Ngay sau khi có dự báo cơn bão nhiệt đới Fay sẽ không ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất dầu tại Vịnh Mexico, giá dầu đầu giờ chiều 19/8 (giờ Việt Nam) đã quay đầu giảm xuống dưới 112 USD/thùng.
Cụ thể, giá dầu giao tháng 9 trên Sàn New York đã giảm 1,11 USD (tương đương giảm 1%) xuống 111,76 USD/thùng.
Ảnh minh hoạ: AP
Theo dự đoán của phần lớn các chuyên gia trên thế giới, xu hướng giảm giá sẽ tiếp tục cho dù hiện tại giá dầu đã giảm khoảng 23% so với mức cao kỷ lục 147,27 USD/thùng ghi được vào ngày 11/7 do đồng USD tăng giá tuần thứ 5 liên tiếp so với đồng euro và nhu cầu tiêu thụ giảm trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ và EU tiếp tục suy giảm.
Tuy nhiên, việc dầu giảm sâu xuống dưới 100 USD/thùng - ngưỡng lần đầu tiên được lập vào đầu năm nay, là điều mà ít chuyên gia nghĩ tới.
Trung tâm nghiên cứu năng lượng toàn cầu (CGES), một tổ chức chuyên tư vấn về năng lượng hôm 18/8 vừa cho biết, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) rất có thể sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu để tránh nguy cơ giá của mặt hàng tối quan trọng này xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng.
“Viễn cảnh kinh tế thế giới ngày càng đang xấu đi cho thấy giá dầu sẽ còn giảm nữa, tuy nhiên OPEC có thể sẽ hành động để ngăn cản xu hướng này. Theo kế hoạch, các thành viên của OPEC sẽ nhóm họp vào đầu tháng 9 tới”, CGES nhận định trong một bản báo cáo hàng tháng mới nhất của mình. Quyết định giữ nguyên hay cắt giảm sẽ được 13 đại diện của OPEC đưa ra tại cuộc họp vào ngày 9/9 tại Vienna, Áo.
“Có một nguy cơ là nếu OPEC phản ứng thái quá bằng việc cắt giảm mạnh sản lượng dầu khai thác thì giá dầu không những không giảm mà còn tăng trở lại”, CGES dự báo.
TIN LIÊN QUAN
Giá dầu thế giới đã tăng trong phiên giao dịch đầu tuần, có lúc lên tới hơn 115 USD/thùng do lo ngại cơn bão nhiệt đới Fay có thể ập đến bang Florida của Mỹ, sau khi đi qua Cộng hòa Dominica, Haiti và Cuba và ảnh hưởng tới nguồn cung dầu tại vịnh Mexico. Tuy nhiên, cho tới đầu giờ sáng 19/8 (giờ Việt Nam), những lo ngại này đã dịu đi do cơn bão suy yếu và có thể không gây ra thiệt hại.
CGES tin rằng các nước thành viên OPEC - hiện đang đối mặt với chi tiêu công và lạm phát tăng, sẽ không thể hài lòng khi giá dầu tụt giảm xuống dưới 100 USD.
Nếu chưa tính tới tác động của việc OPEC có thể cắt giảm sản lượng, thì hầu hết các chuyên gia đều cho rằng dầu đang nằm trong xu hướng giảm giá.
Ông Mark Pervan, chiến lược gia cao cấp về hàng hoá của Australia & New Zealand Banking Group Ltd. (ANZ) tại Melbourne trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hãng truyền hình Bloomberg hôm 18/8 cho biết nhu cầu về dầu sẽ còn suy yếu trong vòng 6 tới 9 tháng nữa.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế đang suy giảm từ Mỹ sang Âu và Á.
Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm 2008 so với 3,7% trong năm 2007.
Cùng với sự suy thoái về kinh tế, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của hầu hết các nước, trong đó có Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới (khoảng 25% sản lượng), được dự báo sẽ giảm mạnh.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu tiêu thụ xăng trên thế giới trong tháng 7 vừa qua giảm 2% so cùng kỳ năm trước. IEA dự báo, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của 30 nước công nghiệp phát triển nhất, chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ, sẽ giảm 1,3% so với năm ngoái, xuống còn 48,6 triệu thùng/ngày.
Trước đó, trong một khảo sát vừa được công bố vào ngày 6/8 của Reuters, sản lượng dầu do các nước OPEC cung cấp đã tăng trong 3 tháng liền, trong đó Saudi Arabia tăng sản lượng nhiều nhất. Theo dự báo của nhóm khảo sát, giá dầu có thể xuống còn khoảng 100 USD/thùng trong tháng tới nếu như nhu cầu tiếp tục giảm.
Cùng chung một nhận định như Reuters, Công ty đầu tư Alliance Trust dự báo trong tháng tới, giá dầu thô có khả năng hạ xuống mức 100 USD/thùng.
Thậm chí, trước đó, Chủ tịch Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Chakib Khelil còn dự báo giá dầu có thể giảm xuống 70-80 USD/thùng nếu đồng USD tăng giá và căng thẳng Iran hạ nhiệt.
Trên thực tế, căng thẳng tại Iran đã giảm. Còn những lo ngại về nguồn cung dầu tại châu Âu đã lắng dịu sau khi cuộc chiến tại Gruzia tạm ngưng.
Ngoài nguy cơ giảm cầu, sự phục hồi của đồng USD cũng là nguyên nhân khiến giá dầu mỏ liên tục giảm. Đồng tiền xanh này đã tăng giá 5 tuần liên tiếp so với euro.
Mặc dù các phân tích về xu hướng giá dầu giảm có rất nhiều cơ sở đáng tin cậy nhưng cũng có không ít các dự báo cho rằng giá dầu sẽ còn tăng mạnh.
Ngày 13/7 vừa qua, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã đưa ra một dự báo khá sốc đối với các nhà đầu tư, theo đó giá dầu thô thế giới có thể lên tới 300 USD/thùng trong năm nay do tình trạng đầu cơ, bất ổn ở một số quốc gia sản xuất dầu và thiếu vốn đầu tư cho các dự án xây dựng nhà máy lọc dầu.
Ngày 3/7, phát biểu trước báo giới bên lề chuyến thăm quốc gia giàu dầu mỏ Adécbaidan của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Giám đốc điều hành Tập đoàn Gazprom, Alexei Miller, dự đoán “giá dầu sẽ sớm đạt mức 250 USD/thùng".
Ông Miller cũng cho rằng sản lượng dầu của Nga sẽ giảm trong vài năm tới.
Trước đó, một loạt các dự báo khác cũng nhận định giá dầu có thể đạt mức từ 150-170 USD/thùng trong năm nay.
-
Hà Linh (Theo Bloomberg, MarketWatch, Mercury News, CNN)