- Dù quan điểm đầu tư còn khác nhau, nhưng có thể thấy quan điểm nào cũng toát lên sự quan tâm đặc biệt và tính sẵn sàng tham gia thị trường của các NĐT nhỏ, lẻ. Đó là cơ sở để tin rằng tuy còn trải qua những phiên hoặc thời gian điều chỉnh nhưng niềm tin sẽ tạo cho TTCK Việt Nam có tính thanh khoản tốt và hồi phục đi lên.
Trong mấy ngày nghỉ cuối tuần và lễ, các NĐT vẫn không ngừng quan tâm về diễn biến có thể xảy ra trong các phiên giao dịch từ ngày 4/9/2008. Họ trao đổi, thăm dò tin tức, đưa ra các dự đoán. Với họ, phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9/2008 quan trọng như sự “mở hàng” cho một giai đoạn mới của thị trường.
“Mơ” về thời hoàng kim 2006?
Dù phiên cuối tuần qua (29/8) VN-Index giảm điểm nhưng nhiều NĐT lạc quan cho rằng đây chỉ là phiên điều chỉnh để sau lễ 2/9 thị trường tăng mạnh như diễn biến năm 2006. Căn cứ của niềm tin này là: thông tin về kinh tế vĩ mô trong nước tương đối khởi sắc; kinh tế thế giới có những diễn biến thuận lợi; TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn thanh khoản tốt, hấp dẫn NĐT với hơn nghìn tỷ đồng giao dịch trong mỗi phiên phiên; tâm lý NĐT đang tin tưởng, vững vàng; hiện tại chưa có kênh đầu tư nào mang lợi nhuận cao như CK…
Với nhiều NĐT phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9/2008 quan trọng như sự “mở hàng” cho một giai đoạn mới của thị trường. |
Nhiều NĐT dự định sẽ mua phần lớn số tiền hoặc bỏ hết tiền (tất tay) vào cổ phiếu ngay phiên 4/9/2008. Tuy nhiên, càng đến gần ngày thị trường mở cửa trở lại, sự hưng phấn của nhiều NĐT lại giảm dần, nhiều suy nghĩ, cân nhắc được bày tỏ, cảnh báo...
Chưa có thông tin hỗ trợ?
Rất nhiều ý kiến cho rằng, thị trường đã hết thông tin tốt hỗ trợ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2008 tuy không tăng mạnh như dự đoán, nhưng tính cả năm vẫn từ 28%-33% (một con số rất cao); sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân còn khó khăn do lạm phát chưa được kiềm chế; biểu hiện sức cầu yếu, buộc các doanh nghiệp phải chịu lỗ để hạ giá thành hoặc phải thu hẹp sản xuất.
Nhiều DN đã phải chuẩn bị biện pháp đối phó những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Giá xăng ít có khả năng giảm thêm (việc này đã được cơ quan chức năng khẳng định rằng chỉ khi giá dầu thế giới giảm xuống dưới mức 100 USD/ thùng thì giá xăng dầu trong nước mới được xem xét, điều chỉnh giảm).
Lãi suất cơ bản giữ nguyên mức 14%/năm chứng tỏ lãi suất kinh doanh của các NH chưa thể giảm được ngay. Việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc mới có tính hỗ trợ cho NHTM chứ chưa thể tác động ngay đến lãi suất cho vay đối với nền kinh tế; các khoản tích lũy từ năm trước cũng như đầu năm 2007 đã được các doanh nghiệp niêm yết đưa vào báo cáo quý II, báo cáo quý III sẽ khó có thêm những số liệu tích cực…
Nỗi lo chốt lãi
Chỉ trong vòng 1 tháng, giá của hầu hết cổ phiếu đã tăng gấp đôi. Vì vậy, NĐT nào cũng sẵn sàng chốt lãi khi thị trường có dấu hiệu đi xuống. Tuần qua, nhiều phiên có biểu hiện “đảo chiều” đã phản ánh rất rõ tâm lý đó. Điều mà các NĐT nhỏ, lẻ lo ngại nhất hiện nay là các quỹ sẽ “xả” hàng.
Một NĐT cá nhân đã bày tỏ quan điểm: “NĐT nhỏ lẻ, vốn ít đã bị mất đến 70% trong đợt giải chấp trước đây bây giờ nếu ai kiên cường đeo bám thì cũng chỉ mới gỡ lại được khoảng 30%. NĐT nhỏ, lẻ mà đấu với tự doanh của các tổ chức thì thua là cái chắc. Họ có bao nhiêu tiền, bao nhiêu cổ phiếu mình đâu có biết. Còn mình có bao nhiêu tiền, bao nhiêu cổ phiếu thì họ nắm rất rõ”.
