Giá dầu tăng cao làm giảm tốc độ phát triển kinh tế của Mỹ và tàn phá ngành công nghiệp ô tô của nước này. Các chính trị gia đang bàn về các giải pháp cho vấn đề năng lượng, cho dù vẫn chỉ là những lời nói qua lại với nhau. Không ai nhớ một đề xuất rất độc đáo đã bị bỏ lỡ từ năm 1975.
Ảnh: Fricks
Thời điểm hiện nay cũng giống như năm 1974 khi mà cơn sốc giá dầu đầu tiên đã xảy ra do các nước xuất khẩu dầu thuộc Ả-rập áp dụng chính sách cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ nhằm trả đũa nước này ủng hộ Israel trong cuộc chiến Ả-rập - Israel năm 1973. Và cũng chính từ biến cố này, các nước xuất khẩu dầu đã nhận ra rằng họ có thể thu được từ việc bán dầu nhiều hơn những gì họ đã nghĩ.
Từ những bối cảnh của năm 2008, có thể nhìn lại quá khứ để thấy điều nổi bật nhất: năm 1975 có một vị tổng thống thực sự muốn đương đầu và giải quyết vấn đề này. Câu trả lời ông đưa ra có vẻ rất phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, thậm chí những biện pháp nếu được tiến hành còn mạnh hơn nhiều so với những gì cần phải làm thời điểm đó.
Tổng thống Mỹ lúc đó là Gerald Ford đã đề xuất một biện pháp đối phó với giá dầu tăng cao bằng cách... tăng giá dầu.
Ngay cả đến hôm nay, đề xuất này vẫn được gọi là cấp tiến và rất có ý nghĩa về mặt kinh tế.
Liệu có thể thấy được nghe những tuyên bố như dưới đây từ ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ McCain hay Barack Obama không?
“Để đảm bảo sự ổn định về sản xuất năng lượng trong nước trong bối cảnh giá thế giới biến động mạnh, tôi sẽ yêu cầu cơ quan lập pháp đồng ý việc áp thuế, khống chế hạn ngạch nhập khẩu, hay đặt giá sàn để duy trì giá năng lượng ở mức có thể đảm bảo sự độc lập về năng lượng.”
“Chỉ tăng nguồn cung năng lượng không thôi thì chưa đủ. Chúng ta phải thực hiện các bước khác để giảm mức tiêu thụ trong tương lai.”
“Hiển nhiên là, bảo tồn một cách tự nguyện các nguồn năng lượng sẽ vẫn rất cần thiết nhưng các chương trình cứng rắn hơn sẽ cũng rất cần thiết, cần ngay từ lúc này.”
Trên đây là trích đoạn trong bản thông điệp Liên bang của Tổng thống Ford năm 1975.
Tổng thống Ford muốn khoan dầu nhiều hơn, sử dụng năng lượng nguyên tử và than nhiều hơn, nhưng ông cũng muốn giảm mức tiêu thụ xuống.
Người suốt một phần tư thế kỷ là đại biểu của bang Michigan lại muốn ép ngành công nghiệp của bang này tăng tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng của ô tô. Ông muốn Nghị viện áp thuế để đảm bảo rằng giá xăng sẽ không giảm và muốn Nghị viện phê chuẩn thuế tài nguyên để đảm bảo rằng các công ty khai thác dầu mỏ không thu lợi quá nhiều.
Ngày hôm nay, hai ứng cử viên đang giằng co với đến vấn đề năng lượng như: Khoan nhiều hơn nữa hay bảo tồn hơn nữa, đánh thuế công ty dầu mỏ hay trợ giá cho việc thăm dò.
Tuy nhiên cả hai ứng cử viên có một điểm chung là giá xăng cần phải được hạ xuống. Ông McCain ủng hộ việc tạm thời xoá bỏ thuế xăng, còn ông Obama lại muốn lấy dầu từ kho dự trữ chiến lược ra tiêu dùng.
Rất có thể giá dầu mỏ sẽ giảm nhưng mức giá vẫn cao hơn nhiều so với một vài năm trước. Sự suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ khiến giá giảm xuống như cách đây một thế hệ. Các chính trị gia này sẽ tiếp tục tranh luận các vấn đề khác nữa và có thể sẽ không có một chính sách năng lượng hợp lý nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên này cho thế hệ sau.
Ông Frank Zarb có một ý kiến tốt hơn nhiều. Ông là chiến lược gia năng lượng của Tổng thống Ford và ông có vai trò lớn trong soạn thảo các đề xuất về năng lượng năm 1975.
“Nếu tôi là một ứng cử viên, tôi sẽ tập trung cao vào vấn đề này,” ông Zarb phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội của Đảng dân chủ.
