221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1107408
Hệ thống ngân hàng khuyến khích trò đỏ đen
1
Article
null
Hệ thống ngân hàng khuyến khích trò đỏ đen
,

Những cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy mô hình tư bản kiểu Anh - Mỹ đã bộc lộ những khiếm khuyết thuộc về bản chất. Bài viết của ông Ho Kwon Ping đăng ngày 27/8/2008 trên mục Think-tank của báo Straits Times cho là Đông Á cần mô hình phát triển riêng. VietNamNet xin giới thiệu để tham khảo một ý tưởng không mới, đã nhiều tranh cãi, và đang được đề xuất trở lại.

Ảnh: ameinfo
Tác giả là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Đại học Quản trị Singapore. Xuất thân từ một nhà báo, ông đã trải qua nhiều lĩnh vực chính sách và kinh doanh như Giám đốc Singapore Airlines, Ngân hàng Standard Chartered, Tập đoàn truyền thông MediaCorp, Chủ tịch Ủy ban Môi trường quốc gia, Giám đốc Cơ quan Du lịch Singapore...

Từ những cuộc khủng hoảng tài chính

Đó là một buổi lễ tốt nghiệp đại học, và như thường lệ, hầu hết các sinh viên tôi gặp đều muốn vào ngân hàng đầu tư.

Chỉ không đầy một năm qua, chứng khoán của ngành tài chính đã mất giá hơn 70%. Hàng triệu người Mỹ và Anh mất nhà. Vô số triệu người khác trên thế giới đã thấy tài sản của mình rớt giá thê thảm, và có lẽ cả cuộc đời làm việc cũng chẳng hy vọng khôi phục lại. Trách ai đây? Tất nhiên là các ngân hàng đầu tư, nơi dàn dựng toàn bộ những tín dụng bất động sản rủi ro, và những “sản phẩm” khác với những cái tên đầy quyến rũ.

Như có người đã nói, lịch sử chưa bao giờ chứng kiến quá nhiều người mất quá nhiều tiền chỉ vì hành động của một nhóm quá nhỏ như vậy.

Vậy tại sao những sinh viên trẻ vẫn lao vào ngân hàng đầu tư? Trước tiên, những người trong nghề này tự trả lương cho mình rất cao, bất kể người khác thế nào. Tổng tiền thưởng năm nay ở quận tài chính London lên đến 6 tỷ Euro (hay 9 tỷ USD). Mặc dù thua lỗ của các công ty tài chính ở đó cao hơn gấp 10 lần.

Đừng ngây thơ nghĩ rằng lương và thưởng cần phải gắn với lợi nhuận công ty. Năm ngoái, Tổng giám đốc một quỹ đầu tư được thưởng 350 triệu USD, trong khi cổ phiếu của công ty này mất giá 37% ngay sau khi lên sàn.

Giáo sư Joseph Stiglitz  - đã được giải Nobel - gần đây nhận xét là hệ thống tài chính ở Wall Street trả tiền để các nhà ngân hàng chơi đỏ đen. Nếu kết quả tốt, họ được thưởng những khoản khổng lồ. Nếu mọi chuyện xấu, họ chẳng phải chia sẻ tổn thất. Ngay cả nếu phải ra đi, họ vẫn nhận được số tiền nghỉ việc khổng lồ.

Nói cho công bằng, khi mọi chuyện tốt thì lãnh đạo các ngành khác cũng bỏ túi đậm. Năm 1994, bình quân một Giám đốc ở Mỹ được trả lương và thưởng gấp 90 lần bình quân một nhân viên văn phòng. Ngày nay, con số đó là 180 lần.

Nhưng chủ yếu vẫn là những người làm ngân hàng uống các chai rượu hàng ngàn USD và đi những chiếc xe thể thao hiệu Bentley.

Với các công ty công nghiệp hàng đầu nước Mỹ (trong danh sách Fortune 1000), Giám đốc được hưởng 2 đến 5 lần cao hơn người ở vị trí kế cận. Ở Wall Street, các lãnh đạo hàng đầu hưởng từ 20 đến 40 lần cao hơn những người kế cận.

Chẳng ngạc nhiên khi thấy khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ đã lên cao chưa từng có: 1% người giàu nhất vào năm 1976 sở hữu đến 20% của cải quốc gia, ngày nay con số đó là 50%. Theo giáo sư Paul Krugman, những thay đổi về thuế đã giúp cho chủ nhân các quỹ đầu tư nộp thuế ít hơn cả những chị lao công trong văn phòng họ.

Tại sao chẳng thấy ai than phiền? Đơn giản là khi giá tài sản liên tục tăng (ví dụ gần đây là địa ốc), mức sống không gắn với thu nhập mà với giá trị tài sản. Đơn giản là mọi người vay nhiều hơn để tiêu xài ở đẳng cấp cao hơn, và vay được là nhờ bong bóng bất động sản.

