221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1100628
Tăng lãi suất: Ngân hàng nói khó, khách hàng nói không
1
Article
null
Tăng lãi suất: Ngân hàng nói khó, khách hàng nói không
,

 - Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng (NH) đôn đáo liên hệ với khách hàng vay vốn đề nghị khách hàng chấp nhận trả thêm lãi suất (LS). Đa số  khách hàng từ chối đề nghị này.

Gửi thông báo mời khách hàng đến trụ sở, gọi điện thoại liên tục, cử cán bộ đến tận nhà hoặc nơi làm việc của  khách hàng đã vay vốn trước đây với mức LS từ 11%- 16%/năm, nay vẫn trong hạn với mức LS cố định như cũ. Chưa bao giờ thấy các NH ráo riết với khách hàng đến vậy. 

Lý do NH yêu cầu  thay đổi hợp đồng tín dụng là thị trường tiền tệ, LS huy động vốn thời gian vừa qua đã có những biến động lớn và thay đổi liên tục, dẫn đến sự thay đổi về qui định LS trần cũng như giá vốn đầu vào của NH tăng cao, đặc biệt là vào thời điểm tháng 12/2007 và tháng 2/2008. 

Nếu điều khoản điều chỉnh LS không có trong HĐTD đã ký kết thì đa phần khách hàng từ chối đề nghị tăng LS của NH. Ảhh minh họa

Theo một số NH,  các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước đây không còn phù hợp nữa.  Một số NH đề nghị thỏa thuận với  khách hàng thay đổi LS và một số điều khoản của hợp đồng tín dụng (HĐTD). Khi trao đổi với khách, nhân viên NH trình bày LS tiền gửi hiện đã quá cao, nếu duy trì mức LS cho vay cũ thì NH khó khăn và khó còn lợi nhuận nên đề nghị khách hàng chấp nhận trả tăng thêm LS. Tất nhiên, nếu việc điều chỉnh LS không có trong HĐTD đã ký kết thì đa phần khách hàng (đã ký HĐTD với LS cố định)  từ chối đề nghị tăng LS của NH.

Hai bên cùng khó 

Qua hành động ráo riết đề nghị khách hàng chấp nhận tăng LS hiện nay có thể thấy nhiều NH đang khó khăn về thu nhập. 

Trong điều kiện mặt bằng LS ổn định thì các NH có thể  dự kiến được mức chênh lệch LS đầu vào và đầu ra để duy trì lợi nhuận, nhưng  trong bối cảnh diễn biến LS phức tạp như 6 tháng đầu năm 2008 thì mọi dự kiến đã bị đảo lộn.  

Nguồn tiền gửi ngày càng ngắn, chủ yếu kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, trong khi tỷ trọng cho vay trung và dài hạn vẫn còn khá lớn (khoảng trên dưới 40%/tổng dư nợ). LS tiền gửi thì liên tục điều chỉnh tăng, trong khi LS cho vay ngắn hạn (từ 12 tháng trở xuống) cố định và LS cho vay trung và dài hạn thì 6 tháng hoặc 1 năm mới được điều chỉnh một lần. Vì vậy, nhiều NH cực chẳng đã phải đòi khách hàng chấp nhận tăng LS. 

Tuy nhiên về phía khách hàng cũng có những khó khăn. Chị Thúy (một khách hàng ở Hà Nội) nói: “NH khó khăn, chúng tôi cũng khó khăn lắm chứ, giá cả tăng cao, tiền chẳng có dư mà hàng tháng vẫn cứ phải cố thu xếp trả cả gốc, lãi NH. Bây giờ tăng LS lên nữa thì tiền đâu mà trả, trong HĐTD tôi ký với NH là vay với LS cố định thì cứ đúng LS ấy tôi trả”. 

Lý do vì LS huy động tăng nên phải tăng LS cho vay hầu như không thuyết phục được khách hàng, một số NH  nói với khách nếu chấp nhận tăng LS thì sau này các đề nghị xin vay tiếp sẽ được ưu tiên, được hưởng các dịch vụ ưu đãi khách hàng…Tuy nhiên, chỉ có  các hộ nông thôn không có nhiều cơ hội để tiếp cận với nhiều NH mới ngại không được tiếp tục vay vốn nữa, còn khách hàng ở đô thị thì lại không ngại điều này.

Bài học cho cả NH và khách hàng

HĐTD của NH thường rất chi tiết, kỹ càng với nhiều ràng buộc chặt chẽ về nghĩa vụ của  khách hàng,  tuy nhiên, về vấn đề LS thì lại lỏng lẻo và không dự tính được rủi ro. 

Cũng như các hợp đồng tài chính khác, HĐTD của các NH rất chi tiết, kỹ càng với nhiều ràng buộc chặt chẽ về nghĩa vụ của  khách hàng. Tuy nhiên, HĐTD lại  không dự tính được rủi ro cũng như sự biến động bất thường của LS thị trường. 

Không chỉ  đối với các khoản vay ngắn hạn, ngay cả với khoản vay trung hạn, mẫu HĐTD của một số NH cũng không quy định rõ ràng về việc điều chỉnh LS.  

Một chuyên viên của Phòng Nguồn vốn và hợp tác quốc tế của Công ty tài chính Than - Khoáng sản VN cho biết: “Hợp đồng tín dụng của các NH nước ngoài rất chặt chẽ, bao giờ cũng có những điều khoản liên quan đến quy định lãi suất là mức LS áp dụng căn cứ trên tính sẵn có của khoản tiền cho vay; và LS có thể điều chỉnh theo mức điều chỉnh LS của ngân hàng trung ương (central bank) v.v. điều này giúp các NH chủ động trong việc phòng tránh rủi ro về LS trong suốt  thời gian cho khách hàng vay”. 

Có thể thấy, từ nay trở đi, vấn đề LS sẽ được các NH quy định rất chặt chẽ trong các HĐTD. Có thể vì lợi ích của mình, một số NH  sẽ đưa ra các điều khoản không công bằng với khách hàng. Ví dụ, gần đây mẫu HĐTD và phụ lục tín dụng của một NH có điều khoản  sẽ áp dụng cố định lãi suất 21%/năm cho các khoản vay mới  và  NH có quyền tăng LS áp dụng nếu lãi suất cơ bản (LSCB) tăng, nhưng lại không đề cập đến vấn đề nếu LSCB giảm thì NH có giảm LS cho vay đối với khách hàng hay không… 

Vì vậy, khách hàng vay vốn cũng nên thận trọng khi ký HĐTD, nếu thấy những điều khoản nào chưa hợp lý nên cân nhắc và thương thảo lại với NH.

  • Hoài Sơn
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,