– Chỉ chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp (DN) cả nước nhưng các DN lĩnh vực nông nghiệp lại chiếm tới 2,3% lợi nhuận của toàn bộ các DN. Lợi nhuận cao nhưng vì sao lĩnh vực này vẫn chưa thu hút được nhiều DN?
GS Võ Tòng Xuân nói rằng, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, cái mà chúng ta cần là những DN, doanh nhân có sáng kiến, có đầu óc kinh doanh và xông xáo, chứ không phải là những DN thụ động, ngồi chờ vốn, chờ thị trường theo kiểu “nước chảy bèo trôi”.
Minh chứng điều này, GS Võ Tòng Xuân đưa ra ví dụ về một DN ở Phú Quốc đã biến trái sim, từ chỗ là một loại quả “gần như không dùng vào việc gì” đã trở thành nguyên liệu để sản xuất ra một loại rượu vang rất đắt tiền, được ưa chuộng.
Hay một DN phía Nam khác rất chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ động đi đầu tư ở châu Phi mà không trông chờ vào lời mời của thị trường cũng như nguồn vốn do Nhà nước cấp. Và cho đến nay, DN đó đã thiết lập được quan hệ và đưa cán bộ, nông dân VN sang đó làm việc, làm giàu.
Bên cạnh sự xông xáo, theo GS Võ Tòng Xuân,
Giáo sư Võ Tòng Xuân: "DN không nên thụ động, ngồi chờ vốn, chờ thị trường theo kiểu “nước chảy bèo trôi”. |
Việc kết hợp như vậy không chỉ giúp bà con phát triển bền vững trong sản xuất mà đối với DN cũng đảm bảo được chất lượng, số lượng nguyên liệu đầu vào. Quan trọng hơn, nó là cơ sở làm nên các thương hiệu cho DN cũng như cho nông sản VN trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Lâm Viên – GĐ Công ty Vinamit – đơn vị đã thành công trong việc đầu tư vào trồng trọt và chế biến nông sản phân tích, DN chế biến thường cần sản phẩm chuyên canh, khối lượng lớn quanh năm, không có chất hoá học để tạo ra sản phẩm có thương hiệu. Thế nhưng, theo ông Viên, người nông dân vốn dĩ sản xuất nhỏ, thiếu liên kết nên quan niệm của họ là trồng vườn tạp, đáp ứng nhu cầu của thương lái, mong muốn của họ là thu hoạch nhiều, thích bán những sản phẩm lợi nhuận cao.
Cho nên để giải quyết được các nghịch lý kể trên, không ai khác, chính DN phải lao vào, gắn kết với nhà khoa học, với nông dân từ khâu kỹ thuật, chăm sóc phát triển cây giống, đến xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và phát triển hệ thống phân phối, chứ không thể phó mặc hết vào các thương lái – ông Lâm Viên chia sẻ.
Lợi nhuận cao vẫn chưa thu hút
Kết quả điều tra doanh nghiệp từ năm 2004 – 2006 do Tổng cục Thống kê tiến hành đã chỉ ra rằng, tính đến ngày 1/1/2007, số DN ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản mới chỉ chiếm 3,7% trên tổng số 131.332 DN khu vực nông thôn và chiếm 1,1% số DN toàn quốc.
Tổng số vốn của DN khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản lúc đó chiếm 6% trong tổng số DN khu vực nông thôn và chiếm 0,9% tổng số DN cả nước; tổng doanh thu là 602.000 tỷ đồng, chiếm 3% doanh thu của các DN khu vực nông thôn và chiếm 0,7% tổng doanh thu của các DN cả nước.
Lợi nhuận trong lĩnh vực nông lâm nghiệp vẫn chưa thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này. Ảnh minh họa |
Nhưng tổng lợi nhuận của DN các ngành trên lại chiếm 20,5% lợi nhuận của các DN khu vực nông thôn và chiếm 2,3% tổng lợi nhuận của toàn bộ DN cả nước. Điều này cho thấy lợi nhuận của DN thuộc khu vực này khá cao nhưng vẫn không thu hút được nhiều DN đầu tư.
Báo cáo của Bộ môn Nghiên cứu Thể chế Nông thôn, thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chỉ ra thực tế, phần lớn DN đầu tư trực tiếp vào đây đều là DN có mức vốn thấp, dưới 2 triệu USD, thậm chí có DN, vốn đăng ký kinh doanh chỉ là 160.000 USD.
Song, vốn thực tế hoạt động của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm nghiệp còn thấp hơn nhiều so với vốn kinh doanh.
Các nguyên nhân được đề cập nhiều nhất vẫn là chính sách, cơ chế, thủ tục về đất đai còn nhiều bất cập. Đất nông nghiệp manh mún, chia nhỏ, nhà đầu tư muốn có đất phải thương lượng với từng hộ dân trong khi riêng việc cấp đất đã có tới 15 – 20 thủ tục… khiến DN thường phải mất từ 1 – 2 năm, thậm chí 3 – 4 năm để có đất.
Ngoài ra, ông Nguyễn Lâm Viên còn góp ý, chính sách thuế, cụ thể là miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với DN đầu tư vào nông nghiệp mới nghe có vẻ có lý nhưng thực chất DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang phải chịu thuế toàn bộ nguyên vật liệu đầu vào để chế biến mà lẽ ra họ được miễn.
-
Nguyễn Nga