Hành động của các quỹ sau nghỉ lễ 2/9 thế nào vẫn là một ẩn số. Một số ý kiến cho rằng, những phiên khối lượng giao dịch của thị trường tăng mạnh vừa qua là do các NĐT lớn đã “xả” hàng ra để các NĐT nhỏ, lẻ hoặc mới mới mua vào. Họ sẽ tiếp tục hành động như vậy vài phiên nữa, sau đó sẽ để cho thị trường đi xuống và gom lại cổ phiếu khi thị trường bị điều chỉnh giảm sâu.
Một NĐT khác lại cho rằng: “Đây là thời điểm mọi người cần cẩn trọng. Các quỹ đã bán ra không dễ gì mua lại với giá cao hơn. Các quỹ chưa bán tất nhiên sẽ canh thời điểm để xả hàng. Vì vậy, thị trường tất yếu phải có một đợt điều chỉnh nữa để tăng mạnh. Ai đã đạt được lợi nhuận thì cũng nên xem xét chốt lời. Ai chuẩn bị mua cổ phiếu cũng không nên mua bằng mọi giá mà nên mua dần dần, nếu có biến động thì vẫn có hàng để chốt lãi”.
Thị trường vẫn còn niềm tin
Cho đến hôm nay, hầu như NĐT nào cũng có kế hoạch cho ngày 4/9. Người định mua ngay đầu phiên những cổ phiếu đã lựa chọn, kẻ sẽ tùy diễn biến của phiên 1 để quyết định mua hay bán từ phiên thứ 2.
Chị Nguyên, một NĐT cho rằng: “Sàn HASTC, muốn mua thì phải mua ngay phiên 4/9, sàn HOSE thì để sang phiên 5/9 mua cũng chưa muộn”. Nhưng lại có quan điểm cho rằng: “Có hai kịch bản có thể diễn ra. Thứ nhất, thị trường sẽ tiếp tục được đẩy mạnh lên 650 điểm (sàn TP.HCM) bất chấp tốt xấu, chỉ cần có "lòng tham". Thứ hai, thị trường tiếp tục điều chỉnh sâu hơn trong quãng 480-500 điểm để có sóng dài hơn, kết hợp “rung, lắc” để các NĐT nhỏ, lẻ nhả hàng tốt và gom dần. Diễn biến thị trường nằm trong tay các “đại gia” và các quỹ, vấn đề là họ muốn đẩy thị trường lên hay cho thị trường điều chỉnh sâu để tạo sóng dài hơn? Cả 2 khả năng này là 50/50”.
Nhiều NĐT đang hy vọng TTCK lặp lại kịch bản như cuối năm 2006. Ảnh: VNN. |
Có NĐT lại cho rằng: “Thị trường không thể giảm mạnh nhưng tăng mạnh cũng khó vì các cổ phiếu lớn hết đà. Nhiều DN sản xuất, kinh doanh rất khó khăn nhưng đợt vừa rồi cổ phiếu của họ cũng tăng là vô lý. Tuy nhiên nhiều cổ phiếu vẫn còn khă năng sinh lời tốt, nhưng việc mua vào bây giờ cần nghiên cứu kỹ, một số cổ phiếu đến cuối năm có thể cho lợi nhuận cao. Lực đẩy lớn nhất hiện nay là tiền vẫn đổ vào nhiều nhưng nguồn cung sắp tới rất lớn, có khoảng 1 tỷ cổ phiếu sẽ niêm yết và phát hành thêm ở HOSE và khoảng 500 triệu ở HASTC đồng thời sàn OTC sắp hoạt động. Vậy có thể dùng 50% tiền mua CP trên sàn nhưng lựa chọn kỹ còn 50% chờ cổ phiếu mới, hoặc mua OTC”.
Những NĐT thận trọng thì giữ quan điểm bình tĩnh, xem xét, nghe ngóng thị trường. Họ cho rằng không nên mua vội mua vàng có thể chưa hết T+3 thì đã bị thị trường “xả hàng”. Nguyên tắc của các NĐT này là chỉ mua khi biết được tín hiệu thị trường có hỗ trợ và biết chắc xu hướng tăng điểm của thị trường...
Dù quan điểm đầu tư còn khác nhau, nhưng có thể thấy quan điểm nào cũng toát lên sự quan tâm đặc biệt và tính sẵn sàng tham gia thị trường của các NĐT nhỏ, lẻ. Đây mới là cơ sở để tin rằng tuy còn trải qua những phiên hoặc thời gian điều chỉnh nhưng niềm tin sẽ tạo cho TTCK Việt Nam có tính thanh khoản tốt và hồi phục đi lên.
-
Trịnh Ngọc LanÝ kiến bạn đọc: