Ngày thứ Tư 17/9, Bộ Tài chính Nga thông báo đang phải bơm 45 tỷ USD để cứu hệ thống ngân hàng. Chính phủ cũng buộc thị trường chứng khoán phải ngừng giao dịch do giá sụt quá mạnh.
Ba ngân hàng Sberbank, VTB và Gazprombank được cấp khoản tín dụng lên đến 1,13 ngàn tỷ rúp (gần 45 tỷ USD) với thời hạn 3 tháng hoặc dài hơn. Bộ Tài chính thông báo đây là những ngân hàng chính có khả năng giúp hệ thống ngân hàng duy trì thanh khoản.
Buộc đóng cửa thị trường chứng khoán
Vào 12h10 ngày thứ Tư, cơ quan quản lý TTCK liên bang đột ngột ra lệnh ngừng mọi giao dịch thị trường do giá biến động quá mạnh. Cơ quan này yêu cầu các sàn giao dịch gửi đề xuất về biện pháp ổn định lại thị trường. “Trên cơ sở đề xuất đó, chúng tôi sẽ xem xét và quyết định cho thị trường mở cửa lại,” người đứng đầu cơ quan này, ông Vladimir Milovidov phát biểu vào cuối ngày.
Thủ tướng Putin: "Chúng ta sẽ hành động thận trọng và sáng suốt" (ảnh: Novosti)
Vào ngày thứ Ba trước đó, hai chỉ số chứng khoán của Nga là RTS và MICEX lần lượt giảm 11,5% và 17,45%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 ở Nga. Tính từ tháng 5/2008 đến nay, chỉ số RTS đã giảm mất hơn 55%.
Trong mấy tháng qua, nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu của Nga đã chao đảo, trong khi giá dầu thô giảm từ 147 USD/thùng hồi tháng 7/2008 xuống còn 94 USD ngày thứ Tư.
Mối lo ngại vốn chảy thoát khỏi thị trường cũng được nhắc đến, với nguyên nhân từ bất đồng chưa giải quyết được giữa Nga và Anh trong vụ liên doanh dầu khí TNK-BP, cũng như quan hệ Nga và phương Tây đang xấu đi sau cuộc xung đột tại Grudia.
Một lo ngại nữa là thái độ của Chính phủ. Hồi tháng 7, Thủ tướng Putin buộc tội tập đoàn thép khổng lồ Mechel của Nga về tội làm giá và trốn thuế. Chỉ sau vài lời nói miệng của Thủ tướng, cổ phiếu của Mechel trên thị trường chứng khoán New York đã giảm giá mất một nửa.
Tình hình ngân hàng thay đổi từng ngày
Ngày thứ Ba, Chính phủ Nga nhóm họp để thảo luận tình hình thị trường tài chính và các biện pháp cần thiết. Nội dung cuộc họp chưa được công bố.
Cùng với việc bơm tiền cho 3 ngân hàng lớn, trong ngày thứ Tư, Ngân hàng Trung ương cũng đã nâng hạn mức lên gần 17 tỷ USD cho nghiệp vụ repo (nghiệp vụ bán chứng khoán cho Chính phủ với cam kết mua lại, thường là rất ngắn hạn).
Mới ngày thứ Hai vừa qua, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố thị trường Nga không gặp nguy hiểm. Ngày thứ Ba, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Konstantin Korishchenko cũng còn tuyên bố “chưa đến lúc phải tăng khoản vay cho các ngân hàng”.
Ngân hàng đầu tư Kit Finance có thể là miếng domino đầu tiên, khi thú nhận đã không thể trả một số khoản nợ ngắn hạn và đang tìm kiếm một nhà đầu tư chiến lược. Đây là một trong 3 ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất nước Nga. Ngày 17/9, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s đã hạ bậc tín dụng nội và ngoại tệ của ngân hàng này xuống bậc C, và năng lực tài chính xuống bậc E.
Trấn an tâm lý thị trường
Bộ trưởng Tài chính Nga tuyên bố khả năng của Bộ và của Ngân hàng Trung ương đủ để cứu thị trường. “Cuộc khủng hoảng lên chưa mức phải huy động đến dự trữ quốc gia,” Bộ trưởng Alexei Kudrin tuyên bố trên TV.
Một chuyên gia của công ty tư vấn Troika Dialog nói “Chắc chắn cuộc khủng hoảng năm 1998 không lặp lại. Hồi đó, Chính phủ nợ rất nhiều mà không có mấy dự trữ. Ngày nay, Chính phủ không còn nợ nhưng lại có mức dự trữ rất lớn.”
Tuy nhiên, một vấn đề là thông tin để trấn an thị trường. Kinh tế trưởng của ngân hàng Alfa cho biết tình hình xấu hơn dự báo. Hiện các ngân hàng đang phải cố ước tính mức thua lỗ.
Ngày thứ Tư, Phó Thủ tướng Igor Shuvalov kêu gọi mọi người cần “bình tĩnh” và cần tin tưởng vào Chính phủ. Trước đó, Thủ tướng Putin cũng tuyên bố Nga đủ mạnh để vượt trên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông nói thêm, "Chúng ta sẽ hành động thận trọng và sáng suốt".
-
Bùi Văn (theo Novosti, CNN)