và có tới 268 cơ sở có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít/năm.

  • Trần Thuỷ
     
     Ý kiến bạn đọc:
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,