Nhớ lại khi nào nước Mỹ có khoảng cách giàu nghèo như ngày nay? Đó là năm 1929, ngay trước cuộc Đại khủng hoảng. Thập kỷ 1920 là lúc những đại gia trở nên cực giàu. Theo một nhà sử học, đó là nhờ “phép màu của vốn vay”. Nghe quen thuộc quá!

Hồi đó, các quỹ đầu tư đã tiếp tay nhau xây lên những lâu đài giấy khổng lồ. Ngày nay, nhờ giá nhà tăng cao, những người chủ nhà đã vay mượn đến mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ. Các quỹ đầu tư đã vay đến 30 lần vốn tự có để mua địa ốc thổi giá cao, mang lại cho cổ đông mức lợi nhuận “trên trời”.    

Biếm họa với tờ đô la và dòng chữ "hay tin vào Chúa trời" được thay bằng "hãy tin vào lòng tham" (ảnh: arcadiahousingblog)

Đến hai mô hình tư bản phương Tây

Trong nửa thế kỷ, toàn cầu hóa tư bản đã hình thành hai dạng chính. Loại phổ biến là tư bản kiểu Anh - Mỹ, được xây dựng trên cơ sở dùng bất cân bằng thu nhập ở mức cao để khuyến khích lao vào rủi ro kiếm lợi nhuận. Đến nay tất cả những khiếm khuyết đã bộc lộ.

Đã tan vỡ một liên minh hào nhoáng giữa Wall Street và đối tác đa quốc gia là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Sự hợp pháp của mối liên hệ này, trước đây chưa từng bị đặt dấu hỏi, đã trở nên rách nát bởi những dối trá trắng trợn.

Như một nhà quan sát nói, cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc - và những gì sau đó - đã ảnh hưởng đến vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thị trường tài chính, cũng giống như Vịnh Guantanamo đã ảnh hưởng vị thế của Mỹ về vấn đề nhân quyền.

Tổng thống Đức thậm chí đã ví các nhà quản lý quỹ đầu tư như “đàn châu chấu” và những môi giới dụ dỗ người vay như “quái vật”. Ông kêu gọi trở lại với điều ông gọi là “văn hóa ngân hàng của lục địa châu Âu”.

Tuy nhiên, mô hình châu Âu – vốn bị người Mỹ chê là nhiễm xu hướng xã hội dân chủ từ sau Chiến tranh Thế giới lần 2 – lại tạo ra thứ “tư bản phúc lợi”, trong đó hạn chế nghiêm trọng sáng tạo cá nhân và tinh thần doanh  nghiệp. Mô hình này chẳng đủ hấp dẫn để thay thế cho Wall Street.

Đông Á cần mô hình riêng

Các cuộc khủng hoảng tài chính nối tiếp nhau đã chứng minh một điều nhất quán: tự bản thân luật lệ không thể ngăn cản đầu cơ quá mức hay thông đồng. Lòng tham thúc đẩy đầu cơ để tạo ra bong bóng và sau đó xẹp xuống tệ hại. Không thể chỉ kiềm chế lòng tham bằng luật lệ, mà chỉ có thể bằng khuôn khổ đạo đức - một hệ thống giá trị của toàn thể xã hội, mà kinh doanh cũng thuộc trong đó.

Khi Đông Á nổi lên thành một khu vực kinh tế mạnh, không thể đơn thuần tiếp thụ mô hình Anh - Mỹ hay châu Âu, mà phải tạo ra một mô hình riêng.

Truyền thống đạo đức xã hội của Đông Á là mạng lưới các mối ràng buộc, tập trung vào gia đình và cộng đồng. Một chủ nghĩa cộng đồng như vậy, nếu được nuôi dưỡng và xây đắp cẩn thận, có thể thay thế cho triết lý cá nhân đấu tranh sinh tồn kiểu Đác-uyn của tư bản Anh - Mỹ hay tư bản phúc lợi kiểu châu Âu.

Tất nhiên, những người chỉ trích sẽ cho là tư bản tân-Nho giáo tương thích với loại tư bản thân quen, như đã nổi bật trong khủng  hoảng tài chính châu Á hồi 1997. Họ nói đúng. Nhưng các thiếu sót của văn hóa Đông Á không loại bỏ nhu cầu phải phát triển một hệ thống văn hóa – xã hội thay thế cho triết lý của Wall Street. Thực ra, những thiếu sót đó chỉ càng thúc đẩy các nhà tư tưởng châu Á phải cấp bách tinh lọc và xác định lại những giá trị của tân-Nho giáo.

Suy cho cùng, giải pháp duy nhất về dài hạn phải là thay đổi toàn bộ hệ thống khuyến khích của xã hội. Điều này chỉ có thể làm được nếu xã hội thay đổi cách nhìn nhận chính mình.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, đã nói chính xác về nước mình “mất ý thức về của cải chung”. Ý thức đó lại chính là tâm điểm của chủ nghĩa tư bản tân-Nho giáo. Đó chính là điều Đông Á cần, để tìm lại nền tảng cho thành công của mình, cũng như động lực cho tương lai.

  • Bùi Văn (theo Straits Times) 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,