– Đại diện Chi cục Quản lý thị trường nhiều tỉnh thành cho rằng, biện pháp hữu hiệu nhất để xử lý tình trạng đầu cơ, găm hàng là thu hồi toàn bộ hàng hóa trước diễn biến phức tạp của thị trường, giá cả các tháng cuối năm.
Hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại 6 tháng cuối năm 2008, tại Hải Phòng, ngày 6/8 - Ảnh: N.N |
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, ông Lê Xuân Đài, kiến nghị, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này đang “không theo kịp” tình hình thực tế.
Chế tài xử phạt các vi phạm về giá thì quá nhẹ mà cơ sở để xử phạt về đầu cơ, găm hàng lại chưa có khiến lực lượng QLTT TP.HCM đã khá bối rối, điển hình là vụ sốt gạo cuối tháng 4 vừa qua.
Ông Đài nói, theo chỉ đạo “xử lý kiên quyết tình trạng đầu cơ, găm hàng” của thành phố, khi kiểm tra, lực lượng đã thu giữ được hơn 200 tấn gạo. Song, theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đây là gạo sản xuất trong nước, không phải là gạo nhập lậu nên không thể “xử lý” được.
Do đó, Chi cục QLTT chỉ có thể phạt hành vi “bán không đúng giá niêm yết”, nhưng theo luật, mức xử lý tối đa cũng chỉ 350.000 đồng - so với những gì mà giới đầu cơ thu được thì quá nhẹ và không đủ sức răn đe, nên biện pháp hữu hiệu nhất trong tình hình khó khăn của kinh tế đất nước hiện nay là tịch thu hàng hóa – ông Đài, nhấn mạnh.
Sẽ sớm có “cây gậy”
Khám xét hàng lậu tại kho 1 và 2 Cảng Sài Gòn. (Ảnh minh họa)
Được biết, thời gian qua Chính phủ đã giao Bộ Công Thương soạn thảo, lấy ý kiến và chuẩn bị thông qua nghị định xử phạt hành vi đầu cơ, tăng giá quá mức, buôn lậu, đưa tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang trong XH.
Riêng hành vi đầu cơ, nâng giá ở đây chỉ áp dụng với 14 mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá của Bộ Tài chính như xăng, dầu; xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học; thóc, gạo, muối, đường... trong điều kiện thị trường đang có những diễn biến bất thường.
Theo báo cáo của 56 Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố, 6 tháng đầu năm 2008, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 82.328 vụ vi phạm pháp luật, tổng số thu là 1.039 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt hành chính 190 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế 524 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu 325 tỷ đồng.
6 tháng cuối năm, nhận định tình hình còn diễn biến hết sức phức tạp, các lực lượng tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chống đầu cơ, găm hàng. |
Một nguồn tin tại Cục QLTT, Bộ Công Thương cho biết, dự thảo nghị định lần này bổ sung thêm một biện pháp mới là DN kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá phải thực hiện đăng ký và kê khai giá.
Cùng với việc thực hiện niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại các địa điểm, quầy, cửa hàng, các cơ sở giao dịch kinh doanh, dự thảo sẽ phân ra các mức độ cụ thể, phân biệt rõ thế nào là bán sai giá niêm yết, thế nào là tăng giá quá mức, từ đó có chế tài phù hợp.
Cũng theo vị này, ngoài nâng cao mức xử phạt hành chính lên vài chục triệu đồng, đây cũng là lần đầu tiên một nghị định xử phạt hành chính áp dụng hầu hết hình thức xử phạt bổ sung nặng nhất như tịch thu toàn bộ hàng hóa đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, tước giấy phép kinh doanh có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Chưa làm dân hiểu tình hình thực tế
Liên quan đến những tin đồn thất thiệt gây tác động mạnh đến xã hội, mà gần nhất là đồn đoán tăng giá xăng dầu ở TP.HCM khiến nhiều người dân hết sức hoang mang chiều tối 5/8, bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú lý giải là do “tâm lý xã hội đang không ổn định, chúng ta quá quan tâm đến những tin giật gân mà ít để ý đến việc làm cho người dân hiểu rõ tình hình thực tế”.
Xăng dầu là mặt hàng “quá quan trọng với cuộc sống và không thể thay thế được”, lại phụ thuộc vào tình hình thế giới, mà việc điều chỉnh giá thường được thực hiện theo từng đợt, ở một khoảng cách rộng. Đó là những lý do khiến thông tin về giá xăng dầu thời gian qua ở nước ta luôn ở tình trạng “hâm hấp nóng” – ông Tú nói.
-
Nguyễn NgaÝ kiến của bạn: