Giá dầu tăng cao. Doanh thu của ngành công nghiệp dầu mỏ đang tăng lên mạnh mẽ và hệ quả của nó là sự tăng vọt trong thanh toán toàn cầu. Xu hướng này khiến nhiều người liên tưởng đến sự mất cân bằng thanh toán toàn cầu dẫn đến cuộc khủng hoảng tín dụng tại những thị trường mới nổi vào năm 1982.
Doanh thu của ngành công nghiệp dầu mỏ đang tăng lên mạnh mẽ và hệ quả của nó là sự tăng vọt trong thanh toán toàn cầu. (Ảnh: Seekingalpha) |
Theo các chuyên gia, hiện nay, thế giới trở nên cân bằng hơn khi doanh thu từ dầu mỏ ngoài khu vực Trung Đông đang tăng lên. Điều này giúp làm giảm nguy cơ mất thăng bằng thanh toán toàn cầu do những đồng đô-la từ sản xuất dầu mỏ (petrodollars) tạo ra.
Khủng hoảng nợ 1982 bắt nguồn từ những đồng đô-la dầu mỏ
Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ với giá dầu tăng vọt trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước, các quốc gia Trung Đông đã gửi những khoản tiền kếch xù từ khai thác dầu vào các ngân hàng lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng sụt giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các nước công nghiệp phát triển khiến các ngân hàng này đã phải tìm kiếm những đối tượng vay mới.
Trong cùng thời gian đó, việc giá dầu leo thang đã khiến thâm hụt thương mại ở các nước đang phát triển ngày càng lớn, khiến họ cần một khoản tiền vay lớn từ bên ngoài để bù đắp. Tình huống này dẫn tới sự hình thành chu kỳ của đồng đô-la dầu mỏ.
Với việc các quốc gia đi vay không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi giá dầu vẫn nằm ở mức cao, khủng hoảng nợ đã bùng nổ vào thập kỷ 80 thế kỷ trước.
Tuy nhiên, có nhiều điểm khác biệt giữa đợt giá dầu leo thang trong những năm gần đây so với những năm 1970.
Ảnh hưởng của đô-la dầu mỏ đã giảm đi nhiều
Từ năm 1978 đến năm 1982, gần như toàn bộ thặng dư tài khoản vãng lai có nguồn gốc từ dầu mỏ thuộc sở hữu của các quốc gia Trung Đông. Từ năm 2001 đến năm 2006, tỷ lệ này giảm hơn một nửa do lượng khai thác dầu mỏ tại các khu vực khác tăng lên mạnh.
Tầm ảnh hưởng của những đồng đô-la dầu mỏ đối với kinh tế toàn cầu hiện nay đã giảm đi nhiều so với những năm 1970.
- Trong 5 năm từ năm 1978 đến 1982, chỉ những nước sản xuất dầu chính và Nhật Bản có thặng dư thanh toán vãng lai. Thặng dư thanh toán vãng lai của Nhật Bản chưa bằng 1/6 của các nước sản xuất dầu mỏ nên thực sự đồng đô-la có nguồn gốc từ dầu mỏ là nguồn có khả năng thanh toán quốc tế gần như duy nhất.
- Trái lại, trong 5 năm từ 2002 đến 2006, thặng dư tài khoản vãng lai của các nước sản xuất dầu mỏ là 760 tỷ USD, nhỏ hơn một chút so với thặng dư của Nhật Bản và nhỉnh hơn một chút so với thặng dư của các nên kinh tế mới nổi ở châu Á với 675 tỷ đô-la.
Đầu tư từ đồng đô-la dầu mỏ: Nhiều thay đổi lớn
Hiện nay, cách sử dụng những đồng USD lợi nhuận từ các nước sản xuất dầu mỏ cũng có sự thay đổi lớn.
1. Tài sản ít rủi ro: Không giống như những năm 1970 khi mà trái phiếu chính phủ chỉ chiếm một lượng nhỏ trong danh mục đầu tư chứng khoán của các quốc gia sản xuất dầu mỏ, trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, các nước này dành một phần tương đối lớn đồng đô-la dầu mỏ để mua trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ.
2. Đầu tư nội địa: Các quốc gia sản xuất dầu mỏ Trung Đông đã dành sự đầu tư lớn hơn cho khu vực này. Trong đó, họ tập trung đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng nhằm phát triển những ngành phi dầu mỏ so với những năm 1970.
3. Địa điểm đầu tư thay đổi: Không giống như những năm 1970 khi mà tất cả các thị trường mới nổi đều lệ thuộc vào đồng đô-la dầu mỏ để bù đắp khoản thâm hụt tài khoản vãng lai, hiện nay đã có sự thay đổi lớn. Các thị trường mới nổi ở châu Âu và các quốc gia phi sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông đang chịu thâm hụt tài khoản vãng lai lớn.
Trong đó, các quốc gia phi sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đang nhận được những khoản vốn lớn từ các quốc gia sản xuất dầu mỏ trong khu vực và tất nhiên những nền kinh tế này sẽ rất dễ bị tổn thương nếu nguồn vốn từ đồng đô-la dầu mỏ giảm sút. Tuy nhiên, đa phần các quốc gia ở Nam Mỹ và châu Á đang có thặng dư tài khoản vãng lai và do đó họ không bị lệ thuộc vào đồng đô-la dầu mỏ.
-
Hà Linh (Oxford Analytica)