“Tôi sẽ nói rằng: tôi có vô vàn ý tưởng chính sách. Nhưng nếu ai có ý tưởng khác, chúng ta có thể xem xét, miễn là giải quyết được mục tiêu chung.”
Các chính sách có thể sẽ không khác so với những gì được đưa ra trong năm 1975. Đó là phải có một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tăng cung năng lượng và giảm cầu về dầu. Điều đó có thể là khoan thêm dầu, hoặc cũng có thể là tìm nguồn năng lượng thay thế.
Một bài học mà Tổng thống Ford hiểu rất rõ là cần phải tăng giá. Trong những thập kỷ gần đây, đầu tư cho năng lượng là quá ít ỏi, kể cả việc thăm do khai thác dầu cũng như tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế khác. Hơn nữa, việc bảo tồn nguồn tài nguyên này vẫn chưa được thực hiện một cách xứng đáng.
Cả các công ty cung cấp lẫn người tiêu dùng đều không có phản ứng gì vì họ tin rằng giá năng lượng sẽ ở mức cao.
Tổng thống Ford hiểu rằng trong thời kỳ kinh tế suy thoái, tăng thuế tuyệt đối không phải là giải pháp lý tưởng. Ông kiến nghị sẽ bù lại khoản thuế này cho doanh nghiệp bằng việc cắt giảm thuế thu nhập và các khoản giảm trừ khác.
Hành động này sẽ làm cho đồng tiền chảy vào nền kinh tế. Tuy vậy, đề xuất của vị Tổng thống thuộc Đảng Cộng hoà này không được Quốc hội thông qua.
“Thượng nghị sỹ Henry Jackson bảo tôi rằng: Chúng ta sẽ không có một chính sách năng lượng nếu anh không thể đưa ra được một lệnh cấm vận mới”, ông Zarb cho biết. Thượng nghị sỹ Henry Jackson thuộc Đảng Dân chủ khi đó là Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Thượng viện, cơ quan chuyên soạn thảo và xử lý các văn bản liên quan đến năng lượng. “Và ông ấy đã đúng!"
Nếu Mỹ thực hiện các giải pháp như Tổng thống Ford áp dụng 33 năm trước, Mỹ sẽ phải trả giá xăng cao hơn trong một thời gian nhất định. Sự phát triển bùng nổ về kinh tế thập kỷ 80 do giá dầu tụt giảm có thể bị hãm lại.
Nhưng nếu tiêu dùng năng lượng giảm thì cho tới thập kỷ này Mỹ đã có một vị trí tốt hơn rất nhiều khi mà sự phát triển của Ấn Độ và Trung Quốc đang khiến nhu cầu năng lượng tăng lên rất mạnh.
Giá dầu gần như chắc chắn sẽ thấp hơn hiện nay.
Một dấu hiệu tiến bộ trong đề xuất của Tổng thống Ford ngay từ năm 1975 là ông muốn cắt giảm nhập khẩu một nửa với mức 2 triệu thùng dầu/ngày. Nếu áp dụng chính sách này hiện nay, Mỹ sẽ phải cắt giảm nhập khẩu 5 triệu thùng/ngày.
Ông Zarb cho biết đề xuất của Tổng thống Ford sẽ là một lợi thế chính trị cho ứng cử viên nào biết nắm bắt trước. Ứng cử viên đó phải luôn coi vấn đề này là một trọng tâm và cần biến nó thành nỗ lực của cả 2 đảng. Ứng cử viên còn lại chắc chắn sẽ thấy mình mất lợi thế và không kịp trở tay.
Tôi đoán rằng ứng cử viên còn lại sẽ vui mừng đáp trả bằng việc cần thiết phải tăng thuế năng lượng, ông Zarb nói thêm.
Ứng cử viên đó có thể sẽ phản hồi lại bằng những băng-zôn với những khẩu hiệu đại loại như “Đối thủ của tôi nghĩ rằng các bạn trả chưa đủ cho giá xăng. Nếu bạn đồng ý với luận điểm đó, hãy bỏ phiếu cho ông ấy. Nhưng nếu các bạn nghĩ giá xăng quá cao và đã đến lúc Chính phủ phải cắt giảm thì hãy bỏ phiếu cho tôi.”
Tuy nhiên, chắc chắn cả hai ứng cử viên Obama và McCain đều hiểu rằng việc sử dụng khẩu hiệu như thế là không công bằng. Mặc dù vậy, cả 2 ứng cử viên đều sẽ không dám theo đuổi một chính sách dài hơi, mà kết quả ngắn hạn lại là một cú sốc tăng giá.
Có thể, các ứng viên còn nhớ ứng cử viên tổng thống Adlai Stevenson từng hứa sẽ “nói chuyện lý lẽ với người Mỹ” trong chiến dịch tranh cử của mình.
Trong cả hai lần ứng cử ông đều thất bại.
-
Hà Linh (Theo Herald Tribune)