- Trái ngược với sàn TP.HCM, chỉ số HASTC-Index sàn Hà Nội đã đảo chiều tăng mạnh vào cuối phiên. Mức tăng điểm lên tới gần 4% nhờ vào sức cầu tăng đột biến ở một số mã cổ phiếu xi măng, chứng khoán.
Giao dịch tiếp tục sôi động trên cả 2 sàn. Số lượng các nhà đầu tư bán cổ phiếu ra để chốt lãi sau thị trường hồi phục mạnh mẽ trong vòng hơn 2 tuần khá nhiều. Tuy nhiên, sức cầu cổ phiếu cũng khá mạnh khiến giao dịch thành công luôn đứng ở mức cao.
Kết thúc phiên giao dịch 29/8, chỉ số VN-Index đã giảm 8,59 điểm, xuống 539,1 điểm. (Ảnh: LAD)
Sàn HOSE: VN-Index xuống dưới 540 điểm
Kết thúc phiên giao dịch 29/8, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã giảm 8,59 điểm (tương đương giảm 1,56%) xuống 539,1 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công tiếp tục đứng ở mức cao với gần 29,4 triệu đơn vị, trị giá 1.409 tỷ đồng.
Trong tổng số 156 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 60 mã tăng giá (trong đó có 39 mã tăng giá kịch trần), 87 mã giảm giá (64 mã giảm kịch sàn) và 13 mã đứng giá.
Các cổ phiếu tăng mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: DPR của Cao su Đồng Phú (tăng 3.000 đồng, lên 69.500 đồng/cp); NKD của Bánh kẹo Kinh Đô miền Bắc (tăng 3.000 đồng, xuống 69.000 đồng/cp); NTL của Nhà Từ Liêm (tăng 3.000 đồng, lên 71.000 đồng/cp); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (tăng 3.000 đồng, lên 67.000 đồng/cp); SHC của Hàng Hải Sài Gòn (tăng 2.500 đồng, lên 61.000 đồng/cp).
Các cổ phiếu giảm giá nhiều nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: TCT của Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (giảm 8.000 đồng, xuống 158.000 đồng/cp); BMC của Khoáng sản Bình Định (giảm 8.000 đồng, xuống 153.000 đồng/cp); DHG của Dược Hậu Giang (giảm 6.000 đồng, xuống 131.000 đồng/cp); VNM của Vinamilk (giảm 5.000 đồng, xuống 106.000 đồng/cp); VIC của Vincom (giảm 5.000 đồng, xuống 107.000 đồng/cp).
Các cổ phiếu cố khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: SSI của Chứng khoán Sài Gòn (3,09 triệu đơn vị); STB của Ngân hàng Sacombank (với 3,04 triệu); DPM của Đạm Phú Mỹ (2,83 triệu); SAM của Cáp và Vật liệu Viễn thông Sacom (1,86 triệu); HPG của Tập đoàn Hoà Phát (1,60 triệu).
HASTC-Index tăng gần 4%
Chỉ quay đầu giảm đúng 1 phiên, sáng 29/8, sàn Hà Nội (HASTC) đã tăng mạnh nhờ sức cầu một số cổ phiếu chủ chốt như BVS (Chứng khoán Bảo Việt), BCC (Xi măng Bỉm Sơn), BTS (Xi măng Bút Sơn), HPC (Chứng khoán Hải Phòng), KLS (Chứng khoán Kim Long), KBC (Phát triển Đô thị Kinh Bắc) và 1 số cổ phiếu họ Sông Đà tăng vọt vào gần cuối phiên. Giao dịch tiếp tục rất sôi động.
Cụ thể, chỉ số HASTC-Index đã giảm gần như toàn bộ thời gian trong phiên giao dịch (có lúc giảm tới gần 3%) nhưng đã bật dậy từ khoảng 10h15 và chung cuộc tăng 7,28 điểm (tương đương tăng 3,93%) lên 192,43 điểm.
Khối lượng giao dịch thành công tiếp tục đứng ở mức rất cao phiên thứ 3 liên tiếp, đạt 18,1 triệu đơn vị, trị giá 856,6 tỷ đồng (so với 20 triệu đơn vị và 744,4 tỷ đồng phiên liền trước).
Thống kê cho thấy, trong tổng số 147 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn Hà Nội, có 40 mã tăng giá, 103 mã giảm giá và 3 mã đứng giá (là L18, PGS và VC7) và 1 không có giao dịch (tiếp tục là HSC của Hacinco).
Các cổ phiếu có giá bình quân trong cả phiên tăng mạnh nhất bao gồm: BVS của Chứng khoán Bảo Việt (tăng 4.300 đồng, lên 67.600 đồng); SD7 của Sông Đà 7 (tăng 3.000 đồng, lên 50.800 đồng); GHA của Hapaco Hải Âu (tăng 2.500 đồng, lên 40.200 đồng); HPC của Chứng khoán Hải Phòng (tăng 2.500 đồng, lên 40.100 đồng); PVE của Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Dầu khí (tăng 2.400 đồng, lên 37.000 đồng).
Theo biên độ, tăng mạnh nhất là DST của Sách Thiết bị Giáo dục Nam Định (+6,99%). Tiếp theo là SAP của In Sách giáo khoa TP.HCM (+6,97%).
Các cổ phiếu có giá bình quân trong cả phiên giảm mạnh nhất bao gồm: VSP của Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin (giảm 16.800 đồng, xuống 223.500 đồng); DTC của Đông Triều Viglacera (giảm 10.700 đồng, xuống 143.000 đồng); KKC của CTCP Sản xuất và kinh doanh Kim khí (giảm 7.200 đồng, xuống 116.100 đồng); HLY của Viglacera Hạ Long (giảm 6.400 đồng, xuống 85.500 đồng); CDC của Đầu tư và Xây lắp Chương Dương (giảm 6.200 đồng, xuống 82.600 đồng).
Theo biên độ, giảm mạnh nhất là NBC của Than Núi Béo với 7%, tiếp theo là VSP của Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin với 6,99%.
Về khối lượng giao dịch, ACB của Ngân hàng Á Châu đứng đầu với 2,20 triệu đơn vị. Tiếp theo là PVI của Bảo hiểm Dầu khí (1,13 triệu); PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (1,09 triệu); KLS của Chứng khoán Kim Long (0,75 triệu) và HPC của Chứng khoán Hải Phòng (0,69 triệu).
-
Nhất Linh